Nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm và tiêu dùng tăng cao của người dân dịp cuối năm, các làng nghề trên địa bàn tỉnh Nam Định tất bật chuẩn bị nguồn hàng phục vụ thị trường.
>>>Nam Định: Bứt tốc thu hút Doanh nghiệp đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp
Sẵn sàng...
Những ngày sát tết, các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề trên địa bàn tỉnh Nam Định đang tất bật chuẩn bị nguồn hàng để phục vụ thị trường cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Theo Hiệp hội doanh nghiệp: Dự đoán, năm nay sức mua sẽ không tăng đột biến nhưng vẫn chuẩn bị lượng hàng tăng 10- 30% so với năm trước, giá một số mặt hàng cũng sẽ tăng nhẹ. Bánh, kẹo, mứt là các mặt hàng không thể thiếu trong dịp tết. Do đó, bên cạnh sản xuất các mặt hàng truyền thống, các doanh nghiệp còn cho ra sản phẩm mới để thu hút người tiêu dùng.
Để kịp thời đáp ứng nhu cầu tiêu dùng dự kiến tăng cao của người dân, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh truyền thống đã đẩy mạnh sản xuất, tập trung vào các mặt hàng phục vụ Tết với số lượng lớn.
Vào những ngày này làng nghề bánh kẹo truyền thống Đông Cường, thị trấn Yên Định - Hải Hậu rất tấp nập để vận chuyển các sản phẩm bánh nhãn, bánh dẻo, bánh nướng, bánh khảo, kẹo dồi, kẹo vừng. Không chỉ có lịch sử sản xuất bánh kẹo trên 100 năm, làng nghề Đông Cường còn được Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ tiến hành xây dựng, bảo hộ nhãn hiệu, ghi nhãn hàng hóa, mẫu mã bao bì sản phẩm, đăng ký mã số, mã vạch cho các sản phẩm bánh kẹo Đông Cường, bánh nhãn Hải Hậu vì vậy người tiêu dùng có căn cứ tin tưởng chất lượng sản phẩm, gia tăng nhu cầu mua hàng trong dịp Tết. Khảo sát nhanh được biết dịp cuối năm các hộ trong làng nghề đều phải tăng cường nhân lực, máy móc hoạt động tối đa công suất để mỗi ngày sản xuất từ 2-3 tạ bánh, kẹo cho thấy uy tín của thương hiệu làng nghề trên thị trường bánh kẹo ngày càng phong phú với bánh kẹo cả nội và ngoại nhập.
Bánh đa nem cũng là sản phẩm được tiêu thụ nhiều trong ngày Tết. Các cơ sở làm bánh đa nem thời gian nay cũng đang tất bật “đỏ lửa” để kịp thời sản xuất sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Ông Phan Văn Phương - Xuân Tiến - Xuân Trường cho biết: “Nếu ngày thường, cơ sở tôi làm khoảng 1.000 cái/ngày thì vào dịp này tăng lên 1.500 cái. Mặc dù bánh trong dịp Tết được làm theo nhu cầu của khách, kỹ càng, chất lượng hơn nhưng giá cả vẫn không thay đổi nhiều so với ngày thường”.
Ngoài bánh kẹo, làng nghề Đông Cường còn có sản phẩm “bánh chưng bà Thìn” cũng được người tiêu dùng yêu thích bởi hương vị đậm đà, đặc biệt thơm ngon. Từ trước Tết vài tháng khách hàng đã tấp nập đến đặt bánh chưng bà Thìn với số lượng lớn; dự kiến đầu tháng Chạp số lượng bánh chưng đặt sẽ tăng gấp 2, 3 lần so với ngày thường, hàng được bán đến tận ngày 30 Tết.
Ngoài sản phẩm nước mắm, người dân làng nghề Sa Châu còn gia tăng sản lượng các sản phẩm phụ của làng nghề như mắm tôm, mắm mực, mắm sung chua để đáp ứng nhu cầu ẩm thực trong dịp Tết. Làng Sắc, xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc) chuyên cung ứng quần áo thời trang và chăn, ga, gối, đệm trong phân khúc thị trường bình dân nhưng các hộ làm nghề luôn khai thác các mẫu mã được ưa chuộng nên sản phẩm ngày càng có sức hấp dẫn người tiêu dùng trong nước, một số sản phẩm còn được xuất khẩu sang thị trường Lào, Campuchia.
