Để thúc đẩy phát triển lĩnh vực bán dẫn, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam không nên theo đuổi “đỉnh cao” như chế tạo wafer mà phải tìm ra hướng đi ngách cho riêng mình.
>> Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt Nam trong hệ sinh thái bán dẫn?
Thập niên những năm 2000, bán dẫn là ngành công nghệ cao mới nổi tại Việt Nam, bắt đầu ghi nhận sự có mặt lần lượt của một số “ông lớn” công nghệ như Intel, Samsung… Tiếp đó, nhiều doanh nghiệp nước ngoài nối gót sang Việt Nam mở văn phòng, phối hợp với các trường để đào tạo nhân sự. Trung tâm nghiên cứu Thiết kế vi mạch đầu tiên cũng được thành lập tại Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh năm 2005.
Sau gần 20 năm, Việt Nam đang chuẩn bị cho làn sóng đầu tư bán dẫn mới khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ - quốc gia dẫn đầu thế giới về công nghệ cao. Thực tế, ngành công nghiệp chip bán dẫn được đánh giá là một trong những mảnh đất màu mỡ có thể đem lại tiềm năng rất lớn cho các nước. Tuy nhiên, để có thể tham gia sân chơi này, Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít khó khăn.
Theo đó, gần như mọi quốc gia, bao gồm cả nước phát triển hay đang phát triển, đều muốn thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn. Họ cũng không ngừng cải thiện môi trường kinh doanh và rót số tiền rất lớn để cạnh tranh trong thu hút đầu tư. Hơn nữa, tốc độ thay đổi của làn sóng này cũng rất nhanh. Nếu chúng ta chậm chân và không có chiến lược rõ ràng trong 2-3 năm tới thì khi đó hệ thống chuỗi cung ứng mới sẽ hình thành, và rất khó cho Việt Nam có thể gia nhập vào hệ thống.
Mặt khác, để tạo ra một con chip cần chuỗi sản xuất lớn, mỗi nước có thể phụ trách một công đoạn khác nhau. Đặc biệt, có nước chỉ có thể phụ trách được một khâu trong cả quy trình. Đơn cử như Mỹ và các nước châu Âu sẽ phụ trách phần thiết kế chip, khi gia công lại phải trông cậy vào tay nghề từ lực lượng lao động tại khu vực Đông Bắc Á như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Trong bối cảnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam cần phải xác định mình có thể làm được gì, tham gia vào khâu nào trong chuỗi sản xuất đó, tránh tình trạng làm theo phong trào, đẽo cày giữa đường.
Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Lê Minh Quốc, Giám đốc Kỹ thuật MK Smart, thành viên MK Group nhận định, trong cuộc đua bán dẫn, Việt Nam nên tỉnh táo lựa chọn các thị trường ngách thay vì những ngành đỉnh cao như chế tạo wafer.
Theo ông Quốc, chế tạo wafer hay các ngành công nghiệp bán dẫn kỹ thuật cao khác như in quang khắc là cuộc chơi tiêu tốn hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ USD. Tuy nhiên, đầu tư ban đầu không phải rào cản duy nhất mà vấn đề còn nằm ở đầu ra thương mại và câu hỏi "Bán cho ai?", bởi ngay cả một "đế chế" công nghệ như Samsung vẫn chưa thể thành công lớn với dòng chip riêng Exynos do cạnh tranh quá mạnh.
“Thay vào đó, Việt Nam nên hiểu được thế mạnh của nước ta, tập trung vào các thị trường ngách và đánh mạnh vào đó. Thành công sẽ nằm ở định hướng của Nhà nước, cũng như quyết tâm của doanh nghiệp”, chuyên gia này nhấn mạnh.
>> Cách nào khơi dậy tiềm năng ngành bán dẫn Việt Nam?
Đồng quan điểm, ông Phùng Việt Thắng, Giám đốc Intel Việt Nam cho rằng, câu hỏi mấu chốt ở thời điểm hiện tại không phải Việt Nam có nên tham gia làm ngành bán dẫn hay không, mà là nên làm gì và làm như thế nào.
Theo chuyên gia, Việt Nam hoàn toàn có thể thâm nhập vào ngành bán dẫn dù đây là sân chơi đã đông đúc các "ông lớn" của khoa học công nghệ là bởi đây là ngành công nghiệp có rất nhiều công đoạn, và mỗi công đoạn đều hoàn toàn độc lập về mặt yêu cầ cũng như năng lực.
"Câu hỏi làm cái gì trở nên quan trọng ở chỗ dù một quốc gia hay một doanh nghiệp có năng lực để làm một công đoạn nào đó, không có nghĩa là có năng lực để làm một công đoạn khác", Giám đốc Intel Việt Nam nhận định.
Để Việt Nam có thể tìm ra được câu trả lời cho con đường ngách thâm nhập ngành công nghiệp chủ chốt này vẫn cần nhiều thời gian, nhưng theo ông Thắng, câu hỏi "Làm như thế nào?" cũng cần được trả lời một cách đồng thời.
"Nếu chưa trả lời được câu hỏi là làm cái gì một cách cụ thể, thì chúng ta vẫn nên đặt ra câu hỏi làm như thế nào. Bởi cách làm sẽ gắn liền với nhận biết, đánh giá và kỳ vọng của chúng ta để xây dựng những năng lực trước khi quay trở lại vấn đề làm cái gì", ông Thắng chia sẻ.
Bên cạnh những vấn đề đã nêu, nhận định sâu hơn về tiềm năng thâm nhập của nước ta, nhiều ý kiến cho rằng, nguồn nhân lực chính là một năng lực đặc biệt sẽ quyết định con đường thâm nhập ngành bán dẫn của Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt Nam trong hệ sinh thái bán dẫn?
02:00, 04/06/2024
Điểm nghẽn nhân lực trong cuộc đua bán dẫn
03:00, 31/05/2024
Malaysia đang làm gì để trở thành trung tâm bán dẫn toàn cầu?
03:30, 31/05/2024
Lĩnh vực bán dẫn Việt Nam - Điểm nóng đầu tư
17:15, 28/05/2024
Điều kiện để “ông lớn” bán dẫn chọn Việt Nam
04:00, 10/05/2024