Việc đẩy nhanh tiến độ dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm cùng thông tin một ông lớn đang đề xuất nghiên cứu dự án tại Cam Lâm (Khánh Hòa) đã đẩy giá đất khu vực này nóng lên từng ngày.
Theo khảo sát của Diễn đàn Doanh nghiệp, từ giữa tháng 9, "sốt đất Cam Lâm" đã trở thành từ khóa được nhiều nhà đầu tư tìm kiếm. Với từ khóa "đất nền Cam Lâm" trên trang Batdongsan.com.vn đã cho thấy 316 bất động sản đang được rao bán với đủ các phân khúc giá cùng lời mời "đón đầu sốt đất".
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản tại huyện Cam Lâm cũng đang khá sôi động trên các trang mạng xã hội, trang mạng chuyên về mua bán bất động sản. Những dự án với cái tên rất hoành tráng như: Golden Lake, Cam Lâm Central Park, Cam Lâm Future City, Cam Lâm Sky Lake… kèm theo những lời quảng cáo rất hấp dẫn như sở hữu địa thế đất có một không hai, thậm chí có dự án được quảng bá cam kết lợi nhuận tới 80%/năm.
Đặc biệt, các bài đăng quảng cáo dự án nghỉ dưỡng gần đó còn được đính kèm với tiện ích giải trí của khu là Casino, bến du thuyền, gần sân bay và khu thương mại dịch vụ đang được đề xuất của một tập đoàn lớn về bất động sản. Thậm chí, ngay cả đất san lấp đầm ven Thủy Triều cũng được phân lô để rao bán.
Chia sẻ với phóng viên, anh Nguyễn Tùy Vũ – nhà đầu tư từ TP Cam Ranh cho biết, khoảng vài tháng trở lại đây, thị trường bất động sản Cam Lâm đã rục rịch nóng, nhà đầu tư từ TP HCM và Hà Nội liên tục tới đây để tìm mua đất.
Anh Vũ chia sẻ, trước đây đất trồng cây lâu năm, có một ít đất ở, đường sá chủ yếu là người dân hiến đất mở đường, phân lô tách sổ. Giá đất hiện đã tăng khoảng 20 – 30% so với thời điểm trước tết năm 2021, với các lô đất đẹp đã tăng giá từ 7 triệu đồng/m2 lên 10 triệu đồng/m2, khu vực sát đầm thủy triều được rao bán đến 14 triệu đồng/m2 thay vì 10 triệu đồng/m2 như trước đó.
Nhà đầu tư này cũng chia sẻ đã nhanh chóng “thoát” trót lọt một lô đất có giá trị 7 tỷ đồng được đầu tư từ năm 2018 nhờ cơn sóng gần đây.
Tuy nhiên, theo ông Phan Việt Hoàng - Tổng Thư ký Hội môi giới Bất động sản Khánh Hòa (KAREB), nguồn cung nhà ở tại Nha Trang nói riêng và Khánh Hòa nói chung trong những năm gần đây bị gián đoạn và hạn chế vì nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan. Do đó, thị trường xuất hiện nhiều cá nhân, doanh nghiệp “đục nước béo cò” chuyển hướng sang hình thức phân lô bán nền ở các khu vực mới nổi như Cam Lâm.
Ông Hoàng cho biết, nhóm đầu cơ có quy mô và tổ chức chuyên nghiệp thường đi đến những vùng ven triển khai thu mua ồ ạt đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp của người dân địa phương. Sau đó, họ chuyển mục đích rồi phân lô, họ sẽ cùng nhau tạo sóng để bán hàng qua các kênh mạng xã hội, thậm chí còn tổ chức những buổi lễ trực tiếp mở bán hoành tráng tại Hà Nội hay TP HCM,… Người tham gia nếu không tìm hiểu kỹ sẽ dễ nhầm lẫn đây là một dự án khu đô thị nào đó.
Trong khi đó, theo ghi nhận của UBND huyện Cam Lâm, từ năm 2017 đến nay, có hàng nghìn lô đất đìa, đất trồng xoài ở huyện Cam Lâm đã được tách thửa bằng hình thức người dân xin hiến đất để làm đường, đầu tư hạ tầng chiếu sáng, hệ thống thoát nước mặt, sau đó chuyển nhượng.
Một số tổ chức, cá nhân lợi dụng sự thiếu chặt chẽ và không đồng nhất trong các quy định nhằm trục lợi bằng cách tiến hành thu gom đất nông nghiệp, xin chuyển đổi mục đích, xin hiến đất làm đường, rồi tiến hành san lấp mặt bằng để chia lô.
Theo ông Ngô Văn Bảo, Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm, liên quan đến việc phân lô bán nền, hiện Bộ Tài nguyên - Môi trường, Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Khánh Hòa và Uỷ ban Kiểm tra các cấp đang thanh tra, kiểm tra tình trạng này.
Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm cũng cho biết, huyện hiện đang cập nhật, điều chỉnh quy hoạch, người mua sẽ chịu nhiều rủi ro khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án.
Bên cạnh đó, phía bờ tây đầm Thủy Triều hiện không có các dự án nhà ở, các thông tin trên mạng do môi giới vẽ lên để thu hút người mua. Với tình trạng sốt đất như hiện nay, người mua cần tìm hiểu kỹ thông tin tại các cơ quan quản lý nhà nước, tránh “lướt sóng” dẫn đến thiệt hại cho cá nhân và khó khăn cho công tác quản lý nhà nước.
Trong khi đó, theo ông Phan Việt Hoàng, trong giai đoạn này, thị trường là sân chơi của nhóm nhà đầu tư F0, dòng tiền của F0 đổ vào thị trường bất động sản tương đối lớn thông qua những chương trình marketing "bắt đáy bất động sản", "bỏ phố về quê", "đón đầu cao tốc"… do những môi giới bất động sản vẽ ra.
Do đó, cuộc chơi luôn có những nhà đầu tư cuối cùng bị chôn vốn, rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan, cắt lỗ cũng khó kiếm được người mua.
Ông Phan Việt Hoàng chia sẻ, thực tế hiện nay nhiều khu phân lô, bán nền ở huyện Cam Lâm đều nằm trong tình trạng bỏ hoang, hạ tầng xuống cấp, gây lãng phí nguồn lực tài nguyên và an sinh xã hội. Bên cạnh đó còn làm ảnh đến việc thu hút đầu tư của địa phương.
Có thể bạn quan tâm