Hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đang chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 khi kim ngạch xuất khẩu tiếp tục chiều hướng giảm, cán cân thương mại nghiêng về hướng nhập siêu.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan đưa ra cho thấy, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đang chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 khi kim ngạch xuất khẩu tiếp tục chiều hướng giảm, cán cân thương mại nghiêng về hướng nhập siêu.
Cụ thể, 15 ngày đầu tháng 5/2021, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 11,9 tỷ USD giảm 1,93 tỷ USD so với nửa cuối tháng 4/2021. Tính chung từ đầu năm đến ngày 15/5, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 116,8 tỷ USD.
Trong đó, 4 nhóm hàng chủ lực có kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; dệt may.
Ở chiều ngược lại, tổng kim ngạch nửa đầu tháng 5 đạt 13,8 tỷ USD nhỉnh hơn đôi chút so với con số 13,76 tỷ USD của nửa cuối tháng 4 trước đó. Tính chung từ đầu năm đến ngày 15/5/2021, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 117,15 tỷ USD. Nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất trong nửa đầu tháng 5 là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với 2,72 tỷ USD. Ngoài ra, còn một nhóm hàng nhập khẩu “tỷ USD” là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt gần 2,1 tỷ USD.
Với mức thâm hụt tới 1,9 tỷ USD trong nửa đầu tháng 5, nên lũy kế từ đầu năm đến 15/5/2021, cán cân thương mại đảo chiều khi nước ta đã nhập siêu 350 triệu USD.
Theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, việc xuất khẩu sụt giảm trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 trở lại phức tạp ở nhiều địa phương, nhất là một số tỉnh, thành trọng điểm ở khu vực miền Bắc như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội… là 3 trong số 8 địa phương có quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu từ 10 tỷ USD trở lên (tính trong 4 tháng đầu năm 2021).
Đặc biệt, Bắc Giang đang là địa phương có diễn biến dịch bệnh phức tạp, nhưng cũng là địa phương có kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng hết sức ấn tượng trong những tháng đầu năm 2021 với kim ngạch xuất khẩu tăng thêm 2,3 tỷ USD so với cùng kỳ 2020, trong khi nhập khẩu tăng 2,4 tỷ USD.
Trong báo cáo mới đây, Bộ Công Thương cũng đưa ra nhận định, việc vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn; nhiều chuỗi cung ứng bị gián đoạn, nhu cầu thị trường chưa hồi phục đồng đều; chi phí đầu vào như logistics, nguyên liệu nhập khẩu tăng cao; các thị trường xuất khẩu nông, thủy sản liên tục đưa ra những thay đổi trong quy định chứng nhận an toàn thực phẩm…cũng đang là rào cản đối với hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) khuyến cáo, doanh nghiệp phải nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như khả năng thích ứng để vượt qua khó khăn, chủ động chuyển hướng để nắm bắt hiệu quả những cơ hội từ bối cảnh mới. Ông Trần Thanh Hải khẳng định, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp về thị trường, cải cách thủ tục hành chính liên quan đến xuất nhập khẩu, tháo gỡ khó khăn về đầu vào, hỗ trợ về mặt thông tin và đẩy mạnh tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa.
Có thể bạn quan tâm
Xuất nhập khẩu tháng 4/2021: Tín hiệu mừng từ nhập siêu
03:30, 04/05/2021
Môi trường kinh doanh: Lĩnh vực xuất nhập khẩu liên tục có sự cải thiện
04:30, 21/04/2021
Nghị định 18/2021/NĐ-CP: Tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động xuất nhập khẩu
08:29, 20/04/2021
Doanh nghiệp vẫn “khổ” vì thủ tục xuất nhập khẩu
04:40, 19/04/2021