Chiến sự Nga- Ukraine: Đôi bên khó thay đổi cục diện

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 25/08/2022 04:30

Trong chiến sự Nga- Ukraine, tương quan lực lượng tiến dần tới mức cân bằng, đôi bên khó hành động thay đổi cục diện. Chính vì vậy, chiến sự Nga- Ukraine sẽ còn dai dẳng.

Cuộc chiến giằng co, khó phân thắng bại (Ảnh: Reuters)

Cuộc chiến Nga- Ukraine giằng co, khó phân thắng bại (Ảnh: Reuters)

>>"Lối thoát" cho chiến sự Nga- Ukraine

Đến nay đã tròn 6 tháng ngày Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine. Cộng đồng quốc tế, đặc biệt dư luận phương Tây xem đó là cuộc chiến do Moscow mào đầu. Với thế giới, đây là cuộc chiến tranh gây ra tác động liên đới lớn nhất từ sau thế chiến II.

Không có cuộc chiến nào không đổ máu, theo trang Facebook của Bộ quốc phòng Ukraine khoảng 47.500 lính Nga thiệt mạng, nhưng phía Nga cho rằng họ có 9.000 “anh hùng đã nằm xuống”. Liên Hợp Quốc cho biết, hơn 14.000 người Ukraine thương vong, 18 triệu người cần hỗ trợ nhân đạo. Tuy nhiên, tất cả sẽ không dừng lại ở đó!

Nga mở màn táo bạo, đánh thẳng vào Kiev từ phía Belarus, tuyên bố “phi phát xít” Ukraine trong vòng 48-72h. Tuy nhiên, vài tuần sau ngày 24/2, Kremlin cho thấy họ đã đánh giá không đúng đối thủ, vấp phải kháng cự quyết liệt. Tổng thống Putin chuyển hướng về “giải phóng Donbass”.

Mọi chuyện ở Donbass cũng không dễ, Nga sử dụng tối đa pháo kích, phá hủy nhiều thành phố, làng mạc, san phẳng nhiều khu dân cư, cầu cống đường sá, siết chặt vòng vây ở những cứ điểm lớn như Luhansk, Donetsk, Zaporizhia, Mariupol, Melitopol,…Ukraine thất thế vì lực lượng mỏng, thiếu vũ khí, coi như thất thủ phần lớn ở miền Đông.

Kể từ khi chiến sự Nga- Ukraine nổ ra, Mỹ tổ chức nhiều cuộc họp bàn cùng châu Âu tung hết đòn cấm vận này đến đòn cấm vận khác nhằm vào Nga. Loạt chính sách cứng rắn được ban hành, đặc biệt đạt được cam kết “bơm” vũ khí hạng nhẹ đến hạng nặng, tiền bạc, thuốc men cho Kiev.

>> Chiến sự Nga- Ukraine: Cán cân quyền lực mới sẽ xuất hiện

Từ cuối tháng 5 trở đi, Ukraine bắt đầu giành lại thế chủ động ở một số chiến trường miền Đông. Hiện nay, chiến trường ác liệt nhất - thành phố Kherson là “điểm nóng”, nơi mà hệ thống tên lửa HIMARS của Mỹ tham chiến. Sau một vài vụ nổ bí ẩn ở bán đảo Crimea, Tổng thống Ukraine Zelensky hùng hồn tuyên bố giành lại Crimea cũng như toàn bộ vùng lãnh thổ phía Đông.

Kherson và Crimea trở thành tâm điểm chú ý (Ảnh: New York Time)

Kherson và Crimea trở thành tâm điểm chú ý (Ảnh: New York Time)

Ukraine bắt đầu chuyển sang thế chủ động tấn công vào hậu cần đối phương, hệ thống kho chứa vũ khí, cơ quan chỉ huy, đường tiếp vận để Moscow bị giảm khả năng chỉ huy cũng như năng lực cung cấp hậu cần và triển khai lực lượng.

Về vũ trang, Ukraine mạnh hơn so với lúc bắt đầu, còn Nga có dấu hiệu chững lại sau 6 tháng tiêu tốn quá nhiều trên chiến trường, đặc biệt nền kinh tế rơi vào khủng hoảng, bị bao vây tứ phía, chỉ duy nhất dầu mỏ giúp Moscow gia tăng nguồn thu do khủng hoảng thiếu năng lượng.

