CEO Tadashi Yanai đã biến Uniqlo thành một đế chế thời trang nổi tiếng, đưa mình thành tỷ phú giàu nhất Nhật Bản.
Tadashi Yanai sinh ngày 7/2/1949 tại thành phố Ube, Yamaguchi miền Nam nước Nhật. Bố ông là một chủ cửa hàng nhỏ chuyên bán quần áo nam có tên Men's Shop Ogori Shoji phục vụ trang phục cho những người thợ mỏ. Ngày đó, shop kinh doanh ở tầng 1 còn gia đình ông thì sinh hoạt ngay tầng trên, vô cùng chật chội. Ông nhớ lại: "Khi đó, Nhật vẫn là một nước bị chiếm đóng, rất nghèo và lạc hậu. Bố mẹ tôi mở cửa hàng quần áo ở tầng 1 và chúng tôi sống trên tầng 2 của ngôi nhà. Cà phê và socola khi đó là món hàng xa xỉ và khiến nhiều người Nhật thèm muốn".
Năm 1971, Tadashi Yanai có bằng cử nhân kinh tế và khoa học chính trị tại Đại học Wased, theo lời gợi ý của cha mình, ông tìm việc và được nhận vào làm tại một siêu thị có tên Jusco. Tại đây ông bán quần áo nam và các loại đồ gia dụng trong nhà bếp. Sau một năm, ông quyết định bỏ vì công việc quá nhàm chán. Không có việc làm và cũng chẳng có chỗ nào để đi, ông quyết định về phụ bố kinh doanh cửa hàng của gia đình. Không lâu sau công việc này khởi sắc, mở thêm mở thêm nhiều cơ sở nữa.
Năm1984 tại thành phố Hiroshima cửa hàng đầu tiên của Yanai ra đời với sứ mệnh rõ ràng là cung cấp quần áo rẻ hơn và tiện dụng hơn cho mọi người ở mọi lứa tuổi. Ban đầu công ty có tên "Unique Clothing Warehouse" (nơi cung ứng những trang phục độc đáo). Uniqlo ra đời từ sự kết hợp của các chữ này và phát âm tiếng Anh sẽ là "YOU-nee-klo". "Tôi có cảm giác mình đã tìm được thêm một mỏ vàng nữa kể từ khi mở cửa hàng đầu tiên năm 1984", Yanai mô tả.
Đầu thập niên 1990, nền kinh tế Nhật đi xuống. Khi đó, những trang phục giá rẻ của Uniqlo nhanh chóng trở nên thịnh hành. Đợt suy thoái diễn ra khoảng một thập kỷ tại xứ sở mặt trời mọc lại trở thành ưu thế cho Uniqlo trong tình cảnh người dân phải cố gắng thắt lưng buộc bụng, cắt giảm tối đa chi phí.
Đến năm 1994, 10 năm kể từ ngày ra đời, Uniqlo mở rộng ra thành 100 cửa hàng. Hầu hết tăng trưởng đến từ các cửa hàng ở vùng ngoại ô Nhật Bản.
Năm 1996, Yanai đã có 200 cửa hàng trên khắp nước Nhật. Không dừng ở đó, cái tên Fast Retailing mạnh mẽ vươn ra chinh phục thị trường thế giới với con số hàng nghìn cửa hàng ở khắp mọi nơi.
Năm 1998, chiếc áo lông cừu siêu nhẹ mang tên Uniqlo Ultra Light có giá cạnh tranh 15 USD của nhãn hàng này làm mưa làm gió trên toàn thị trường ngành may mặc đến mức ước tính cứ 4 người Nhật thì có 1 người sở hữu nó.
Khi người mẫu Pháp Inès de La Fressange tiết lộ với giới truyền thông rằng cô thích sản phẩm của Uniqlo, lập tức ông chủ tỷ phú của Uniqlo đã cho chạy một dòng sản phẩm mang tên cô. Thành công đến, dòng sản phẩm đã được bán đến năm thứ 4 liên tiếp.
Tính đến tháng 11/2020, Fast Retailing vận hành 2.298 cửa hàng Uniqlo trên khắp thế giới. 60% các cửa hàng nằm ở châu Á, đã trừ Nhật Bản, 39 cửa hàng tại Mỹ, 27 cửa hàng tại châu Âu, 791 cửa hàng ở Trung Quốc - thị trường lớn thứ 2 sau Nhật Bản.
Năm 2001, Uniqlo từng cố gắng thâm nhập thị trường Anh khi mở 21 cửa hàng trong 2 năm. Tuy nhiên, mở rộng quá nhanh và quản lý yếu kém đã buộc thương hiệu phải đóng cửa 16 cửa hàng sau đó. Giám đốc điều hành Fast Retailing khi đó cũng thừa nhận họ đã không làm tốt việc thiết lập nhận diện thương hiệu trước khi mở cửa hàng và đã học rất nhiều từ những sai lầm ấy.
Với thị trường Mỹ, đây vẫn là bài toán khó với Uniqlo và tỷ phú Yanai. Không chỉ phải cạnh tranh quyết liệt với những đối thủ nặng ký như Zara (Tây Ban Nha) và H&M (Thụy Điển), thương hiệu Nhật Bản cũng tỏ ra lép vế trước 2 tên tuổi nội địa là Gap và Forever 21.
Uniqlo từng đặt mục tiêu sẽ mở 1.000 cửa hàng tại Mỹ vào năm 2012. Nhưng theo tạp chí Forbes, sau khi đóng cửa 6 địa điểm, Uniqlo chỉ còn 47 cửa hàng tại Mỹ tính đến tháng 3/2017 - một con số rất khiêm tốn so với mục tiêu đã đề ra.
Tuy nhiên, đứng lên từ trái đắng thất bại, thương hiệu hiện có trên 1.000 cửa hàng ở nước ngoài và không ngừng tăng trưởng. Là nhà bán lẻ thời trang lớn nhất châu Á nhưng tham vọng của ông chủ Yanai là đưa thương hiệu trở thành số một thế giới, vượt mặt cả H&M và Inditex - công ty đứng sau Zara.
Yanai khẳng định: "Tôi chưa từng làm việc vì tiền, và tôi cũng không quan tâm đến việc kiếm tiền". Ông cho rằng, nếu lấy tiền bạc làm mục đích sau cuối thì ta chắc chắn sẽ lạc lối. Có không ít doanh nhân đã làm như vậy, thường chỉ mong công ty mình được niêm yết trên sàn chứng khoán để kiếm lời. Thực tế là tiền bạc có thể bốc hơi một cách nhanh chóng, nếu ta chỉ làm để có tiền thì sẽ không làm dài được và cũng không thể tiến xa hơn.
Đừng tôn thờ đồng tiền, đừng bán mình cho nó và để nó làm mờ mắt, quên đi bản chất và mục đích ban đầu. Thay vào đó, hãy coi trọng thời gian, bởi thời gian mới là thứ quan trọng, một khi nó đã mất đi thì không bao giờ có thể trở lại. Vị tỷ phú giàu nhất Nhật Bản từng khuyên những người trẻ tuổi rằng: "Nhiều người trẻ ngộ nhận rằng mình còn nhiều thời gian. Thế nhưng, ta không thể biết được khi nào chúng ta sẽ chết. Nó thậm chí có thể xảy ra trong ngày mai. Do đó, hãy nghĩ hôm nay là ngày cuối cùng và hành động ngay!".
Có thể bạn quan tâm