Các FTA sẽ giúp tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt mức 8,6% năm 2021

ANH DUY 07/01/2021 02:30

Fitch Solutions đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên 8,6%, từ mức 8,2% trong báo cáo trước đó nhờ có tác động tích cực của các FTA như EVFTA, UKVFTA và RCEP.

Trong báo cáo mới nhất của mình, Fitch Solutions cho biết, Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế 2,91% trong năm 2020 và vượt dự báo 2,6% của Fitch Solutions.

xuất khẩu tăng mạnh mẽ sau Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA)

Xuất khẩu tăng mạnh mẽ sau Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) đóng góp vào tăng trưởng của Việt Nam. Ảnh: Quốc Tuấn

"Điều này là nhờ có việc ngăn chặn hiệu quả sự bùng phát của Covid-19 trong nước và xuất khẩu tăng mạnh mẽ sau Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA)", báo cáo nêu rõ.

Với vaccine đang được chuẩn bị triển khai trên toàn cầu, Fitch Solutions kỳ vọng năm 2021 sẽ là một năm phục hồi kinh tế trên toàn thế giới. Điều đó sẽ giúp tăng cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi đó, toàn thế giới sẽ chứng kiến xu hướng gia tăng của du lịch nội địa sự hình thành của các bong bóng du lịch trong khu vực.

Sản xuất công nghiệp và xây dựng, chiếm tỷ trọng 33,7% GDP vào năm 2020, sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng vào năm 2021.

Fitch Solutions kỳ vọng đà tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực sản xuất sẽ kéo dài trong năm 2021, nhờ có tác động tích cực của các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, UKVFTA và RCEP.

Cụ thể, với UKVFTA mới đây, Việt Nam cũng nằm trong số ít các quốc gia châu Á - cùng với Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản - đã đạt được FTA song phương với Anh.

Fitch Solutions cho biết thêm: "Trong bối cảnh Việt Nam là nước hưởng lợi lớn từ xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc trong vài năm qua, chúng tôi nhận thấy khả năng tăng xuất khẩu Việt Nam rất lớn trong những năm tới".

Trong khi đó, RCEP, dù sớm nhất thì nửa cuối năm 2021 mới có hiệu lực, cũng sẽ hỗ trợ đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.

"Sự phục hồi kinh tế hiện nay, kết hợp với khả năng tham gia vào bong bóng du lịch trong khu vực vào năm 2021 khi có vaccine, sẽ thúc đẩy ngành bán lẻ, cũng như khách sạn và nhà hàng và vận tải hơn nữa", Fitch Solutions nhận định.

Công nghiệp chế biến chế tạo và lợi ích từ các FTA là động lực tăng trưởng 2021.

Công nghiệp chế biến chế tạo và lợi ích từ các FTA là động lực tăng trưởng 2021.

Trên thực tế, tuy không cao như dự báo của Fitch Solutions, nhưng hầu hết dự báo kinh tế của các tổ chức quốc tế đều cho rằng, tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2021 sẽ phục hồi từ 6% đến 7%. HSBC cho rằng Việt Nam có thể tăng trưởng 7,6% trong năm 2021.

Trong khi đó, IMF dự báo kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021 với GDP đạt 6,5 % khi hoạt động kinh tế trong và ngoài nước tiếp tục bình thường hóa.

Ngân hàng thế giới (World Bank) nhận định triển vọng của Việt Nam được cho là tích cực, dự báo tăng trưởng ở mức 6,8%.

“Việt Nam có khả năng cao trở thành một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới nhờ những thành tựu đất nước đã đạt được trong thời gian qua. Mặc dù tình hình hiện nay vẫn còn nhiều yếu tố bất định nhưng tôi tin rằng, sang năm 2021, Việt Nam sẽ tăng tốc mạnh mẽ hơn”, TS Jacques Morisset, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam cho biết.

Trong đó, đại diện World Bank đặc biệt nhấn mạnh Việt Nam đã nắm bắt tốt cơ hội từ cuộc khủng hoảng. Điển hình như việc thương mại toàn cầu năm nay đang chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng nhưng Việt Nam vẫn đạt được những thành tựu ấn tượng về xuất khẩu. 

Có thể bạn quan tâm

  • Chu kỳ suy giảm tăng trưởng qua nhanh, Việt Nam sẽ hồi phục chữ V năm 2021

    15:33, 06/01/2021

  • Dự báo khả năng phục hồi của các nền kinh tế châu Á

    05:00, 06/01/2021

  • Động lực mới của nền kinh tế

    05:15, 03/01/2021

  • Nền kinh tế mới nổi sẽ “trỗi dậy”

    11:00, 02/01/2021

  • Những điểm nhấn trong bức tranh kinh tế vĩ mô năm 2020

    05:00, 01/01/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Các FTA sẽ giúp tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt mức 8,6% năm 2021
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO