Nhiều ý kiến cho rằng thay vì cấm thì nên bổ sung quy định các điều kiện chặt chẽ, kèm theo việc bán rượu, bia trên internet sẽ phù hợp hơn.
Tại phiên thảo luận về Dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu, bia tại hội trường Quốc hội, mới đây Đại biểu Nguyễn Văn Quyền, đoàn đại biểu Cần Thơ cho rằng, quy định không được bán rượu, bia trên mạng internet là không hợp lý, khó khả thi trong thời đại 4.0 thương mại điện tử phát triển mạnh.
Cho phép bán nhưng có kiểm soát
Theo đại biểu Nguyễn Văn Quyền, việc bán rượu bia trên mạng tạo điều kiện cho cơ quan quản lý nắm bắt được chất lượng thật của rượu bia, cũng như địa chỉ chịu trách nhiệm về sản phẩm bán ra.
Đồng quan điểm trên, đại biểu Hà Thị Lan (đoàn đại biểu Bắc Giang) bày tỏ: “… tôi cũng không đồng tình với quy định này và đề nghị nên cân nhắc bởi vì quy định này không phù hợp với trào lưu phát triển của thương mại điện tử. Hơn nữa, tính khả thi của quy định này là không cao. Đề nghị thay vì cấm thì nên bổ sung quy định các điều kiện chặt chẽ, kèm theo việc bán rượu, bia trên internet như thế nào để phù hợp hơn.
Trên thực tế, quy định cấm bán rượu từ 15 độ cồn trở lên đã được Chính phủ quy định tại Nghị định 105/2017 về sản xuất và kinh doanh rượu. Tuy nhiên, người tiêu dùng hiện nay có thể dễ dàng mua rượu trên Internet khi hành vi bán mặt hàng này vẫn còn nhan nhản trên các trang web, các trang mạng xã hội, trong thời gian qua. Tất cả những trang web, mạng xã hội này đều không phải đại diện hợp pháp của các công ty kinh doanh rượu bia, và đang vượt ra ngoài sự quản lý của các cơ quan chức năng.
Đồng thời, cũng do hoạt động kinh doanh này là không hợp pháp, không ít người tiêu dùng đã mua phải các sản phẩm rượu giả, rượu không có nguồn gốc, xuất xứ, nhập lậu hoặc có chất lượng kém có thể gây hại cho sức khỏe của người sử dụng. Vì vậy, quy định cấm bán rượu, bia trên Internet thực chất chỉ cấm được những đối tượng kinh doanh hợp pháp, trong khi lại tạo điều kiện cho những đối tượng kinh doanh bất hợp pháp phát triển.
Thương mại điện tử xu thế khó đảo ngược
Hiện nay phần lớn các quốc gia phát triển trên thế giới đều cho phép kinh doanh đồ uống có cồn trên Internet. Từ những nước có tỷ lệ tiêu thụ đồ uống có cồn rất cao như các nước trong khối liên minh Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung quốc cho đến những nước đạo hồi có tỷ lệ tiêu thụ đồ uống có cồn rất thấp như Malaysia, Indonesia hay những nước có thị trường rượu, bia rất nhỏ như Campuchia hay Singapore đều đang cho phép kinh doanh đồ uống có cồn trên Internet mà không phân biệt nồng độ cồn trong sản phẩm.
Một trong những lý do chính mà chính phủ các nước này cho phép kinh doanh đồ uống có cồn trên Internet là do những lợi ích thiết thực mà thương mại điện tử có thể mang lại trong việc kiểm soát tiêu thụ đồ uống có cồn. Cụ thể là, thương mại điện tử giúp ngăn chặn những đối tượng chưa đủ tuổi sử dụng đồ uống có cồn, vì việc mua hàng trên Internet đòi hỏi người mua phải thanh toán bằng thẻ tín dụng mà những đối tượng chưa đủ tuổi không thể đáp ứng được.
Có thể bạn quan tâm
05:19, 24/09/2017
10:36, 06/04/2019
11:25, 16/11/2018
Ngoài ra, thương mại điện tử còn giúp cho việc nâng cao tính minh bạch và thu thuế, khi các giao dịch đều được thanh toán bằng thẻ ngân hàng hoặc chuyển khoản. Cuối cùng và cũng không kém phần quan trọng là việc cho phép các nhà sản xuất và kinh doanh rượu hợp pháp được bán hàng của họ trên Internet sẽ giúp đẩy lùi và ngăn chặn các loại rượu nhập lậu, rượu giả, rượu bất hợp pháp đang bán tràn lan trên Internet.
Singapore là một trong những nước ở Châu Á cho phép bán rượu trên Internet. Tuy nhiên, cả người bán và người mua đều phải tuân thủ theo những quy định nghiêm ngặt về giấy phép, nội dung, độ tuổi người mua và người nhận hàng,… Ví dụ, theo Luật Kiểm soát (Cung cấp và Tiêu thụ) Rượu của Singapore được ban hành năm 2015, chỉ những người trong độ tuổi uống rượu hợp pháp (tức 18 tuổi trở lên) mới được phép truy cập vào các trang web để mua đồ uống có cồn. Các website đều phải có các công cụ để xác minh độ tuổi người mua. Người giao hàng cũng sẽ có trách nhiệm kiểm tra giấy tờ tùy thân của người nhận hàng.