Xác định vị thế Cảng biển trong việc phát triển kinh tế xã hội của TP Hải Phòng. Vì vậy, Cảng biển Hải Phòng luôn được chú trọng đẩy mạnh phát triển cảng cả về chiều rộng và chiều sâu.
>>>Hải Phòng: Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất, nhập khẩu
>>>DDCI Hải Phòng: Cải cách không giới hạn
Mở rộng chiều rộng và chiều sâu
Là TP Cảng biển lớn của miền Bắc, Hải Phòng hội tụ nhiều doanh nghiệp khai thác hạ tầng cảng biển, XNK, logicstics... trên địa bàn cũng như các tỉnh, thành phố lân cận. Những năm qua, TP Hải Phòng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hiệu quả, tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp.
Được biết, trong năm 2022, cảng biển Hải Phòng sẽ có thêm 4 bến cảng nước sâu nghìn tỷ được khởi công. Vừa qua, UBND TP Hải Phòng đã đề nghị Bộ GTVT quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện để các doanh nghiệp hoàn thiện các thủ tục cho bến cảng số 1, số 2 hiện có. Đồng thời sớm triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động các bến cảng số 3, số 4 và số 5, số 6.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, các bến cảng số 3, số 4 và số 5, số 6 được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư, hiện các nhà đầu tư đang triển khai thủ tục theo quy định; dự kiến khởi công các bến cảng trong năm 2022 và lần lượt đưa 4 bến (từ bến số 3 - 6) vào khai thác trong giai đoạn 2023-2025.
Ngoài ra, để phục vụ hoạt động của các bến cảng từ số 3-6 thuộc khu bến Lạch Huyện, Bộ GTVT đã phê duyệt chủ trương đầu tư 5 dự án đầu tư xây dựng công trình "Tuyến đường giao thông sau bến số 3 đến bến số 6 thuộc khu bến cảng Lạch Huyện, cảng biển Hải Phòng" với quy mô đầu tư tiếp nối tuyến đường hiện hữu từ cuối bến số 2 đến bến số 6.
Đồng thời, Bộ GTVT đã bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 để thực hiện đầu tư đồng bộ với tiến độ thực hiện các bến cảng từ số 3-6.
Được biết, cảng số 3, số 4 thuộc khu bến cảng Lạch Huyện được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1323/QĐ-TTg ngày 9/10/2019 và giao Công ty Cổ phần Cảng Hải Phòng là nhà đầu tư với tổng vốn đầu tư 6.946 tỷ đồng.
Dự án sẽ xây dựng 2 bến container cho tàu tải trọng tới 100.000DWT (tương đương sức chở 8.000TEUs), chiều dài 750m, rộng 50m; bến sà lan, dịch vụ cho tàu có sức chở đến 160TEUs (3.000DWT), dài 250m, rộng 15m; kè bảo vệ bờ; hệ thống bãi chứa hàng, đường giao thông, các công trình phụ trợ và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ trên diện tích 47ha.
Trong khi đó, dự án đầu tư xây dựng bến cảng số 5, số 6 khu bến cảng Lạch Huyện được chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 299/QĐ-TTg ngày 4/3/2021 và điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Quyết định 186/QĐ-TTg ngày 11/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, 2 bến cảng này do Công ty Cổ phần Tập đoàn Hateco làm nhà đầu tư. Vốn đầu tư thực hiện dự án hơn 8.951 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 (từ năm 2020-2025) đầu tư hơn 8.339 tỷ đồng; giai đoạn 2 (từ năm 2030) hơn 611 tỷ đồng.
Về quy mô, 2 bến có chiều dài 900m (mỗi bến dài 450m) tiếp nhận cỡ tàu container đến 12.000TEUs hoặc đến 18.000TEUs phù hợp với điều kiện tiếp nhận của kết cấu hạ tầng liên quan và đáp ứng các yêu cầu về an toàn; 1 bến sà lan có chiều rộng 100m, tiếp nhận tàu, sức chở 160TEUs.
Cùng với đó là các công trình bảo vệ cảng, hệ thống kho bãi, hạ tầng phục vụ cảng, khu nước đậu tàu và khu nước kết nối với luồng hàng hải công cộng Lạch Huyện; quy mô sử dụng đất khoảng 58,4042ha.
Theo lãnh đạo Công ty CP Cảng Hải Phòng cho biết: “Chúng tôi đang chờ UBND TP. Hải Phòng giao đất và hoàn thiện một số thủ tục liên quan. Khi nào xong, sẽ tiến hành thi công tại hiện trường. Chúng tôi cố gắng trong tháng 6 sẽ khởi công”, đại diện Công ty CP cảng Hải Phòng nói và khẳng định: Tiến độ dự án vẫn đang trong kế hoạch đầu tư xây dựng ban đầu. Một số thủ tục vướng mắc trong thời gian đầu sẽ được khắc phục bằng cách rút ngắn các công đoạn tiếp theo để đảm bảo tiến độ tổng thể của dự án.
