Kinh tế thế giới

Châu Á trước nỗi lo thuế quan đối xứng của Mỹ

Cẩm Anh 24/02/2025 03:28

Bản ghi nhớ áp thuế đối xứng của ông Trump sẽ khởi động nhiều thay đổi chính sách có khả năng định hình lại môi trường kinh tế toàn cầu.

Tổng thống Trump, cùng ông Howard Lutnick, người được đề cử làm Bộ trưởng Thương mại Mỹ, tại Phòng Bầu dục khi ông Trump công bố mức thuế quan mới. Ảnh: The New York Times
Tổng thống Trump đã công bố bản ghi nhớ về việc áp thuế đối xứng. Ảnh: The New York Times

Tổng thống Mỹ Donald Trump từ lâu đã lập luận rằng hệ thống thương mại và kinh tế toàn cầu là không công bằng với Mỹ. Ông đã nêu ra nhiều bất bình, nhưng có một điểm đã thu hút sự chú ý của ông, đó là mỗi quốc gia có một biểu thuế quan khác nhau.

Mục tiêu hiện tại của ông Trump là thiết lập lại cấu trúc này bằng cách áp dụng "thuế đối xứng". Điều này có nghĩa là nếu quốc gia A tính thuế quan 10% đối với các ốp lưng điện thoại nhập khẩu trong khi Hoa Kỳ chỉ tính 3% đối với cùng một sản phẩm, thì Mỹ sẽ bắt đầu áp dụng thuế quan đối xứng mới là 10% đối với quốc gia A.

Sự phức tạp của một hệ thống thuế là vô cùng lớn. Hiện tại, biểu thuế nội địa của Mỹ có 12.500 dòng thuế. Có 165 quốc gia khác trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Nếu mỗi dòng thuế được điều chỉnh theo từng đối tác, Mỹ sẽ phải quản lý hơn 2 triệu biến thể thuế quan.

Nhưng bản ghi nhớ do ông Trump công bố còn đi xa hơn khi gộp năm loại khác nhau thành một “thuế quan” cuối cùng: mức thuế hiện tại áp dụng đối với hàng hóa Mỹ; các loại thuế không công bằng (như thuế giá trị gia tăng và thuế hàng hóa và dịch vụ); chi phí mà các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ phải chịu do chính sách, trợ cấp và tỷ giá hối đoái của các nước khác; và bất kỳ biện pháp nào khác mà Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cho là không công bằng.

Tất cả những điểm này sẽ được giải quyết trong một báo cáo toàn diện sẽ được công bố vào ngày 1/4 tới, mở đường cho việc áp dụng thuế đối xứng mới bắt đầu từ ngày 2/4/2025.

Một quan chức Nhà Trắng nói với truyền thông rằng chính quyền Mỹ sẽ bắt đầu bằng việc xem xét các quốc gia có thâm hụt thương mại cao nhất hoặc mất cân bằng nghiêm trọng nhất.

Quá trình này có thể mất nhiều tuần hoặc nhiều tháng, và thuế quan có thể được áp dụng theo các quyền hạn pháp lý liên quan đến an ninh quốc gia, thương mại không công bằng hoặc quyền hạn kinh tế khẩn cấp.

"Cho đến nay, có vẻ như đây là lời mời đàm phán", Christine McDaniel, nghiên cứu viên cao cấp của Trung tâm Mercatus, cho biết.

Mỹ tuyên bố áp thuế 10% với tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và các thuế quan tiềm tàng với nhiều quốc gia khác.
Mỹ tuyên bố áp thuế 10% với tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và các thuế quan tiềm tàng với nhiều quốc gia khác.

Các nhà phân tích của JPMorgan dự đoán rằng thuế đối xứng có thể mở ra cánh cửa cho một đợt tăng thuế rộng rãi đối với các nền kinh tế mới nổi đang áp dụng mức thuế cao đối với các sản phẩm của Mỹ.

Theo nhiều nguồn tin, Nhà Trắng đã nhắc đến các quốc gia như Brazil và Ấn Độ khi công bố kế hoạch thuế quan mới nhất. Ví dụ, họ chỉ ra mức thuế của Ấn Độ đối với ethanol của Mỹ là 2,5% trong khi Brazil áp mức thuế 18%.

Các quan chức chính quyền Trump cũng nhắm vào Liên minh châu Âu về mức thuế 10% đối với ô tô nhập khẩu. Nhưng các nhà phân tích đã chỉ ra rằng Mỹ đã áp dụng mức thuế cao hơn đối với các sản phẩm khác như xe tải nhẹ.

Trong khi đó, theo bà Deborah Elms, người đứng đầu Chính sách Thương mại tại Hinrich Foundation, Mỹ đã đảo lộn hệ thống thương mại hiện tại đã tồn tại từ những năm 1940.

Khái niệm về thuế quan đối xứng đã gây ra sự bất ổn cho hoạt động thương mại của khu vực châu Á với Mỹ. Đơn giản là không có cách nào để biết trước mức thuế quan cuối cùng mà bất kỳ sản phẩm nào từ bất kỳ đối tác thương mại nào sẽ phải chịu tại biên giới.

Theo bà Deborah, có thể là các quốc gia, khu vực hoặc công ty riêng lẻ không bao giờ áp dụng thuế đối xứng. Hoặc có thể là các cuộc đàm phán sẽ không đủ để ngăn chặn các khoản phí mới.

Đối với các quốc gia châu Á có lịch sử lâu dài về giao thương và cởi mở kinh tế, điều này đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước, nhưng có thể sẽ gặp rủi ro sau những hành động mới nhất của ông Trump.

Một vòng quay mới về việc áp dụng thuế quan sẽ rất khó lường và nhiều thách thức cần phải đối phó; đồng thời gây áp lực lên các doanh nghiệp Mỹ và nước ngoài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Châu Á trước nỗi lo thuế quan đối xứng của Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO