Cần thúc đẩy phát triển điện mặt trời trong nông nghiệp

PHƯƠNG THANH 02/11/2021 04:00

Điện mặt trời mang lại lợi ích đa chiều cho môi trường, kinh tế, xã hội nhưng tỉ lệ ứng dụng hiệu quả vào các ngành như nông nghiệp, công nghiệp, giao thông... còn quá thấp.

Lợi ích về mọi mặt

Trang trại nhà máy điện mặt trời dù có lợi thế tăng công suất, quản lý nguồn điện tập trung với mục đích đầu tư kinh doanh sinh lợi nhuận (bán điện cho EVN), thì nhược điểm của các dự án này là sử dụng quá nhiều diện tích đất, phải xử lý đền bù giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến kế hoạch canh tác của nhiều nông dân xung quanh khu vực dự án.

Mô hình điện mặt trời với sản xuất nông nghiệp

Mô hình điện mặt trời với sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, ở khía cạnh mô hình nhỏ hơn, nếu tận dụng được nguồn năng lượng mặt trời phát triển phân tán, không chỉ giúp bảo đảm an ninh năng lượng mà còn giải quyết được bài toán cung cấp năng lượng cho khu vực nông thôn, thúc đẩy kế hoạch sản xuất, góp phần xây dựng phát triển xã hội sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, thân thiện môi trường.

Tầm nhìn này đã được đưa vào Dự thảo Quy hoạch tích hợp vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2050 và chiến lược thúc đẩy kế hoạch phát triển “ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao” năm 2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư có xác định chủ trương khuyến khích đầu tư, khai thác, tiềm năng to lớn của năng lượng tái tạo, trong đó có nguồn điện mặt trời tại Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới.

Nhằm triển khai chiến lược này được áp dụng hiệu quả vào thực tiễn, Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh GreenID cùng Ban quản lý Dự án giải pháp Xanh thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang tổ chức Tọa đàm “Tiềm năng ứng dụng mô hình điện mặt trời kết hợp với sản xuất nông nghiệp tại tỉnh An Giang”.

Tại Tọa đàm nhóm nghiên cứu đã chia sẻ những phát hiện từ nghiên cứu độc lập đánh giá tác động dự án “Giải pháp xanh hỗ trợ tiếp cận năng lượng cho cộng đồng nghèo khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”.

Chia sẻ cụ thể hơn về lợi ích này, TS. Trần Hữu Hiệp - Cố vấn Nhóm đối tác chuyển dịch năng lượng bền vững Đồng bằng sông Cửu Long cho biết; Trong thực tiễn mô hình điện mặt trời với sản xuất nông nghiệp, thủy sản và du lịch đã thành công ở nhiều địa phương trên cả nước, tạo ra nguồn năng suất từ năng lượng điện mặt trời phi tập trung với nhiều ưu thế. Nhưng hiện nay tỉ lệ ứng dụng hiệu quả nguồn năng lượng này vào các lĩnh vực ngành, nông nghiệp, công nghiệp, giao thông... còn khá khiêm tốn.

Lấy ví dụ ở mảng nông nghiệp, ông Trương Kiến Thọ - Giám đốc Ban Quản lý dự án tỉnh An Giang cho biết, mô hình này đã giúp người nông dân tăng thêm thu nhập, chủ động được nguồn năng lượng. Tại An Giang có 23 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, ứng dụng pin năng lượng mặt trời vận hành hệ thống tưới thông minh kết hợp bón phân, thân thiện môi trường như năng lượng mặt trời phục vụ sản xuất nông nghiệp, trong mô hình nhà lưới tiên tiến trồng các loại rau - hoa - quả có giá trị kinh tế cao. Nhờ đó đã giúp tiết giảm khoản 50-60% nhân công lao động, giảm khoảng 30% lượng phân bón sử dụng, thuốc bảo vệ thực vật trong khi vẫn kiểm soát tốt dịch bệnh hại cây trồng, đảm bảo tăng khoản 20-30% năng suất, chất lượng sản phẩm và tạo ra sản phẩm đồng nhất; vừa góp phần tăng thu nhập cho người dân, vừa giảm nguồn gây ô nhiễm, giảm phát thải khí nhà kính do hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Nhận thấy lợi ích vượt trội của điện mặt trời ứng dụng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao còn khá khiêm tốn trên khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, ông Cao Văn Hà – Giám đốc Chương trình GreenID cho biết: với vai trò là đơn vị thúc đẩy chiến lược phát triển sử dụng năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện mục tiêu net zero, GreenID mong muốn nguồn năng lượng phân tán sẽ đem lại năng suất và nhiều lợi ích hơn tới những hộ gia đình vùng sâu vùng xa, những địa phương cần nguồn năng lượng để kinh doanh sản xuất với chi phí thấp nhất.

Ngoài những lợi ích trên, dự án thực tiễn chứng minh, vừa kết hợp được với sản xuất kinh doanh, điện mặt trời trong sản xuất nông nghiệp còn giải quyết được xung đột trong sử dụng tài nguyên đất giữa phát triển năng lượng và sản xuất nông nghiệp bằng cách kết hợp cả hai hoạt động này trên cùng một khu vực.

Tuy nhiên hiện tại còn quá nhiều thủ tục pháp lý gây cản trở cho mô hình điện mặt trời phát triển, tận dụng trong các lĩnh vực nông, công nghiệp.

Cái khó bó vì... pháp lý

Chia sẻ về khó khăn này, TS. Trần Hữu Hiệp - Cố vấn Nhóm đối tác chuyển dịch năng lượng bền vững Đồng bằng sông Cửu Long cho biết, lần đầu tiên có mô hình “người dân tham gia sản xuất điện” bán điện lên lưới quốc gia thông qua phát triển điện mặt trời áp mái nhà, nhưng thực tiễn còn nhiều vướng mắc và đang nghẽn bởi các thủ tục, hành lang pháp.

Cần có giải pháp tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến đất đai cho kế hoạch đáp ứng mục tiêu kép - “Phát triển điện mặt trời trong lĩnh vực nông nghiệp“

Cần có giải pháp tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến đất đai cho kế hoạch đáp ứng mục tiêu kép - “Phát triển điện mặt trời trong lĩnh vực nông nghiệp“

Về thủ tục, các chuyên gia cho rằng; đang có sự chồng chéo trong quy định các văn bản, dẫn đến cách hiểu và thực thi chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư điện mặt trời trở lên khó khăn. Cụ thể về khái niệm "điện mặt trời áp mái nhà" hay “điện mặt trời áp mái" còn nhiều bất cập về thủ tục giữa 2 khái niệm này.

Trong đó Nghị quyết số 55-NQ, mang tính định hướng và thông thoáng "Khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái và trên mặt nước", thì hàng loạt các văn bản cụ thể hóa, hướng dẫn thực hiện việc khuyến khích, ưu đãi đầu tư điện mặt trời mang tính bó hẹp với khái niệm "điện mặt trời mái nhà".

Theo đó, nhiều địa phương Đồng bằng sông Cửu Long và các nơi khác, đã có hiện tượng "né thủ tục quy hoạch" khi chọn quy mô dự án điện mặt trời dưới 1MW. Những qui định liên quan đất đai, mục đích sử dụng đất không có quy định cho phép sử dụng đất nông nghiệp, thủy sản cho sản xuất điện.

Điều này đã cản trở, làm khó, thậm chí vô hình chung ngăn cản đầu tư hiệu quả, tiết kiệm các dự án đầu tư điện mặt trời áp mái trong trường học, kho xưởng, đặc biệt là không thể lồng ghép với nông nghiệp và thủy sản...

Do đó đối với các dự án điện mặt trời trên mặt nước (nuôi thủy sản) và mặt đất (sản xuất nông nghiệp), đầu tư lồng ghép "mục tiêu kép" của các trang trại càng khó thực hiện hơn.

Trước những bất cập trên, các chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần sớm ban hành các cơ chế, chính sách, pháp luật về huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực gắn với việc thể chế hoá Nghị quyết 55/NQ-TW, quy hoạch điện lực VIII. Trong đó cần có giải pháp tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến đất đai cho kế hoạch đáp ứng mục tiêu kép - “Phát triển điện mặt trời trong lĩnh vực nông nghiệp“.

Có thể bạn quan tâm

  • Tăng than, giảm gió, khó điện mặt trời

    Tăng than, giảm gió, khó điện mặt trời

    12:00, 29/09/2021

  • Điện mặt trời mái nhà khu công nghiệp: Tháo gỡ những bất cập

    Điện mặt trời mái nhà khu công nghiệp: Tháo gỡ những bất cập

    17:19, 30/08/2021

  • [TRỰC TIẾP] Điện mặt trời mái nhà khu công nghiệp: Tháo gỡ những bất cập trong triển khai lắp đặt

    [TRỰC TIẾP] Điện mặt trời mái nhà khu công nghiệp: Tháo gỡ những bất cập trong triển khai lắp đặt

    14:00, 30/08/2021

  • Điện mặt trời mái nhà khu công nghiệp: Nhiều bất cập trong lắp đặt

    Điện mặt trời mái nhà khu công nghiệp: Nhiều bất cập trong lắp đặt

    14:50, 30/08/2021

  • Huawei ra mắt dự án điện mặt trời áp mái hộ gia đình sử dụng bộ lưu trữ thông minh ở Việt Nam

    Huawei ra mắt dự án điện mặt trời áp mái hộ gia đình sử dụng bộ lưu trữ thông minh ở Việt Nam

    11:39, 06/05/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cần thúc đẩy phát triển điện mặt trời trong nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO