Báo cáo về thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường do VCCI công bố mới đây cho thấy có đến 50% doanh nghiệp cho biết gặp khó về thủ tục đất đai, GPMB.
>>Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công: Lấy COVID-19 là động lực đột phá hoàn thiện thể chế
>> Ma trận thủ tục hành chính hành doanh nghiệp xây dựng
Thông tin trên được đưa ra tại báo cáo “Thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư – đất đai – xây dựng – môi trường: Một số kết quả từ Khảo sát doanh nghiệp năm 2020” do VCCI công bố mới đây tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp.
Qua khảo sát gần 2.000 doanh nghiệp có thực hiện hoạt động xây dựng công trình trong 2 năm gần nhất, trong số gần 10.200 doanh nghiệp phản hồi khảo sát điều tra PCI 2020 của VCCI thì các doanh nghiệp còn gặp khó khăn nhất định khi tiến hành các thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng và thủ tục quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.
Trong 11 hạng mục khảo sát, đáng chú ý tỷ lệ doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn trong việc thực hiện các TTHC liên quan đến đất đai và giải phóng mặt bằng ở mức cao nhất là 50%. Chiếm tỷ lệ cao thứ hai là khó khăn về các thủ tục liên quan đến quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, chiếm 48%. Đứng thứ ba trong bảng xếp hạng các thủ tục có tỷ lệ doanh nghiệp phản ánh khó khăn là các thủ tục về thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế xây dựng.
Đối với hạng mục có tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn nhất là các thủ tục liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng, báo cáo của VCCI chỉ ra các vấn đề chủ yếu diễn ra trong giai đoạn đền bù đất đai và giải phóng mặt bằng của các dự án đầu tư xây dựng, đặc biệt là các dự án đầu tư lớn.
Theo đó, tình trạng doanh nghiệp và người sử dụng đất không thể tiến tới hình thức chuyển dịch đất đai tự nguyện qua thỏa thuận là rủi ro lớn cho các doanh nghiệp khi tiến hành đầu tư. Nếu chính quyền các địa phương không có phương án GPMB và đền bù thỏa đáng, dự án có thể bị đình trệ kéo dài bởi các tranh chấp và khiếu kiện.
Một điểm đáng chú ý trong báo cáo điều tra của VCCI là việc tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân gặp khó khăn khi thực hiện các dự án cao hơn doanh nghiệp FDI ở 6/10 nhóm thủ tục được đánh giá và tỷ lệ này thể hiện rõ nhất ở các thủ tục về đất đai và GPMB.
Đặc biệt, nghiên cứu của VCCI cũng cho thấy tỷ lệ các doanh nghiệp lớn (quy mô vốn trên 200 tỷ) gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục về đất đai và GPMB là ít nhất khi so với nhóm các doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn.
Đề xuất xếp hạng địa phương
Dù vẫn còn những khó khăn trong thực tiễn thực hiện các TTHC trong lĩnh vực đầu tư – đất đai – xây dựng – môi trường nhưng báo cáo của VCCI cũng cho thấy điểm tích cực là tỷ lệ doanh nghiệp gặp trở ngại với nhóm thủ tục về "đất đai, giải phóng mặt bằng" và nhóm thủ tục về "quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị" đã giảm đáng kể với mức giảm lần lượt là 8% và 4,2% (so với năm 2019).
Đây là kết quả nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận được mặt bằng kinh doanh và quỹ đất sạch.
Để tiếp tục cải thiện và đẩy nhanh hiệu quả công tác cải cách TTHC trong lĩnh vực nói trên, mới đây VCCI đã đưa ra đề xuất phối hợp với Bộ Xây dựng triển khai Bộ chỉ số đánh giá mức độ thuận lợi trong thực hiện các thủ tục hành chính đầu tư – đất đai – xây dựng – môi trường làm cơ sở để chấm điểm và xếp hạng các địa phương trên cả nước.
Theo đề xuất, bộ chỉ số này sẽ được xây dựng theo quy trình 3 bước, kế thừa từ cách thức xây dựng Bộ chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do VCCI và USAID triển khai xây dựng và công bố thường niên từ năm 2005 tới nay.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế (VCCI) việc chỉ rõ địa phương nào doanh nghiệp gặp thuận lợi hay khó khăn trong quá trình thực hiện nhóm thủ tục nào sẽ có thể giúp cho chính quyền các tỉnh có thông tin để lựa chọn các giải pháp cải cách phù hợp.
"Đánh giá này cũng sẽ giúp cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư có thông tin hữu ích để dự liệu cho quá trình thực hiện thủ tục tại mỗi địa phương, cũng như cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư những chỉ báo quan trọng trong việc lựa chọn địa điểm đầu tư" - ông Tuấn nhận định.
Có thể bạn quan tâm