Mặc dù ghi nhận những thành tựu kinh tế - xã hội của năm 2017, TS Lê Thanh Vân - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội nhấn mạnh, để tiếp tục tăng trưởng bền vững, Việt Nam cần có những cải cách mạnh mẽ về nhiều mặt, từ đó tạo ra những động lực tăng trưởng mới.
- Năm 2017 được coi là đã đạt những kỳ tích tăng trưởng về mọi mặt, đồng thời là năm đầu tiên sau nhiều năm mà toàn bộ 13 chỉ tiêu do Trung ương, Quốc hội giao đều được hoàn thành và hoàn thành vượt mức. Vậy cơ sở nào khiến ông cho rằng cải cách là một yêu cầu cấp thiết?
Năm 2017 đúng là chúng ta đã có những thành công đáng khích lệ. Đây là trái ngọt của nhiều nỗ lực cộng hưởng, như tiết kiệm chi, tăng cường kỷ luật ngân sách; ban hành kế hoạch tài chính ngân sách quốc gia, kế hoạch đầu tư công trong 5 năm, môi trường sản xuất kinh doanh hướng tới minh bạch, công bằng, tạo động lực phát triển. Sự quyết liệt trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Đảng cũng đã khích lệ tinh thần người dân rất lớn, từng bước xây dựng niềm tin cho nhà đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế. Chúng ta có cơ sở để tin tưởng rằng tăng trưởng đang hồi phục.
Tuy nhiên, yêu cầu tạo ra động lực tăng trưởng mới là nhận định của cả các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia trong nước và nước ngoài. Trong khi đổi mới là một việc cần được làm thường xuyên, liên tục, thì - ở một cấp độ cao hơn - Việt Nam cần có những bước cải cách dứt khoát và mạnh mẽ. Bởi vì trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường; kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; xuất hiện xu hướng bảo hộ trở lại và chống tự do hóa thương mại và đầu tư ở nhiều nơi; thì một số động lực tăng trưởng truyền thống mà chúng ta vẫn dựa vào lâu nay như vốn và tài nguyên thiên nhiên là không còn thích nghi với bối cảnh tình hình mới, nhất là thế giới ngày nay đang đi trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0). Chúng ta chỉ còn 8 năm trong thời kỳ dân số vàng, nên ngay cả thế mạnh nhân công giá rẻ cũng sẽ không tồn tại lâu.
- Theo ông, đâu là những lĩnh vực trọng tâm cần tập trung cải cách?
Nhìn vào 4 yếu tố trực tiếp quyết định tăng trưởng (vốn, tài nguyên, khoa học công nghệ và con người), thì hai yếu tố sau là hai trọng tâm cần tập trung cải cách. Bên cạnh đó, các yếu tố gián tiếp quyết định tăng trưởng, gồm thể chế, văn hóa, giáo dục cũng vậy.
Với trình độ khoa học công nghệ và kỹ năng, năng suất, chất lượng lao động của chúng ta như hiện nay thì rõ ràng khó mà đáp ứng được kỳ vọng phát triển trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Do nguồn lực có hạn, thay vì đầu tư đại trà thì ta cần tập trung vào ngành, lĩnh vực mũi nhọn có sức đột phá, dẫn dắt và lan tỏa mạnh. Theo tôi, Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển công nghệ thông tin. Chúng ta cơ bản đã xác lập được hạ tầng công nghệ thông tin khá tốt, nhưng vấn đề là khắc phục tính cục bộ trong ngành mình, địa phương mình để tạo ra được sự kết nối liên thông, thống nhất trên phạm vi quốc gia; đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu tích hợp thông tin về các ngành kinh tế. Lợi thế thứ 2 là chúng ta đang sở hữu đội ngũ chuyên gia về công nghệ thông tin có đẳng cấp trong khu vực và thế giới. Thứ 3, chúng ta có nền toán học phát triển, đáng tự hào. Một lợi thế quan trọng nữa là chúng ta đã có hơn 50 triệu người sử dụng internet thường xuyên…
Hòa nhập được vào dòng chảy của 4.0, cách thức chúng ta làm kinh tế sẽ thay đổi hoàn toàn. Bạn thử tưởng tượng xem, khi chúng ta tích hợp đầy đủ dữ liệu về nông nghiệp, cụ thể về chỉ dẫn địa lý, cộng với thế mạnh của chúng ta về thổ nhưỡng, khí hậu, nhân lực; dựa trên những ứng dụng điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo, trong kỷ nguyên internet kết nối vạn vật, chúng ta có thể thu hút các nguồn lực từ bên ngoài mà chẳng cần tốn kém chi phí, công sức để tổ chức “xúc tiến đầu tư” ở những thị trường xa xôi theo kiểu cũ. Phát triển thành công kinh tế internet, để cầu tự tìm đến cung, chúng ta sẽ cắt giảm được cực nhiều chi phí trung gian.
