Sau khi hàng loạt các nước châu Á chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng số lượng bệnh nhân nhiễm COVID-19, các chuyên gia y tế đã lập tức lên tiếng cảnh báo về đợt sóng lây nhiễm đợt 2 trong khu vực.
Từng được đánh giá là những quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh, tuy nhiên Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam... đang chứng kiến số ca nhiễm mới COVID-19 tăng lên những ngày qua. Tới cuối ngày 17/3, Singapore ghi nhận thêm 23 ca nhiễm COVID-19 mới, cũng là số ca mới cao nhất trong một ngày được ghi nhận tại quốc đảo sư tử kể từ khi dịch bùng phát.
Tương tự, vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) cũng ghi nhận thêm 10 ca nhiễm COVID-19 mới trong cùng ngày nâng tổng số ca bệnh ở vùng lãnh thổ này lên 77. Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) ngày 19/3 cũng thông báo số ca nhiễm mới tại nước này đến hết ngày 18/3 đã lên 152 ca, sau bốn ngày liên tiếp chứng kiến mức tăng dưới 100 ca.
Mặc dù Trung Quốc không ghi nhận ca bệnh nào mới trong nước nhưng có tới 34 ca nhiễm là du khách nước ngoài hoặc Hoa kiều trở về nước.
Có thể bạn quan tâm
19:57, 19/03/2020
19:29, 19/03/2020
19:05, 19/03/2020
15:23, 19/03/2020
15:05, 19/03/2020
Có thể thấy, mặc dù đã kiểm soát dịch bệnh tương đối lớn, tuy nhiên, khi châu Âu, Mỹ và một số khu vực khác bùng phát trở thành tâm dịch mới, các quốc gia châu Á lại đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ 2 khi một số cư dân từ các khu vực trên trở về với số lượng lớn và khó kiểm soát.
Như Ben Cowling, Giáo sư dịch tễ học tại Đại học Hong Kong nhận định, việc thành công quá sớm đã khiến một số quốc gia chủ quan và không chú ý đến nhóm công dân từ châu Âu hoặc châu Mỹ trở về nước. Do đó, các biện pháp ngăn chặn những ca nhiễm bệnh từ nước ngoài không được đưa ra kịp thời, khiến số lượng bệnh nhân tăng lên nhanh chóng. Điều này cũng đã từng xảy ra đối với một số đại dịch trước đó.
Đồng thời, sự thờ ơ và chậm trễ của các quốc gia phương Tây trong việc ngăn chặn sự lây lan dịch COVID-19 đã làm các quốc gia châu Á "trở thành miền đất hứa" với những người đang tháo chạy khỏi đợt dịch khi họ nhìn vào những hành động từ phía các chính phủ như các biện pháp cách ly chặt chẽ cùng sự hỗ trợ tối đa để đảm bảo người dân được chữa trị cũng như ổn định cuộc sống.
Chính vì vậy, các chuyên gia lo ngại, làn sóng dịch COVID-19 lần hai có thể mang lại rắc rối và nguy hiểm hơn cho các quốc gia châu Á so với đợt 1. Cho đến hiện tại, chủng virus này vẫn đang rất khó dự đoán. Các quốc gia không thể xác định ai sẽ là thực thể siêu lây nhiễm. Đặc biệt, tại Italy đã xác định đồng thời có 4 biển chủng của virus SARS-CoV-2, khác với chủng của virus được xác định tại Vũ Hán, Trung Quốc.
Đồng thời, hiện vẫn chưa rõ các bệnh nhân hồi phục sẽ miễn dịch với chủng virus này trong bao lâu, hoặc liệu virus SARS-CoV-2 này có thay đổi thường xuyên như cúm mùa hay không. Trong khi đó, viễn cảnh ứng dụng vắcxin ngừa SARS-CoV-2 trên quy mô toàn cầu vẫn đối diện với nhiều thách thức.
Nhóm các nhà nghiên cứu tại Trường Y tế Công cộng Harvard T. H. Chan cho biết, dự kiến các đợt bùng phát dịch trong thời gian tới có thể sẽ tái diễn vào mùa đông. Phát hiện này dựa trên các yếu tố như tính thời vụ, thời gian miễn dịch và từ các nghiên cứu một số chủng virus Corona khác ở người.
Có thể thấy, thời gian vừa qua giúp thế giới nhận ra rằng ngay cả những biện pháp phòng dịch mạnh tay nhất cũng chỉ làm chậm tốc độ lây lan chứ không thể loại bỏ hoàn toàn mối đe dọa từ COVID-19. Do đó, công tác phòng chống và chữa trị những ca bệnh nhiễm COVID-19 đợt 2 có khả năng sẽ kéo dài và trở nên khó khăn hơn.
Cách duy nhất để nhanh chóng ngăn chặn những đợt sóng COVID-19 lần 2, 3 là tìm hiểu nhiều thông tin cũng như thích nghi với loại virus SARS-CoV-2 cũng như đẩy nhanh quá trình sản xuất vắc xin để hạn chế sự bùng phát mạnh mẽ trong khi các nhà khoa học tìm ra loại thuốc chữa trị hiệu quả.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesu cũng kêu gọi các nước tiếp tục thi hành các biện pháp kiểm soát chặt chẽ như đóng cửa biên giới với tất cả người nước ngoài, tăng các biện pháp kiểm dịch với công dân, hạn chế đi lại... cho đến khi tình hình có dấu hiệu ổn định hơn.