Từ cuộc chiến được dự báo chớp nhoáng chuyển sang trạng thái giằng co, giành giật từng vị trí dọc các phòng tuyến. Kinh tế khó khăn, khí tài có hạn, Kiev khó lòng “tổng tấn công” đẩy quân Nga về bên kia biên giới, trong khi Nga cũng khó đẩy mạnh tấn công để sớm đạt mục tiêu.

Ukraine chiến đấu vì giữ gìn độc lập, trong khi giới tinh hoa chính trị Nga mang niềm tin “Nga đại cường”, thu hồi lãnh thổ. Vì tuyên bố ban đầu, ông Putin không thể rút quân khi thắng bại chưa phân định rõ ràng.

Vì thế, cuộc chiến được dự báo kéo dài, một số vùng lãnh thổ Ukraine do Nga chiếm giữ - sẽ tìm mọi cách hợp thức hóa từ văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết, hệ thống chính trị; xung đột nhỏ, lẻ triền miên thay thế những trận đánh có tính bước ngoặt.

Châu Âu sẽ bước vào mùa thu trong vài tuần tới, mưa lớn, sình lầy ngăn cản bước tiến của đôi bên. Yếu tố thời tiết, dịch bệnh tác động không nhỏ đến cục diện chiến sự Nga- Ukraine. Nói cách khác, chiến sự Nga- Ukraine sẽ tiếp tục mà không bên nào giành được nhiều lãnh thổ hoặc thay đổi chiến lược.

Cần thêm thời gian đo đếm khả năng chịu đựng của Nga, vì hiện nay một số lệnh trừng phạt từ phương Tây gần như bị vô hiệu hóa. Moscow tìm cách liên thủ với Trung Quốc, khối kinh tế Á - Âu, một số đồng minh nhỏ ở Trung Đông để lách qua lệnh cấm vận.

Phương Tây còn “vũ khí” nào mới buộc Nga ngồi vào bàn đàm phán? Thật khó xác định! Cú phản đòn từ dầu mỏ, khí đốt khiến châu Âu khốn đốn, mùa đông này sẽ trả lời câu hỏi: Liệu “lục địa già” có còn mạnh mẽ như trước?

Có thể bạn quan tâm

  • Chiến sự Nga - Ukraine: Đòn đánh quyết định tại Kherson

    Chiến sự Nga - Ukraine: Đòn đánh quyết định tại Kherson

    04:00, 07/08/2022

  • "Vén màn" trật tự thế giới mới hậu chiến sự Nga - Ukraine

    05:10, 19/07/2022

  • Chiến sự Nga - Ukraine: Nga sẽ bớt đi một đối thủ lớn?

    Chiến sự Nga - Ukraine: Nga sẽ bớt đi một đối thủ lớn?

    05:00, 17/07/2022

  • Trật tự kinh tế thế giới mới (Kỳ II): Cục diện hậu chiến sự Nga - Ukraine

    Trật tự kinh tế thế giới mới (Kỳ II): Cục diện hậu chiến sự Nga - Ukraine

    12:00, 10/07/2022

  • Chiến sự Nga - Ukraine: Phần thắng sẽ thuộc về ai?

    Chiến sự Nga - Ukraine: Phần thắng sẽ thuộc về ai?

    05:10, 06/07/2022

  • Chiến sự Nga - Ukraine: Nhớ “cỗ máy đàm phán” Merkel

    Chiến sự Nga - Ukraine: Nhớ “cỗ máy đàm phán” Merkel

    05:13, 22/06/2022

  • "Giật mình" với những toan tính địa chính trị trong chiến sự Nga - Ukraine

    05:14, 21/06/2022

  • Chiến sự Nga - Ukraine và mối nguy vũ khí hạt nhân

    Chiến sự Nga - Ukraine và mối nguy vũ khí hạt nhân

    05:10, 14/06/2022

  • Donbass- “vật tế thần” trong chiến sự Nga - Ukraine?

    Donbass- “vật tế thần” trong chiến sự Nga - Ukraine?

    05:10, 08/06/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chiến sự Nga- Ukraine: Đôi bên khó thay đổi cục diện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO