Trong bối cảnh tứ bề thọ địch, Trung Quốc đã tung ra chiến lược “tuần hoàn kép” nhằm phát huy nội lực gắn chặt với nguồn lực hẹp bên ngoài để phục hồi nền kinh tế.
Chiến lược này xuất phát trong bối cảnh Trung Quốc bị Mỹ và đồng minh bao vây, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế- công nghệ.
Đẩy mạnh hướng nội
Với chiến lược mới này, Trung Quốc hướng tới chính sách tự cung tự cấp. Cụ thể, với công nghệ bán dẫn, Trung Quốc sẽ huy động nguồn lực con người, vốn tự có để phát triển mạng lưới nghiên cứu, thiết kế và sản xuất chip thế hệ mới để phá thế cô lập do Mỹ tạo ra.
Bên cạnh đó, chiến lược này cũng nhằm tiết kiệm thực phẩm tối đa để tránh lãng phí tài nguyên thiên nhiên. Nói cách khác, Trung Quốc muốn tự lực cánh sinh để nuôi sống 1,5 tỷ dân mà không cần nhập khẩu.
Ngoài ra, Trung Quốc sẽ tăng cường hội nhập khu vực, đặc biệt tiếp tục thắt chặt quan hệ với ASEAN để làm “lá chắn” chống lại Mỹ và đồng minh.
Như vậy, chính sách mới của Trung Quốc có thiên hướng trở về cách làm của mấy thập kỷ trước, khi chính họ và khối phương Tây đang mâu thuẫn.
Còn nhớ 30 năm trước, ông Đặng Tiểu Bình khởi xướng chính sách mở cửa, kết nối với Mỹ và phương Tây, kết quả là Trung Quốc đạt được thành tựu vượt bậc. Do đó, trong trường hợp quay ngược chính sách, Trung Quốc rất có thể sẽ thu mình lại và mất tính năng động kinh tế trong dài hạn.
Trung Quốc đang thực hiện “bán anh em xa mua láng giềng gần”. ASEAN có vai trò cực kỳ quan trọng với Bắc Kinh về an ninh quốc phòng, vì đây là cửa ngõ ra Biển Đông. Song, niềm tin của nhiều quốc gia trong khu vực với Trung Quốc đã bị sứt mẻ do những đòi hỏi phi lý của họ về chủ quyền biển đảo.
Với kinh tế, ASEAN rõ ràng rất ưa Trung Quốc, vì đây là thị trường nhập khẩu khổng lồ, dễ tính, đồng thời là nơi cung cấp trang thiết bị, công nghệ với giá thành rẻ, dễ dàng tiếp cận.
Nhưng phần lớn thành viên ASEAN là những quốc gia đang phát triển, đặc biệt Singapore, Thái Lan, Indonesia… đều dựa vào dịch vụ, gia công lắp ráp, rất khó “giúp” Trung Quốc san bằng khoảng cách với Mỹ, Nhật Bản trong công nghệ bán dẫn.
Trong khi đó, ASEAN và Trung Quốc không sở hữu những thiết chế công nghệ sáng tạo luôn đi đầu xu hướng như Samsung, Apple, Google, Facebook, Intel, ARM… Trong 2 thập kỷ qua, cả thế giới đều phụ thuộc vào các đại công ty này. Vì vậy, Trung Quốc cần rất nhiều thời gian để tự lực cánh sinh nếu quay lưng với Mỹ và phương Tây trong vấn đề này.
Về phương diện tâm lý học, chiến lược “tuần hoàn kép” của Trung Quốc giống như lời hiệu triệu để lên dây cót tinh thần dân tộc. Trong lịch sử, không ít lần Trung Quốc thành công bằng cách làm như vậy. Nhưng bối cảnh hiện nay có nhiều đối thủ mới, cách thức tiếp cận mới thì chiến lược “tuần hoàn kép” sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Có thể bạn quan tâm