Kiến nghị

Cân nhắc việc đăng ký kinh doanh theo ngành, nghề doanh nghiệp yêu cầu

Anh Khôi 22/09/2024 11:06

Góp ý Dự thảo Nghị định về đăng ký doanh nghiệp, VCCI đề nghị cơ quan quản lý cân nhắc việc đăng ký kinh doanh theo ngành, nghề doanh nghiệp yêu cầu…

Theo đó, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản trả lời Công văn số 463/GM-BTP của Bộ Tư pháp về việc đề nghị tham gia họp thẩm định Dự thảo Nghị định về đăng ký doanh nghiệp (Dự thảo).

gop-y-ve-thu-tuc-dang-ky-kinh-doanh-vcci-1.1.1.jpg
VCCI vừa có văn bản góp ý Dự thảo Nghị định về đăng ký doanh nghiệp - Ảnh minh họa: ITN

Tại văn bản này, VCCI cho biết, ngày 29/7/2024, VCCI đã có Công văn số 1319/LĐTM-PC góp ý Dự thảo. Đối chiếu với Dự thảo phiên bản thẩm định, nhiều ý kiến của VCCI đã được tiếp thu, những ý kiến chưa được tiếp thu đã được giải trình…

Tiếp tục góp ý hoàn thiện Dự thảo, về ghi ngành nghề kinh doanh (Điều 7), theo VCCI, khoản 5 Điều 7 Dự thảo quy định “Đối với những ngành, nghề kinh doanh không có trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam và chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì Cơ quan đăng ký kinh doanh xem xét ghi nhận bổ sung ngành, nghề kinh doanh này cho doanh nghiệp nếu không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, đồng thời thông báo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư để bổ sung ngành, nghề kinh doanh mới”.

Quy định này là chưa rõ về điểm, trong trường hợp này cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ ghi ngành nghề vào cơ sở dữ liệu trước rồi doanh nghiệp mới được đăng ký kinh doanh hay là cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ cho doanh nghiệp đăng ký kinh doanh ngành nghề mới này rồi mới ghi nhận vào cơ sở dữ liệu?

Trên thực tế, doanh nghiệp phản ánh, đã bị cơ quan đăng ký kinh doanh hướng dẫn: tạm thời bỏ ngành nghề đăng ký ra khỏi hồ sơ đăng ký/thay đổi để cơ quan đăng ký kinh doanh ghi nhận vào Cơ sở dữ liệu quốc gia, thông báo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau đó doanh nghiệp quay lại thực hiện việc bổ sung. Với cách thức thực thi này đã ảnh hưởng khá lớn đến hoạt động đăng ký doanh nghiệp và ảnh hưởng đến tinh thần cải cách, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục này.

gop-y-ve-thu-tuc-dang-ky-kinh-doanh-vcci-1.1.2.jpg
VCCI đề nghị cơ quan quản lý cân nhắc việc đăng ký kinh doanh theo ngành, nghề doanh nghiệp yêu cầu - Ảnh minh họa: ITN

“Trong bản góp ý trước, VCCI đề nghị cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ đăng ký kinh doanh theo ngành, nghề doanh nghiệp theo yêu cầu của doanh nghiệp và ghi nhận ngành, nghề này vào Cơ sở dữ liệu quốc gia, tức là bỏ cụm từ “xem xét” tại khoản 5 Điều 7 Dự thảo. Tuy nhiên, góp ý này chưa được tiếp thu, mặc dù Ban soạn thảo giải trình là làm rõ nội hàm của quy định này… tuy nhiên, VCCI bảo lưu ý kiến góp ý trên”, VCCI cho biết.

Bên cạnh đó, góp ý về thời điểm có hiệu lực của những thay đổi trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, VCCI cho rằng, theo quy định tại khoản 2 Điều 30 Luật Doanh nghiệp “Doanh nghiệp chịu trách nhiệm đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thay đổi”.

Luật Doanh nghiệp cũng như Dự thảo không quy định rõ về ngày có hiệu lực của những thay đổi này: là ngày ban hành các quyết định của doanh nghiệp? Ngày ghi nhận sự thay đổi trong các quyết định của doanh nghiệp hay là ngày cơ quan đăng ký kinh doanh cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp?

Cụ thể về trường hợp thay đổi người đại diện theo pháp luật: Doanh nghiệp ban hành quyết định hoặc nghị quyết thay đổi người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo pháp luật sẽ đảm nhiệm kể từ một ngày cụ thể nào đó (ví dụ: ngày 01/3/2024 doanh nghiệp ban hành nghị quyết/quyết định trong đó thay đổi người đại diện theo pháp luật. Người đại diện theo pháp luật mới sẽ đảm nhiệm từ ngày 01/4/2024). Ngày 11/3/2024, doanh nghiệp tiến hành thủ tục đăng ký thay đổi người đại diện theo pháp luật và ngày 14/3/2024 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Như vậy, với các mốc thời gian trên thì thời gian có hiệu lực của việc thay đổi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là ngày 01/4/2024 – ngày ghi trong nghị quyết/quyết định của doanh nghiệp hay là ngày 14/3/2024 – ngày cơ quan đăng ký kinh doanh cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp?

“Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải thực hiện đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thay đổi. Vậy “ngày có thay đổi” ở đây được xem là ngày ban hành quyết định/nghị quyết (ngày 01/3/2024) hay là ngày người đại diện theo pháp luật bắt đầu đảm nhiệm chức vụ theo quyết định (ngày 01/4/2024)?

Nếu xem ngày cơ quan đăng ký kinh doanh cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là ngày có hiệu lực của sự thay đổi thì nội dung về ngày bắt đầu thực hiện nhiệm vụ của người đại diện theo pháp luật trong quyết định/nghị quyết của doanh nghiệp là không có ý nghĩa và doanh nghiệp không thực hiện được quyền của mình trong việc lựa chọn và quyết định ngày thay đổi người đại diện theo pháp luật. Còn nếu xác định là ngày ghi trong quyết định/nghị quyết của doanh nghiệp thì cần phải quy định rõ ngày nào được cho là ngày có thay đổi các nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp”, VCCI góp ý.

Theo VCCI, trong bản giải trình của Ban soạn thảo, thời điểm xác định ngày có thay đổi là ngày 01/4/2024 theo trường hợp trên. Tuy nhiên, Dự thảo chưa có quy định nào thể hiện ngày có thay đổi là ngày ghi trong quyết định/nghị quyết của doanh nghiệp và thời điểm phải thực hiện thủ tục phải căn cứ vào ngày có thay đổi này.

Vì vậy, VCCI đề nghị bổ sung quy định để đảm bảo thống nhất và thuận lợi khi thực hiện.

Cùng với các nội dung đã nêu, tại văn bản góp ý, VCCI cũng đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, cân nhắc việc sửa đổi Điều 66 của Nghị định 31/2021/NĐ-CP về nội dung của văn bản đăng ký góp vốn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cân nhắc việc đăng ký kinh doanh theo ngành, nghề doanh nghiệp yêu cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO