Là “cầu nối” giữa chính quyền và doanh nghiệp, thời gian qua Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Cà Mau (CMBA) đã trở thành “Cánh tay nối dài” của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
>>> Cà Mau: Đặt doanh nghiệp làm trung tâm cải cách
Thời gian qua, CMBA thường xuyên tổ chức những chương trình gặp gỡ, giao lưu, tăng cường hợp tác giữa các thành viên Hiệp hội với các cơ quan chức năng, qua đó, cùng nhau tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh.
Ông Lê Hoàng Phước, Chủ tịch CMBA cho biết, cùng với việc tư vấn kiến thức pháp luật, chính sách của Nhà nước, đặc biệt các chính sách liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp, Hiệp hội đề xuất các phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giữa doanh nghiệp với nhà nước, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp qua đó tạo môi trường thông thoáng, hài hòa, bình đẳng có lợi đôi bên. Đồng thời, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ với nhà nước một cách tích cực nhất.
Hiệp hội cũng tổ chức các chương trình nghiên cứu bồi dưỡng, đào tạo, trao đổi kinh nghiệm, thông tin kinh tế, thông tin thị trường, giới thiệu sản phẩm, ứng dụng tiến bộ khoa học trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm không ngừng nâng cao năng suất, hiệu quả… cho doanh nghiệp hội viên. Nhiều sản phẩm đặc sản, dịch vụ tại địa phương tham gia các chwng trình kết nối như: Bồn bồn, mật ong, rượu trái giác, rượu nhàu, bánh phồng tôm, rượu Tân Lộc, tôm khô và các sản phẩm dịch vụ du lịch, vận tải… đã tìm được khách hàng, mở rộng thị trường, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Hiệp hội còn đại diện giữ vai trò cầu nối giữa các doanh nghiệp hội viên với cơ quan hữu quan của Nhà nước và bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp cho mọi hoạt động. Hiệp hội đã tạo được “cầu nối” giữa chính quyền và doanh nghiệp. Sau mỗi cuộc họp mặt, gặp gỡ đối thoại giữa doanh nghiệp với các sở, ngành, UBND tỉnh, có ban hành các văn bản, kết luận chỉ đạo giải quyết các vướng mắc mà doanh nghiệp phản ảnh. Hiệp hội cũng tổ chức và hoạt động hiệu quả quán cà phê doanh nhân và tham gia cải thiện, nâng cao chỉ số PCI Cà Mau.
Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, chia sẻ trước những áp lực và khó khăn của hệ thống chính trị, hiệp hội doanh nghiệp, cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Cà Mau đã chủ động thực hiện nhiều phương án để duy trì sản xuất, kinh doanh như “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến” cùng nhiều phương án khác. Hàng loạt doanh nghiệp còn hỗ trợ thêm tiền lương, thưởng trong thời gian thực hiện giãn cách nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại cho công nhân, củng cố thêm niềm tin và thể hiện trách nhiệm giữa doanh nghiệp với người lao động.
Hiệp hội cũng đã phối hợp với Sở Y tế, Sở Công Thương, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh thành lập đội y tế của cộng đồng doanh nghiệp để hỗ trợ các doanh nghiệp trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Theo ông Lê Hoàng Phước, thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã triển khai nhiều giải pháp, chính sách nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh vượt qua khó khăn, tiếp tục ổn định việc làm, duy trì sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Trong đó, khuyến khích, đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiếp cận, sử dụng ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Cụ thể như: ứng dụng công nghệ số tự động hoá các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn, vệ sinh thực phẩm; ứng dụng chuyển đổi số trong các ngân hàng thương mại, ngành thuế, kho bạc để cung cấp dịch vụ, tự động hoá quy trình; cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp vận hành chính quyền điện tử; triển khai hoạt động quản lý dạy và học trên môi trường số; bản đồ số du lịch an toàn truyền thông du lịch trên nền tảng số…
Vì vậy, để hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, mới đây, CMBA đã ký kết thoả thuận hợp tác hỗ trợ chuyển đổi số doanh nghiệp giai đoạn 2022-2025 với VNPT Cà Mau. Đây là sự kiện đánh dấu một cột mốc quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số cho doanh nghiệp trong những năm tới.
Ông Lê Hoàng Phước nhấn mạnh, Hiệp hội sẽ tiếp tục đồng hành cùng các ngành chức năng của tỉnh, hỗ trợ cho doanh nghiệp trong tỉnh, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) chuyển đổi số nhanh chóng hơn, mạnh mẽ hơn. Với vị trí gần gũi với doanh nghiệp, hiệp hội có thể nắm bắt kịp thời những khó khăn của doanh nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp lựa chọn được những giải pháp phù hợp nhất.
Song song đó, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Cà Mau cũng đã ra mắt website, đây sẽ là kênh quan trọng để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc quảng bá hình ảnh công ty cũng như cập nhật thêm tình hình phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, từ đó có thêm nhiều đối tác cho sự phát triển bền vững.
Có thể bạn quan tâm