Theo ông Trần Quốc Huy - Chủ tịch UBND xã Mỹ Thắng - huyện Mỹ Lộc - Nam Định: Hiện nay, trên địa bàn xã có 10 doanh nghiệp lớn và khoảng 600 hộ chuyên sản xuất các mặt hàng may mặc và chăn, ga, gối, đệm tạo việc làm ổn định cho gần 5.400 lao động với mức thu nhập bình quân khoảng 6,5 triệu đồng/người/tháng. Làm nghề cả năm, nhưng thời điểm cuối năm, thời tiết lạnh cộng với nhu cầu mua sắm cho gia đình và làm quà tặng cho người thân tăng lên, các doanh nghiệp trong nghề xã Mỹ Thắng mới thực sự vào vụ. Các cơ sở sản xuất đã huy động thêm nhân lực, đầu tư thêm máy móc, thiết bị sản xuất đẩy nhanh tiến độ cắt may để kịp hoàn thành hợp đồng.
Tất bật chuẩn bị nguồn hàng
Theo ông Nguyễn Anh Huy - Chủ doanh nghiệp may Huy Ngoan cho biết, năm nào cũng vậy, từ dịp Noel đến Tết Nguyên đán, các mặt hàng quần áo thời trang do người dân xã Mỹ Thắng sản xuất đều bán rất chạy. Tháng cận Tết, nhu cầu mua sắm càng tăng nên lao động trong cơ sở của anh đều phải tăng giờ làm thêm từ 3-4 tiếng/ngày so với trước đây để kịp hoàn thành các đơn hàng lớn, cung ứng sản phẩm cho khu vực nội tỉnh và một số tỉnh lân cận. Công việc vất vả, song bù lại doanh thu trong những tháng giáp Tết của cơ sở khá cao.
Làng nghề mộc truyền thống La Xuyên, xã Yên Ninh (Ý Yên) cũng đang bước vào vụ sản xuất nhộn nhịp nhất trong năm. Khắp các đường làng, ngõ, xóm, đâu đâu cũng nghe thấy tiếng máy cưa, máy xẻ, tiếng đục đẽo hòa cùng tiếng nói cười rôm rả của những người thợ mộc. Tết đến nhu cầu mua sắm tủ quần áo, giường, bàn ghế salon và các sản phẩm gỗ trang trí khắc chạm càng tăng. Càng gần Tết các hộ làm nghề trong làng đều phải tăng cường độ sản xuất, mỗi xưởng thuê thêm 4-5 nhân công...
Bên cạnh sự nỗ lực gia tăng sản lượng, đảm bảo chất lượng sản phẩm, giữ gìn và phát triển thương hiệu của các hộ làm nghề, các ngành chức năng và các địa phương đã tăng cường kiểm tra các điều kiện sản xuất, chú trọng kiểm tra công tác đảm bảo chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn các mặt hàng thực phẩm, ngăn chặn tình trạng lợi dụng thời điểm sức mua trên thị trường tăng để làm ẩu, trà trộn hàng hóa chất lượng kém, trục lợi gây mất uy tín thương hiệu
Dịp cuối năm, ngoài các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm; các làng nghề sản xuất mặt hàng thủ công mỹ nghệ, mộc, cơ khí phục vụ dịp Tết… cũng tất bật vào vụ sản xuất để đáp ứng đủ nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng nghìn lao động địa phương, các làng nghề truyền thống còn mang đến nét đẹp văn hoá đặc trưng với những sản phẩm đặc sắc của mỗi vùng miền mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Kỳ vọng vào thị trường tết, các doanh nghiệp đều gia tăng lượng hàng cung ứng ra thị trường, đón đầu xu hướng tiêu dùng. Với sự chú trọng trong từng mặt hàng, nhiều đơn vị sản xuất hứa hẹn sẽ có nhiều sản phẩm chất lượng, an toàn để phục vụ người tiêu dùng dịp tết.
Để bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán 2024, cùng với các giải pháp bình ổn thị trường, Sở Công thương đã tăng cường thông tin, tuyên truyền về công tác chuẩn bị tết, chương trình đưa hàng Việt Nam về nông thôn, các hoạt động hưởng ứng cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, thành lập các điểm bán hàng bình ổn… Qua đó, giúp người tiêu dùng tiếp cận nguồn hàng đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm với giá cả hợp lý.
Có thể bạn quan tâm