Mong muốn được hỗ trợ tháo gỡ
Xác định rõ vai trò quan trọng của doanh nghiệp cảng biển trong phát triển kinh tế - xã hội, TP Hải Phòng đã nỗ lực thực hiện cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông qua việc huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, giao thông đồng bộ, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp hoạt động XNK, cảng biển cũng còn nhiều khó khăn, vướng mắc mong muốn các cấp, ngành cùng chung tay giải quyết, vì sự phát triển chung của cả doanh nghiệp và thành phố.
Theo ông Cáp Trọng Trường - Giám đốc khai thác Công ty CP Tập đoàn Container Việt Nam kiêm giám đốc công ty CP Cảng Xanh VIP đề nghị TP Hải Phòng quan tâm xem xét, đề xuất, kiến nghị với các cơ quan về giá nâng - hạ container. Theo ông Cáp Trọng Cường, hiện nay, đang có hiện tượng một số đơn vị kho bãi tăng giá liên tục nhưng chất lượng dịch vụ không tương xứng, làm tăng chi phí, thời gian..., ảnh hưởng rất lớn đến sự cạnh tranh của doanh nghiệp.
Ông Cường phản ánh, có một số doanh nghiệp thu phí nâng hạ vỏ container rỗng cao gấp 1,5 lần các cảng thu nâng hạ đối với container có hàng. Đây là điều hết sức phi lý và cần chấn chỉnh kịp thời. Ông Cáp Trọng Cường cũng kiến nghị TP Hải Phòng cho phép các tập đoàn lớn, có năng lực trong lĩnh vực Logistics nghiên cứu, khảo sát và lập dự án phát triển kho, bãi, cảng tại khu vực Nam Đồ Sơn để có thể triển khai ngay khi đường ven biển hoàn thành và đưa vào khai thác, nhằm phát huy hiệu quả của tuyến đường này trong việc kết nối giao thông, giảm chi phí vận tải, logistics...
Theo bà Đoàn Thị Thu Hà - Tổng giám đốc Công ty TNHH Thành Hưng cho biết, hệ thống khai báo nộp phí hạ tầng cảng biển còn chưa ổn định, đôi khi bị lỗi mạng, xử lý dữ liệu chậm làm ảnh hưởng tới việc khai báo, thông quan hàng hoá XNK, nhất là vào các thời điểm trước và sau các kỳ nghỉ dài như Lễ, Tết...
Cùng quan điểm với bà Hà, đại diện Công ty TNHH LG Electronics Việt Nam Hải Phòng cũng phản ánh, hệ thống thu phí hạ tầng cảng biển thường xuyên bị lỗi không nộp được phí cơ sở và đề nghị TP Hải Phòng nâng cấp lại hệ thống thu phí.
Ông Nguyễn Hoàng Long - Giám đốc Sở kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng cho biết, TP Hải Phòng đang có cố gắng và nỗ lực ở mức cao nhất để đáp ứng mong muốn, nguyện vọng của các doanh nghiệp. Đó là nhanh chóng khởi công các bến 3,4,5,6 và sắp tới tiếp tục cho nghiên cứu xây dựng bến 7,8 tại Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện; đầu tư mở rộng, nâng công suất Cảng hàng không quốc tế Cát Bi; phấn đấu để triển khai nhanh nhất dự án đường vành đai 2, vành đai 3; xúc tiến quy hoạch cảng Nam Đồ Sơn; xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; huy động các nguồn lực xây dựng các trường đại học, cơ sở y tế chất lượng cao... Đặc biệt, Hải Phòng đang phấn đấu nằm trong top 10 địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số. Đây là những động thái rõ ràng nhất và giải quyết tổng thể nhất các kiến nghị của doanh nghiệp.
Theo ông Lê Anh Quân - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hải Phòng, Hải Phòng luôn đồng hành, nỗ trợ cải cách để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Minh chứng rõ nhất là năm 2021, TP Hải Phòng vươn lên xếp thứ 2/63 tỉnh thành phố về năng lực cạnh tranh PCI; đứng thứ nhất về chỉ số CCHC.
Ông Lê Anh Quân mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục đóng góp ý kiến, hiến kế cho TP Hải Phòng và tin tưởng với sự quan tâm, hỗ trợ, hiểu biết lẫn nhau, đồng hành giữa TP Hải Phòng và các ngành, các doanh nghiệp sẽ góp phần đắc lực đưa Hải Phòng phát triển mạnh mẽ theo mục tiêu đề ra.
Có thể bạn quan tâm