Châu Âu hoãn sáng kiến nguồn nước, tác động thế nào tới nhập khẩu?

TRƯỜNG ĐẶNG 20/02/2024 04:00

EU vừa trì hoãn sáng kiến phục hồi nguồn nước - một động thái làm dấy lên lo ngại về các mục tiêu chống biến đổi khí hậu của EU nhưng lại giảm bớt áp lực cho các đối tác xuất khẩu của khối.

Sáng kiến nâng cao năng lực về nguồn nước của EU đã bị trì hoãn

Sáng kiến nâng cao năng lực về nguồn nước của EU vừa mới bị gác lại bất chấp các đợt hạn hán nghiêm trọng năm qua

Trì hoãn phục hồi nguồn nước 

Ngày 12/2, một chương trình nghị sự của Ủy ban châu Âu (EC) đã loại bỏ tất cả các nội dung liên quan đến kế hoạch khủng hoảng nguồn nước mà không ấn định ngày công bố sau đó. Người phát ngôn EC, Adalbert Jahnz, cho biết: “Hiện tại, chúng tôi không có thời điểm cụ thể về khả năng phục hồi nguồn nước để công bố”, đồng thời cho biết thêm rằng mốc thời gian chỉ mang tính chất “biểu thị”.

>>Động lực nào tăng sức cạnh tranh của châu Âu?

Việc Sáng kiến phục hồi nguồn nước của EU bị trì hoãn vô thời hạn đã gây ra phản ứng mạnh mẽ từ các nhóm ủng hộ kinh tế xanh, đồng thời làm dấy lên lo ngại các mục tiêu xanh sẽ phải nhượng bộ trước các cuộc bầu cử ở EU vốn đang nghiêng về phe cực hữu.

Sáng kiến nguồn nước của EU được Chủ tịch EC Ursula von der Leyen công bố vào tháng 9 năm ngoái, nhằm giải quyết các đợt hạn hán và lũ lụt ngày càng thường xuyên hơn trên khắp châu Âu và gây ra tác động ngày càng nghiêm trọng tới nền kinh tế. Là một phần trong chương trình nghị sự môi trường tham vọng của EC, sáng kiến này nhằm giải quyết những thách thức liên quan đến khả năng phục hồi nguồn nước, bao gồm chất lượng, số lượng nước và tác động của biến đổi khí hậu.

Trước đó, ông Maros Sefcovic, Phó Chủ tịch EC phụ trách chính sách xanh, dự kiến sẽ trình bày các kế hoạch vào ngày 12/3 tới nhằm gửi đi một thông điệp mạnh mẽ tới ban lãnh đạo mới của EU. Nhưng các động thái mới nhất khiến các bên ủng hộ thất vọng.

Theo các nhà phân tích, dù được cổ vũ mạnh mẽ, các chính sách môi trường của EU gần đây đã chậm lại, sau các cuộc biểu tình rộng rãi của nông dân hay sự phản đối của phe bảo thủ đối với các mục tiêu thỏa thuận xanh.

Đối với vấn đề nguồn nước, việc đặt ra thêm các quy định đang khiến các doanh nghiệp trong ngành lo ngại chi phí gia tăng và hạn chế khả năng canh tác. Các hiệp hội nông nghiệp ở châu Âu đã không ngần ngại chỉ trích điều này, cho rằng sáng kiến mới sẽ hạn chế các lựa chọn tưới tiêu ở những khu vực đang gặp khó khăn về nguồn nước.

Claire Baffert, một nhân viên chính sách tại tổ chức WWF ở Brussels cho biết, “Sự trì hoãn này hoàn toàn vô nghĩa và chỉ nhằm mục đích đạt được lợi ích chính trị trước cuộc bầu cử”.