- Để làm được như thế, những yếu tố gián tiếp mà ông đã nhắc đến (thể chế, văn hóa, giáo dục…) hẳn là cũng cần phải chuyển động theo, thưa ông?
Tất nhiên rồi. Kết quả giám sát tối cao của Quốc hội về bộ máy hành chính giai đoạn 2011 - 2015 cho thấy rất nhiều bất cập: bộ máy cồng kềnh kém hiệu quả, chức năng chồng chéo… đã tỏ ra lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu, ngay cả với cung cách quản lý hiện hữu chứ chưa nói đến yêu cầu quản lý trong thời đại 4.0.
Tôi đặc biệt quan tâm đến công tác nhân sự, vì chất lượng thể chế, chất lượng giáo dục và văn hóa đều bắt nguồn từ con người, do con người; trong đó, tầng lớp tinh hoa, nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò vô cùng quan trọng. Vừa qua, công tác này đã bộc lộ quá nhiều nhược điểm. Tiêu chí đánh giá cán bộ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp vẫn nặng về định tính, làm phát sinh nhiều tiêu cực như làm bằng giả, mua bằng, mua phiếu… Nói một cách hình tượng thì tòa nhà chế độ có bền vững hay không là do nó được xây dựng bằng vật liệu gì. Rường cột phải bằng gỗ tốt thuộc nhóm 1. Gỗ nhóm 2, nhóm 3 vẫn cần, nhưng để làm những bộ phận khác. Phên liếp cũng cần, nhưng phải dùng vào đúng việc, đúng chỗ, nếu không thì khi gặp phong ba bão tố, nhà sẽ sập. Chưa nói đến những tiêu cực, vừa qua cũng đã có không ít trường hợp chúng ta dùng nhầm “vật liệu”.
Có những cán bộ đang phát huy năng lực rất tốt khi làm chuyên gia trong lĩnh vực của mình, được bổ nhiệm vào vị trí quản lý lại không có khả năng kiến tạo chính sách phát triển. Lại cũng có nhân tài nhiều tiềm năng bị ngáng trở, chưa được trọng dụng. Điều đáng mừng là Đảng ta đã nhận thấy và đang có sự điều chỉnh mà tôi cho là đúng hướng. Có điều, muốn tạo ra đột phá thì công tác nhân sự cần được cải cách mạnh mẽ và trước tiên, chứ không chỉ là "đổi mới".
Tôi đã từng nêu nhiều kiến nghị rất cụ thể về vấn đề này tới cấp có thẩm quyền và trách nhiệm, trong đó có việc phân loại cán bộ để trọng dụng nhân tài theo từng lĩnh vực, thi tuyển các chức danh từ Thứ trưởng trở xuống… Và tất nhiên, để cải thiện các yếu tố trên, giáo dục cũng cần cải cách, dù đó là một câu chuyện dài khác.
Xin cảm ơn ông!