Doanh nghiệp FDI đã tạo ra một Vĩnh Phúc phát triển vượt bậc như ngày hôm nay. Nhưng điều làm nên sự bền vững cho Vĩnh Phúc vẫn phải do doanh nghiệp Việt Nam.
Đây là chia sẻ của ông Lê Duy Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc với DĐDN về hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam. Ông Thành khẳng định, chúng tôi luôn ưu tiên doanh nghiệp của tỉnh và sẵn sàng tạo mọi điều kiện cho họ có cơ hội tiếp xúc với các doanh nghiệp FDI, không can thiệp bằng các biện pháp hành chính.
- Có ý kiến cho rằng, công nghiệp hỗ trợ của chúng ta “chậm phát triển” vì ngay từ khái niệm của ngành này còn đang có nhiều cách hiểu khác nhau. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
Khái niệm công nghiệp hỗ trợ hiện nay chưa thật sự rõ ràng. Có rất nhiều địa phương hay các bộ, ban, ngành đều hiểu rằng công nghiệp hỗ trợ chỉ là ngành sản xuất ra linh kiện để phục vụ cho những ngành sản xuất ra sản phẩm chính. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng công nghiệp hỗ trợ lại không đơn thuần như vậy. Đây là cả một ngành công nghiệp, có cả một hệ thống quản lý và phục vụ cho những ngành công nghiệp ra những sản phẩm chính. Ví dụ, sản xuất máy móc để làm ra những sản phẩm thì có được nhìn nhận là công nghiệp hỗ trợ không? Hay công việc bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa có phải công nghiệp hỗ trợ không? Như vậy, có thể thấy ngay từ khái niệm của ngành này cũng chưa thật sự rõ ràng.
Có thể bạn quan tâm
16:17, 28/10/2018
17:00, 09/10/2018
13:36, 09/10/2018
13:53, 18/09/2018
10:24, 19/12/2018
09:56, 19/12/2018
06:30, 19/12/2018
16:00, 18/12/2018
Chính sách đối với công nghiệp hỗ trợ hiện nay đang đi vào ưu đãi cho các doanh nghiệp làm công nghiệp hỗ trợ, mà không quan sát xem họ đã có đủ năng lực, công nghệ, trình độ, kiến thức hay chưa. Bản thân một doanh nghiệp không đủ khả năng tham gia sân chơi công nghiệp hỗ trợ thì có vào và được ưu đãi cũng nhanh chóng ra đi.
Theo quan điểm cá nhân tôi, nội hàm công nghiệp hỗ trợ có 5 yếu tố cần quan tâm. Một là nguồn nhân lực. Hai là hỗ trợ về công nghệ cho các doanh nghiệp công nghệ cao. Ba là vốn và kỹ năng. Bốn là công nghiệp hỗ trợ thường quan tâm đến một khách hàng hay một vài khách hàng duy nhất, mà không phải đại trà. Do đó, doanh nghiệp bị phụ thuộc rất lớn vào quan điểm của khách hàng sử dụng sản phẩm của nhà cung cấp đó. Năm là sở hữu trí tuệ.
- Vấn đề sở hữu trí tuệ tại Việt Nam lại là vấn đề khiến một số nhà đầu tư nước ngoài phàn nàn, thưa ông?
Đúng vậy. Họ cho rằng có một số sản phẩm trôi nổi trên thị trường giống “y trang” sản phẩm của họ nhưng vẫn được lưu hành mà không bị xử phạt. Đơn cử, sản phẩm Piaggio của một doanh nghiệp Italia sản xuất tại Vĩnh Phúc liên tục được Tổng giám đốc cung cấp cho lãnh đạo tỉnh mẫu sản phẩm bị làm nhái nhưng các cơ quan chức năng vẫn không có động thái rõ ràng về vấn đề này. Như vậy dẫn đến việc doanh nghiệp này băn khoăn, nếu dùng cả sản phẩm của các doanh nghiệp hỗ trợ của Việt Nam thì biết đâu sau đấy vài năm chính thương hiệu của họ cũng sẽ không còn. Chính vì một vài nguyên nhân đó đã khiến công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam nói chung, và do các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp chưa thực sự phát triển trong thời gian vừa qua.
- Vậy theo ông hướng đi sắp tới của công nghiệp hỗ trợ nên như thế nào?
Từ kinh nghiệm của Vĩnh Phúc, theo tôi doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có đủ điều kiện để có thể tham gia vào thị trường này. Bởi vì họ đang sở hữu một lực lượng lao động có thể tiếp cận được với khoa học công nghệ tiên tiến nhất. Nhưng cần phải có quan điểm rõ ràng về công nghiệp hỗ trợ, đó là hỗ trợ để nâng cao năng lực quản lý chứ không không phải hỗ trợ về khâu ưu đãi.
Ngoài ra, cần phải có chính sách về nội địa hóa. Tức là bất kỳ ngành nào đầu tư vào Việt Nam thì trong thời hạn bao nhiêu năm phải được chuyển giao hoặc áp dụng tỉ lệ nội địa hóa bao nhiêu, để Việt Nam không chỉ là địa chỉ lắp ráp sản phẩm cho nước ngoài. Cùng với đó là có những trung tâm để kết nối giữa các doanh nghiệp “đầu tàu” FDI và trong nước với các doanh nghiệp hỗ trợ Việt Nam.
- Theo ông, Vĩnh Phúc đã làm thế nào để xây dựng được một hệ thống các doanh nghiệp Việt Nam cùng tham gia vào làm vệ tinh công nghệ hỗ trợ cho các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh?
Kinh nghiệm 20 năm thu hút đầu tư FDI của Vĩnh Phúc cho thấy, vai trò của các doanh nghiệp FDI là rất lớn, họ đóng góp vào nguồn thu ngân sách cho địa phương, nâng cao thu nhập của người dân....từ đó mới tạo ra một Vĩnh Phúc phát triển vượt bậc như ngày hôm nay. Nhưng với quan điểm, điều làm nên sự bền vững cho Vĩnh Phúc vẫn phải là doanh nghiệp Việt Nam. Từ cách tiếp cận như vậy, chúng tôi đã xây dựng một loạt các nghị quyết như Nghị quyết 04 về hỗ trợ DNNVV… Chúng tôi luôn ưu tiên doanh nghiệp của Vĩnh Phúc và sẵn sàng tạo mọi điều kiện cho họ có cơ hội tiếp xúc với các doanh nghiệp FDI, không can thiệp bằng các biện pháp hành chính.
Thực tế cho thấy, tại Vĩnh Phúc đã có những doanh nghiệp mặc dù mới khởi nghiệp khoảng 5 – 7 năm nay, nhưng cũng đã trở thành một trong những nhà cung cấp lớn cho Honda, Yamaha…thậm chí đã có nhà sản xuất máy bay cũng đã tìm đến họ.
- Nhưng phải thừa nhận, do cơ chế, chính sách và cả mục tiêu phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ còn thiếu trọng tâm, trọng điểm, nên đã gây ra sự kìm hãm cho sự tăng trưởng của ngành này. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Tôi không muốn nói đến chính sách của chúng ta có sự bất cập, nhưng phải thẳng thẳn đánh giá, cơ chế dành cho công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa đi vào cuộc sống và rất khó áp dụng tại địa phương. Theo tôi, thời gian tới cần có chính sách thiết thực hơn nữa để hỗ trợ sâu và thực tế hơn đối với các doanh nghiệp tham gia lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.
- Xin cảm ơn ông!