Đại diện của Hiệp hội các doanh nghiệp cấp nước châu Âu (EurEau) có trụ sở tại Brussels cũng quan ngại sâu sắc trước động thái của EC. Gần đây, các nước, như Bồ Đào Nha, Síp, Italia, Hungary và Romania đã kêu gọi phản ứng toàn diện hơn trên toàn châu Âu đối với tình trạng mất an ninh nguồn nước.

Chủ tịch EurEau Pär Dalhielm coi việc hoãn sáng kiến này là một minh chứng khác cho thấy EC nhượng bộ trước phản ứng dữ dội ngày càng tăng đối với chương trình nghị sự về thỏa thuận xanh hàng đầu của EU. “Tất cả các lĩnh vực – từ nông nghiệp đến năng lượng, sản xuất đến du lịch – liên quan tới nguồn tài nguyên nước khan hiếm và thường bị ô nhiễm của chúng ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn”, ông Pär Dalhielm nói. 

Các chuyên gia cho rằng sự nhượng bộ này đến từ sức ép của phe cánh hữu khi cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu đang tới gần

Sáng kiến nguồn nước của EU được Chủ tịch EC Ursula von der Leyen công bố vào tháng 9 năm ngoái

>>Nông nghiệp châu Âu "vật lộn" với nhiều khó khăn

Sức ép của phe cánh hữu châu Âu dường như đang đạt kết quả trước cuộc bầu cử quan trọng của EU. Sáng kiến phục hồi nguồn nước có thể tác động đến chi phí kinh doanh do có thể yêu cầu những thay đổi trong thực tiễn sử dụng và quản lý nước, cũng như đòi hỏi thêm trách nhiệm chung và sự đổi mới.

Tác động đến hàng hóa xuất khẩu sang EU

Những động thái mới của EU có thể khiến các nhà xuất khẩu sang thị trường châu Âu bớt áp lực, bởi sáng kiến này có thể đặt thêm nhiều điều kiện hơn nữa với các sản phẩm nhập khẩu vào thị trường này.

Sự nhấn mạnh vào cải thiện hiệu quả và quản lý nước, cũng như các quy định tiềm năng xung quanh việc sử dụng nước, có thể dẫn đến một loạt các tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt hơn đối với các sản phẩm vào EU.

Dù chưa có những nội dung cụ thể, xu hướng này được dự báo có thể yêu cầu các nhà xuất khẩu sang EU áp dụng các biện pháp quản lý nước bền vững hơn trong quy trình sản xuất của họ. Ví dụ, các sản phẩm nông nghiệp từ các khu vực dễ bị hạn hán có thể phải tuân theo các quy định nghiêm ngặt hơn để đảm bảo chúng phù hợp với các mục tiêu về khả năng phục hồi nước của EU.

Việc hoãn sáng kiến nguồn nước có thể chỉ là tạm thời. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu sang EU có thể cần đầu tư vào các công nghệ và biện pháp sử dụng nước hiệu quả để tuân thủ các tiêu chuẩn mới này. Điều này có khả năng ảnh hưởng đến chi phí sản xuất và khả năng cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt là các đối tác thương mại lớn của EU như Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm

  • Châu Âu kỳ vọng phục hồi tích cực hơn

    Châu Âu kỳ vọng phục hồi tích cực hơn

    03:00, 13/02/2024

  • Hình mẫu Nhật Bản trong an ninh kinh tế châu Âu

    Hình mẫu Nhật Bản trong an ninh kinh tế châu Âu

    03:30, 11/02/2024

  • Châu Âu loay hoay với chính sách an ninh kinh tế

    Châu Âu loay hoay với chính sách an ninh kinh tế

    03:00, 31/01/2024

  • Kinh tế Đức

    Kinh tế Đức "cản bước" châu Âu

    04:30, 22/01/2024

  • Châu Âu vẫn

    Châu Âu vẫn "loay hoay" giải quyết bài toán lạm phát

    03:00, 08/01/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Châu Âu hoãn sáng kiến nguồn nước, tác động thế nào tới nhập khẩu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO