Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên tiếng cáo buộc các nước phương Tây, được dẫn đầu bởi Mỹ, đã ngăn chặn sự phát triển của Trung Quốc.
>>Lý do Mỹ khó giảm phụ thuộc chuỗi cung ứng của Trung Quốc
"Các nước phương Tây, dẫn đầu bởi Mỹ, đã thực hiện những biện pháp ngăn chặn nhằm vào Trung Quốc. Điều này đã đặt ra những thách thức nghiêm trọng và chưa từng có với quá trình phát triển đất nước", hãng thông tin Xinhua dẫn lời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói trong cuộc họp kín với các cố vấn chính phủ bên lề kỳ họp lưỡng hội tại Bắc Kinh.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng cho biết thêm, môi trường bên ngoài đã thay đổi nhanh chóng và các yếu tố không chắc chắn và không thể đoán trước cũng đã có sự gia tăng đáng kể.
"Trong tương lai, những rủi ro và thách thức mà chúng ta phải đối mặt sẽ chỉ tăng lên và trở nên nghiêm trọng hơn”, ông Tập cho biết và nhấn mạnh rằng, trước những thay đổi sâu sắc và phức tạp của môi trường quốc tế và trong nước, chúng ta phải giữ bình tĩnh, duy trì sự tập trung, cố gắng đạt được tiến bộ trong khi duy trì sự ổn định, hành động, đoàn kết và dám đấu tranh.
Lời chỉ trích của ông Tập được đưa ra khi căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ không có dấu hiệu hạ nhiệt, bất chấp các cuộc đàm phán giữa các nhà lãnh đạo hai bên. Nhận xét của ông Tập cũng là dấu hiệu cho thấy sự thất vọng của giới lãnh đạo Trung Quốc về tình trạng quan hệ với Mỹ.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương cũng lên tiếng cảnh báo, nếu Hoa Kỳ không thay đổi chính sách với Trung Quốc thì chắc chắn sẽ có xung đột và đối đầu. "Chính sách sai lầm này của Mỹ đối với Trung Quốc là canh bạc liều lĩnh có thể phải trả giá bằng lợi ích cơ bản của nhân dân hai nước và thậm chí là tương lai của nhân loại", ông Tần nhấn mạnh.
Quan hệ giữa hai siêu cường vốn đã căng thẳng trong nhiều năm qua về một số vấn đề bao gồm Đài Loan, thương mại và cuộc chiến tại Ukraine nhưng đã trở nên tồi tệ hơn sau tranh cãi liên quan đến khinh khí cầu của Trung Quốc bị bắn rơi vào tháng trước.
Mỹ cũng yêu cầu Nhật Bản và Hà Lan thắt chặt kiểm soát xuất khẩu thiết bị và công nghệ sản xuất chip sang Trung Quốc, khiến Bắc Kinh cảnh báo hai nhà xuất khẩu này không được làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Các nhà phân tích cho rằng, với lời chỉ trích của Chủ tịch Tập Cận Bình, quan hệ Mỹ-Trung đang dần trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Ông Gabriel Wildau, Giám đốc điều hành của Công ty tư vấn Teneo, cho biết: “Quan hệ Mỹ- Trung Quốc hiện đang ở mức độ nguy hiểm hơn bao giờ hết, và bất kỳ sự hòa hoãn nào trong tương lai cũng sẽ dễ bị trật bánh bởi môi trường chính trị trong nước”.
>>"Bước đi" mới của Trung Quốc trong chính sách ngoại giao
Đồng quan điểm, ông Roman Schweizer, Giám đốc điều hành hàng không vũ trụ và quốc phòng tại Cowen and Company's Washington Research Group, cho biết, “Khủng hoảng khí cầu đã có tác động đáng kể đến quan hệ song phương Mỹ- Trung và làm thay đổi đáng kể chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc”.
Theo một cuộc thăm dò của Pew Research, trong vài năm qua, ngày càng nhiều người Mỹ có quan điểm tiêu cực về Trung Quốc trong bối cảnh lo ngại về các chính sách của Trung Quốc về nhân quyền, quan hệ đối tác với Nga và các yếu tố khác ngày một gia tăng.
Ông Michael Hirson, Trưởng bộ phận nghiên cứu Trung Quốc tại 22V Research đã tóm tắt tác động của các sự kiện cuối tuần đối với quan hệ Mỹ-Trung trong một tweet: “Câu chuyện khinh khí cầu đáng lo ngại vì nó đã đẩy mối quan hệ Mỹ-Trung bước vào tình trạng mong manh và nguy hiểm".
Tuy nhiên, ông Hirson cũng cho biết thêm, có rất nhiều khía cạnh cần có sự hợp tác chung của cả hai quốc gia, và điều này có thể mang mang lại những bước tiến nhỏ trong tương lai. Cả hai quốc gia cũng dễ bị tổn thương trước các đại dịch và có lợi ích chung trong việc tạo ra một mạng lưới giám sát dịch bệnh toàn cầu để phát hiện các đợt bùng phát trong tương lai trước khi chúng lây lan.
Tương tự, trong vấn đề chống biến đổi khí hậu, khí mê-tan đóng một vai trò quan trọng trong việc tăng nhiệt độ. Mỹ và Trung Quốc sẽ được hưởng lợi từ khả năng hợp tác thúc đẩy nghiên cứu về các thách thức và giải pháp giảm phát thải khí mê-tan.
Trên thực tế, có những lĩnh vực quan trọng khác nên được đề cao để giảm căng thẳng giữa hai cường quốc, chẳng hạn như hạn chế khả năng hạt nhân của Iran, đảm bảo dòng năng lượng không bị cản trở và đảm bảo an ninh lương thực, chống ô nhiễm đại dương và phối hợp giải quyết tình trạng nợ ở các nước đang phát triển.
Có thể bạn quan tâm