Nếu kịch bản chấm dứt chiến sự Đông Âu xảy ra, hứa hẹn sẽ là thông tin tích cực cho kinh tế toàn cầu vốn đã chứng kiến hai năm tồi tệ.
Theo nguồn tin từ chính quyền Mỹ, sức ép nội bộ đang khiến viện trợ của Mỹ cho Ukraine lung lay dữ dội. Khó khăn đó đang thúc đẩy chính quyền Biden đang xem xét hạ mục tiêu, từ ủng hộ một chiến thắng hoàn toàn của Ukraine trước Nga sang ưu tiên nâng cao vị thế của Kiev trên bàn đàm phán. Một diễn biến như vậy có nghĩa Ukraine sẽ phải chịu thiệt một phần lãnh thổ cho Nga.
>>2024 - Năm của những cuộc bầu cử định hình lại thế giới
Theo tờ Politico, cả Mỹ và châu Âu vẫn công khai ủng hộ mục tiêu của Ukraine là buộc quân đội Nga rút hoàn toàn khỏi đất nước. Nhưng hi vọng giành lại các vùng lãnh thổ nằm trong tay Nga dường như không còn là ưu tiên chính, khi nguồn tin giấu tên trong chính phủ Mỹ nói rằng Nhà Trắng đã thảo luận với Châu Âu và Ukraine về việc tái triển khai lực lượng phòng thủ sau cuộc phản công gần như thất bại của Tổng thống Volodymyr Zelenskyy.
Theo đó, nỗ lực củng cố hành lang phòng ngự phía Đông Ukraine ưu tiên hệ thống phòng không và xây dựng công sự, vật cản bằng dây thép gai, chướng ngại vật chống tăng và mương dọc biên giới phía bắc Ukraine với Belarus. Ngoài ra, chính quyền Biden đang tập trung vào việc phục hồi nhanh chóng ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine để cung cấp loại vũ khí rất cần thiết mà Quốc hội Hoa Kỳ đang lưỡng lự trong việc thay thế.
Phần lớn sự chuyển đổi chiến lược từ tấn công sang phòng thủ này nhằm mục đích củng cố vị thế của Ukraine trong bất kỳ cuộc đàm phán nào trong tương lai. Quan chức Mỹ giấu tên cho biết: “Đó là lý thuyết xuyên suốt của chúng tôi về vụ việc - cách duy nhất để chiến sự Nga - Ukraine kết thúc thông qua đàm phán”.
Tuy nhiên, ông này cũng nhấn mạnh rằng chưa có cuộc đàm phán nào được lên kế hoạch và lực lượng Ukraine vẫn đang tấn công ở nhiều nơi. “Chúng tôi muốn Ukraine có vị thế mạnh mẽ hơn để giữ vững lãnh thổ của mình”, Politico dẫn lời.
Đối với ông Biden, việc điều hướng chiến sự Nga - Ukraine đã kéo dài gần hai năm là động thái có vẻ khôn ngoan giữa một chiến dịch bầu cử khó khăn. Cựu Tổng thống Donald Trump và các ứng cử viên Đảng Cộng hòa khác đang cố gắng sử dụng vấn đề Ukraine để công kích đảng Dân chủ trước khi bước sang năm 2024.
Bởi vậy, bằng cách giúp Ukraine thay đổi chiến lược, chính phủ Mỹ đặt kỳ vọng Nga sẽ không giành thêm lợi thế nào trước cuộc bầu cử vào tháng 11 năm tới.
Ngày 21/12, ông John Kirby, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, thừa nhận Washington “gần như đã hết khả năng” cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine vì đảng Cộng hòa đã chặn yêu cầu của Tổng thống Biden hỗ trợ số tiền khoảng 60 tỷ USD cho Kiev.
Trước sức ép từ nhà viện trợ lớn nhất và diễn biến cuộc phản công bế tắc, Ukraine dường như đã phải nghĩ đến kịch bản này. Đầu tháng 12, ông Zelenskyy cho biết Ukraine đang chuẩn bị các đề xuất mới để chấm dứt chiến tranh nhưng nhấn mạnh rằng ông sẽ không thay đổi yêu cầu Nga rút toàn bộ lực lượng.
Đáng chú ý, trong buổi gặp lãnh đạo Ukraine ngày 12/12, ông Joe Biden nói rằng Mỹ sẽ cung cấp hỗ trợ “miễn khi nào chúng tôi có thể” – một sự thay đổi nhỏ nhưng đáng chú ý từ “miễn khi nào còn cần thiết” đưa ra hồi tháng 6.
Các nhà phân tích cho rằng đó là thông điệp của Mỹ tới Ukraine rằng họ nên sẵn sàng cho việc kết thúc chiến tranh, đồng nghĩa với việc chấp nhận thực trạng lãnh thổ hiện nay.
>>Chiến sự Nga - Ukraine: Những tác động tới kinh tế thế giới 2024
Thế nhưng, điểm mấu chốt đổi lại cho Ukraine có thể là tư cách thành viên NATO trong tương lai. Liên minh châu Âu cũng đang tìm cách đẩy nhanh tư cách thành viên của Ukraine trong NATO để “đặt Ukraine vào tình thế tốt nhất có thể để đàm phán” với Moscow. Nếu vậy, Nga chắc chắn sẽ không hài lòng bất kể họ giữ được các lãnh thổ đã chiếm được. Mối quan ngại chiến lược của Moscow lâu nay vẫn luôn là việc Ukraine không gia nhập NATO.
Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu kịch bản chấm dứt chiến tranh Nga – Ukraine xảy ra, hứa hẹn sẽ là thông tin tích cực cho kinh tế toàn cầu vốn đã chứng kiến hai năm tồi tệ, nhất là chuỗi cung ứng toàn cầu có thể sẽ phục hồi tốt hơn.
Năm 2023, kinh tế Châu Âu vẫn chưa thoát khỏi khó khăn. Đức – nền kinh tế số một của châu Âu– còn chứng kiến đà giảm tăng trưởng, bất chấp đã phần nào vượt qua cú sốc giá năng lượng. Điều này chủ yếu xuất phát từ chiến sự Nga- Ukraine. Do đó, nếu chiến sự này chấm dứt, thì kinh tế châu Âu sẽ khởi sắc trở lại.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại, nếu chiến sự Nga - Ukraine kết thúc, dòng dầu Nga có thể vẫn sẽ chịu lệnh cấm vận của Mỹ và phương Tây. Do đó, nguồn năng lượng từ Nga có thể vẫn sẽ chảy lòng vòng qua Trung Quốc và một số nước, rồi mới tới các quốc gia có nhu cầu thực sự. Điểm sáng duy nhất có thể sẽ là sự trở lại của vựa lương thực của thế giới, giúp hạ giá các mặt hàng dầu hướng dương, các các loại ngũ cốc ngô, lúa mì trên toàn cầu.
Có thể bạn quan tâm
Kinh tế - “át chủ bài” giúp giành ghế Tổng thống Mỹ
04:30, 28/12/2023
Khủng hoảng ngân hàng Mỹ: Rủi ro vẫn còn trong năm 2024
04:00, 26/12/2023
Viện trợ Mỹ cho Ukraine dưới góc nhìn kinh tế
03:00, 29/12/2023
Thị trường dầu mỏ: Mỹ và OPEC "từ bạn thành thù"
04:30, 25/12/2023
Kinh tế Mỹ sắp “hạ cánh mềm”?
05:00, 25/12/2023