Câu chuyện thất bại của startup từng đạt giá trị nửa tỷ đô

QUÂN BẢO 24/03/2023 01:05

Birchbox là tiên phong trong ngành thuê bao đồ thời trang, hút được hàng trăm nghìn thành viên, định giá 485 triệu đô. Sau 7 năm, Birchbox bị mua lại với chỉ 45 triệu, và giờ thì gần như biến mất.

>>Câu chuyện khởi nghiệp thành công của chàng trai đam mê đồ da

Sự mất tích của Birchbox khiến những nhà cung cấp và khách hàng giận dữ, vì họ nói rằng thương hiệu này đang nợ tiền họ. Cả Birchbox và công ty mẹ của mình, tức FemTec Health, đều chưa đưa ra bình luận trước thông tin này.

Và đây là hành trình lên đỉnh vinh quang - rơi xuống vực sâu của Birchbox:

Birchbox ra đời từ hai sinh viên tốt nghiệp Trường Kinh Doanh - Đại học Harvard

Birchbox là tiên phong trong ngành thuê bao đồ thời trang

Birchbox là tiên phong trong ngành thuê bao đồ thời trang

Katia Beauchamp và Hayley Barna nảy ra ý tưởng mô hình kinh doanh cho Birchbox khi còn là sinh viên. Theo đó, khách hàng đóng khoản phí 10 USD cố định hằng tháng, đổi lại họ nhận được hộp các sản phẩm làm đẹp, đa số thường là size nhỏ, từ những thương hiệu như Nars và Kiehl’s.

Trong cuộc phỏng vấn với Insider năm 2011, Beauchamp nói rằng họ được truyền cảm hứng từ những bên như Netflix hoặc Zappos, với mục tiêu thay đổi cách thức mua hàng trực tuyến của người tiêu dùng.

Trước khi chính thức ra mắt Birchbox, bộ đôi huy động được 1,4 triệu USD. Đến năm 2011, họ tiếp tục huy động thêm 10,5 triệu USD ở vòng gọi vốn Series A. Lúc này họ có 45.000 khách hàng đăng ký nhận hộp làm đẹp hằng tháng, và công ty bắt đầu mở rộng danh mục kinh doanh, chẳng hạn đánh thêm mảng chăm sóc sắc đẹp nam giới.

Birchbox mở cửa hàng bán lẻ đầu tiên vào năm 2014 ở khu vực SoHo của New York. Tại đây khách hàng có thể dùng thử sản phẩm và tự tạo hộp Birchbox của riêng mình.

Đến thời điểm của vòng Series B, công ty huy động thêm được 60 triệu USD, nâng mức định giá lên con số 485 triệu USD. Lúc này họ sở hữu 800.000 người đăng ký, đồng thời còn thâu tóm được một đối thủ đến từ Pháp.

Thị trường thuê bao hộp làm đẹp nhanh chóng trở nên đông đúc hơn

Birchbox là bên tiên phong và thành công trong lĩnh vực của mình, đó là điều không ai tranh cãi. Thế nhưng thị trường cũng nhanh chóng xuất hiện những công ty tương tự. Điều đó có nghĩa Birchbox dần mất đi thị phần.

Năm 2016, The Wall Street Journal thống kê rằng có ít nhất 300 dịch vụ thuê bao làm đẹp. Đồng thời Ipsy, một đối thủ của Birchbox, đang vượt mặt Birchbox về số lượng người đăng ký. Cụ thể Ipsy có hơn 1,5 triệu người đăng ký, còn Birchbox chỉ có hơn 1 triệu.

Khách hàng của Birchbox có thể mua full-size sau khi dùng thử phiên bản size nhỏ, vậy nên không chỉ doanh số bán hàng của Birchbox sẽ tăng cao, mà điều này còn có lợi cho những nhà bán lẻ truyền thống. Chẳng hạn Sephora và Ulta đều ghi nhận mức tăng trưởng doanh số 5% và 6% từ khách hàng Birchbox. Tuy nhiên đồng thời, Sephora cũng tự mình tung ra dịch vụ thuê bao hộp làm đẹp hằng tháng.

Năm 2016, Barna, người đang giữ chức đồng sáng lập và đồng tổng giám đốc, thông báo rời Birchbox. Cùng năm đó, Birchbox bắt đầu thu hẹp kế hoạch tăng trưởng của mình, tạm dừng việc mở thêm cửa hàng thực địa và dự án mở rộng sang Trung Quốc, giảm quy mô trụ sở ở New York, đồng thời cắt giảm 50 trong số 300 nhân viên.

Sau những đợt sa thải và khó khăn tài chính, Birchbox được mua lại

Đến năm 2018, Birchbox gặp khó khăn trong việc huy động thêm vốn hoặc tìm người mua lại. Cuối cùng công ty cũng nhận được tài trợ bằng nợ sau một đợt mua quyền kiểm soát trị giá 15 triệu USD và đạt thành thỏa thuận với Walgreens nhằm triển khai Birchbox ở một số cửa hàng chọn lọc.

Trong khi đó, số lượng người đăng ký Birchbox cũng giảm, và công ty này phải tăng phí dịch vụ hằng tháng lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động. Đến năm 2020, Birchbox tiến hành sa thải thêm một đợt, giảm 25% quy mô nhân sự toàn cầu.

Tháng 10/2021, FemTec Health mua lại Birchbox với giá 45 triệu USD với thỏa thuận buộc Beauchamp phải rời đi và bán lại cổ phần. FemTec là một công ty khởi nghiệp chuyên sử dụng công nghệ “để thay đổi toàn diện trải nghiệm chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ”. Về phần mình, hiện nay Beauchamp đang là CEO của Victoria Beckham Beauty.

Khách hàng cáo buộc Birchbox “ôm tiền bỏ trốn”

Những tưởng khó khăn với Birchbox đã tạm lắng xuống. Thế nhưng một năm sau các tín hiệu bất ổn lại xuất hiện. Một cuộc điều tra từ Axios cho thấy FemTec Health không trả tiền cho một số nhà cung cấp và một nhà sáng tạo nội dung. Một số hóa đơn từ tháng 1 chưa được thanh toán, một bên cung cấp đòi kiện Birchbox ra tòa.

Đến tháng 11, nhiều nguồn tin cho biết Birchbox định nộp đơn xin phá sản. Cùng thời điểm đó, thương hiệu lên Instagram thừa nhận các khó khăn của mình. Họ nói rằng trong vài tuần tới mình sẽ chia sẻ thêm thông tin về tương lai và những thứ mà khách hàng có thể kỳ vọng.

Tuy nhiên kể từ đó Birchbox không đăng thêm gì cả. Khách hàng tràn vào bình luận dưới bài đăng trên Instagram và Facebook, nói rằng họ chưa nhận thêm được hộp làm đẹp nào kể từ tháng 10. Có khách hàng lâu năm chia sẻ rằng mình đóng phí 1 năm, nhưng chỉ nhận được 3 tháng rồi công ty “biến mất”.

Về phía mình, ngoài việc không cập nhật mạng xã hội, website của Birchbox cũng không truy cập được trong vài tuần. Mặc dù website trực tuyến trở lại, nhưng khách hàng không thể hoàn tất quy trình thanh toán. Những gì hiện lên chỉ là: “Hiện nay chúng tôi đang gặp vấn đề về kỹ thuật. Vui lòng kiểm tra lại vào lúc khác”.

Có thể bạn quan tâm

  • Rắc rối bủa vây các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ

    Rắc rối bủa vây các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ

    01:20, 16/03/2023

  • Công ty khởi nghiệp công nghệ Y Combinator cắt giảm 20% lực lượng lao động

    Công ty khởi nghiệp công nghệ Y Combinator cắt giảm 20% lực lượng lao động

    01:32, 15/03/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Câu chuyện thất bại của startup từng đạt giá trị nửa tỷ đô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO