Phân tích - Bình luận

Chiến lược đầu tư của giới siêu giàu Ấn Độ

Trương Khắc Trà 07/08/2024 04:00

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn, các nhà đầu tư, giới siêu giàu Ấn Độ vẫn miệt mài đổ vốn vào mảng khởi nghiệp - hy vọng trở thành một phần của câu chuyện lớn tiếp theo.

1x-1(1).jpg
Mukesh Ambani là tỷ phú đa ngành giàu nhất Ấn Độ và châu Á.

Cùng với sự thăng tiến nhanh chóng của nền kinh tế, các chỉ số đo đếm thịnh vượng tại quốc gia Nam Á liên tục thăng hạng. Đầu năm nay, trung tâm tài chính của Mumbai đã vượt qua Bắc Kinh để trở thành trung tâm tỷ phú hàng đầu châu Á. Trên toàn cầu, thành phố này đứng thứ ba về số lượng tỷ phú, sau New York và London. Điều này cho thấy giới siêu giàu Ấn Độ đang không ngừng tăng lên.

Năm 2023, dân số siêu giàu của Ấn Độ - những người có tài sản ròng ít nhất 30 triệu USD - đã tăng 6,1% so với năm 2022 lên 13.263 người. Theo tổ chức nghiên cứu Knight Frank, con số này dự kiến ​​sẽ tăng 50,1% vào năm 2028, đánh dấu mức tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới.

Chiến lược, xu hướng đầu tư của giới này đang góp phần dẫn dắt nền kinh tế top 5 thế giới, ảnh hưởng lớn đến mức nội các chính phủ ông Narendra Modi tranh cãi kịch liệt có nên tiếp tục mở cửa cho vốn đầu tư Trung Quốc hay không.

Cũng giống như tại Trung Quốc, giới siêu giàu Ấn Độ chọn bất động sản cao cấp để tìm kiếm lợi nhuận trong bối cảnh môi trường đầu tư chịu áp lực bởi lãi suất cao, rủi ro lớn.

Lĩnh vực đầu tư này chiếm khoảng 30% lượng vốn bỏ ra, bao gồm cả các dự án ở nước ngoài. Trung bình, một người thuộc tầng lớp siêu giàu Ấn Độ sở hữu nhiều hơn 2 căn nhà và khoảng 12% người siêu giàu ở Ấn Độ dự định mua một căn nhà mới vào năm 2024, dữ liệu từ báo cáo tài sản của Knight Frank cho thấy.

Khoảng 20% ​​thị phần bất động sản ở Dubai thuộc sở hữu của các nhà đầu tư Ấn Độ. Đây là hiện tượng khá giống với Trung Quốc - người giàu có xu hướng chuyển bớt tài sản ra bên ngoài đất nước và bất động sản là phương án khá phổ biến.

mum-bai.jpg
Mumbai đã vượt qua Bắc Kinh để trở thành trung tâm tỷ phú hàng đầu châu Á, đứng thứ ba về số lượng tỷ phú, sau New York và London.

Một đặc điểm khác đáng chú ý tại Ấn Độ là nguồn vốn đổ vào các công ty khởi nghiệp. Cả chục năm trước rất nhiều thanh niên Ấn Độ đã du học, mở rộng cơ hội tiếp xúc, xây dựng mạng lưới và sau đó quay trở lại điều hành doanh nghiệp của riêng mình hoặc đầu tư vào các công ty khởi nghiệp.

Nitin Chengappa, Giám đốc điều hành tại Ngân hàng Standard Chartered cho biết: “Nhà đầu tư Ấn Độ nhìn chung đang chuyển sang đầu tư khởi nghiệp như một “chiến lược năng động để tạo ra của cải”, tự định vị mình để thu được lợi nhuận đáng kể trong các lĩnh vực tăng trưởng cao như fintech, chăm sóc sức khỏe và công nghệ”.

Nền kinh tế thứ 5 toàn cầu đang tạo ra những kỳ tích như Nhật Bản, Trung Quốc trước đây. “Tính dân tộc” của nhà đầu tư Ấn Độ được thể hiện, họ đang muốn đầu tư vào các công ty sản xuất những mặt hàng độc đáo, muốn trở thành một phần của câu chuyện lớn tiếp theo ở Ấn Độ.

Tính đến cuối năm 2023, Ấn Độ có 117.254 công ty khởi nghiệp, tăng theo cấp số nhân so với con số 350 vào năm 2014. Dự kiến nền kinh tế này ​​sẽ có thêm 180.000 công ty khởi nghiệp vào năm 2030, cùng với 280 kỳ lân.

Bên cạnh đó, startup liên quan đến sản xuất hàng tiêu dùng rất hấp dẫn - nhằm đón đầu xu hướng bùng nổ tiêu dùng tại quốc gia đông dân nhất thế giới. Theo ước tính của Fitch Solutions, khi số lượng hộ gia đình có thu nhập trung bình và cao tăng lên, thị trường tiêu dùng của Ấn Độ được định vị sẽ có quy mô thứ ba thế giới vào năm 2027.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chiến lược đầu tư của giới siêu giàu Ấn Độ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO