Chiến thuật đầu tư cổ phiếu ngược dòng

TS. Lê Đức Khánh, Chuyên gia chứng khoán 28/05/2020 11:00

Chiến lược đầu tư ngược dòng- giải ngân ngay khi tâm lý nhà đầu tư còn đang lo lắng bi quan lại là chiến thuật hợp lý nhất trong bối cảnh thị trường hiện nay.

Lựa chọn chiến lược đầu tư là vấn đề đau đầu đối với nhiều nhà đầu tư hiện nay

Lựa chọn chiến lược đầu tư hiệu quả là vấn đề đau đầu đối với nhiều nhà đầu tư hiện nay

Dù dịch COVID-19 đã và đang làm suy giảm mạnh kinh tế toàn cầu, nhưng thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu nói chung và TTCK Việt Nam nói riêng vẫn diễn biến tích cực.

Chứng khoán “trỗi dậy” giữa mùa dịch

Đã có hơn 210 quốc gia, vùng lãnh thổ đang bị ảnh hưởng bởi COVID-19, nhưng mức độ tác động lại khác nhau. Mặc dù vậy, kênh đầu tư chứng khoán lại đang được nhà đầu tư toàn cầu kỳ vọng hơn cả. Tuần giao dịch cuối tháng 4 phản ánh niềm tin về sự phục hồi kinh tế hậu dịch cũng như không có kênh đầu tư nào triển vọng tốt hơn kênh đầu tư cổ phiếu giá rẻ trong giai đoạn hiện nay. Theo đó, các chỉ số chứng khoán thế giới đã hồi phục khá ấn tượng, trong khi chỉ số chứng khoán Việt Nam cũng tăng hơn 100 điểm kể từ mốc 660 điểm cuối tháng 3.

Trái ngược lại những dự báo tiêu cực về nền kinh tế thế giới, IMF, WB hay ADB đều đánh giá triển vọng phục hồi mạnh của nền kinh tế Việt Nam và đưa ra các dự báo lạc quan về kinh tế Việt Nam giai đoạn cuối 2020– 2021. Một trong những cơ sở cho việc dự báo đó là khi cộng đồng thế giới đang lo lắng về kinh tế Trung Quốc, thì Việt Nam lại nổi lên như là ứng cử viên sáng giá trở thành một trong những công xưởng lớn trên thế giới.

Khả năng kiểm soát tốt sự lây nhiễm dịch bệnh đã giúp Việt Nam ghi điểm trước cộng đồng thế giới. Rõ ràng, ảnh hưởng của đại dịch lên nền kinh tế Việt Nam chỉ là nhất thời, nhưng triển vọng hồi phục mạnh mẽ sẽ đến ngay sau đó.

Sự phục hồi kinh tế thời kỳ hậu COVID-19 sẽ tiếp tục hỗ trợ TTCK “nổi sóng” và sẽ sớm lấy lại những điểm số đã mất trong giai đoạn
vừa qua.

Khối nội lấy lại niềm tin

Diễn biến giao dịch khối ngoại xưa nay vẫn được coi là động lực quan trọng nâng đỡ các cổ phiếu lớn và qua đó, dòng tiền nội tự tin giải ngân. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại lại đang chỉ ra điều ngược lại khi khối ngoại lại đẩy mạnh bán ra.

Dù tổng giá trị bán ròng tăng nhanh nhưng dòng tiền đến từ các nhà đầu tư nội lại tỏ ra khá quyết tâm mua vào – đối trọng với dòng tiền bán ra.

Thực tế cho thấy thị trường đã hồi phục tốt kể từ đầu tháng 4, ngay cả khi tháng 4 lại là tháng bán mạnh của khối ngoại. Không phải không có lý khi thống kê số lượng tài khoản chứng khoán mở mới tại một số công ty chứng khoán như VNDirect, SSI, TCBS, PSI... tăng rất mạnh. Điều này cho thấy, dư địa cho sự phát triển kênh đầu tư chứng khoán vẫn còn nhiều, thay thế cho kênh đầu tư vào vàng, bất động sản hay gửi tiết kiệm…

Trên thực tế, giao dịch khối ngoại vẫn rất quan trọng trong cán cân giữa các tác nhân tham gia vào thị trường. Viễn cảnh nâng hạng thị trường giai đoạn 2021 – 2022 và triển vọng phục hồi kinh tế hậu COVID-19 sẽ khiến khối ngoại sớm quay trở lại TTCK Việt Nam. Quan trọng hơn là nhà đầu tư trong nước đã và đang tăng nhanh, đây là điểm tích cực với thị trường. Niềm tin quay trở lại, cơ hội đầu tư tại các cổ phiếu đang bị định giá thấp, triển vọng tươi sáng của nhiều ngành nghề bán lẻ, tiêu dùng, bất động sản, ngân hàng… cũng sẽ khiến nhà đầu tư tham gia mua vào nhiều hơn.

“Săn” cổ phiếu bị quên lãng

Nếu giai đoạn tháng 2/2009 – 10/2010 là giai đoạn tăng điểm của các cổ phiếu từ cao su, dịch vụ tài chính, dầu khí vốn hóa lớn, vừa và nhỏ thì từ tháng 3/2012 – 2016 dòng tiền lại tập trung vào các cổ phiếu vốn hóa lớn của các nhóm ngành tài nguyên cơ bản, thép, hóa chất, bất động sản. Hay như giai đoạn 2017 – 2018, dòng tiền chảy vào các cổ phiếu ngân hàng, thủy sản… và đến 2019 lại là các cổ phiếu tiện ích, điện, bất động sản khu công nghiệp. Như vậy, mỗi năm sẽ có một số nhóm ngành thu hút dòng tiền.

Đại dịch COVID-19 đang khiến các nhóm ngành như du lịch, dịch vụ, sản xuất công nghiệp, bán lẻ bị ảnh hưởng nặng nề thì nhóm cổ phiếu phân đạm (DPM, DCM), cổ phiếu xây dựng và vật liệu xây dựng hay nhóm cổ phiếu điện, điện khí (NT2, POW, BTP, PPC) lại thu hút sự quan tâm của dòng tiền đầu cơ.

Rõ ràng không phải lúc nào các cổ phiếu tốt lại có thể chắc chắn mang lại lợi ích cho cổ đông. Tiêu chuẩn đầu tư dựa trên tiêu chí trả cổ tức cao không phải luôn là chiến lược hợp lý, mà ngược lại đầu tư vào cổ phiếu trả cổ tức thấp hoặc có lịch sử trả cổ tức thường xuyên trong nhiều năm hoặc không trả cổ tức lại có thể mang lại nhiều lợi ích cho các cổ đông nắm giữ. Không phải cổ phiếu của các doanh nghiệp đang có kết quả kinh doanh khả quan lại có khả năng tăng giá tốt, mà đôi khi những cổ phiếu đang gặp khó khăn, bất ngờ có những kết quả kinh doanh khởi sắc lại có triển vọng tăng giá tốt hơn. Hiệu quả kinh doanh không phải lúc nào cũng đo lường bằng việc kinh doanh có lãi, tình hình kinh doanh thuận lợi, mà đôi lúc đo lường bằng sức mạnh của thu nhập hiện tại và triển vọng tăng mạnh trong các quý tiếp theo.

Cho dù dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, khối ngoại đang bán ròng mạnh hay tháng 5 không phải là tháng quá thuận lợi cho giao dịch cổ phiếu, nhưng rõ ràng đang có những lý do để chúng ta tư duy ngược dòng vào các cổ phiếu mà thị trường bỏ quên. Đây có thể lại là chiến lược đầu tư hiệu quả trong những thời khắc khó khăn.

Có thể bạn quan tâm

  • Đầu tư cổ phiếu ngành xây dựng: Đãi cát tìm vàng

    Đầu tư cổ phiếu ngành xây dựng: Đãi cát tìm vàng

    09:59, 04/05/2020

  • Tìm cơ hội đầu tư cổ phiếu trong dài hạn

    Tìm cơ hội đầu tư cổ phiếu trong dài hạn

    11:30, 02/04/2020

  • Tránh lầm tưởng đầu tư cổ phiếu

    Tránh lầm tưởng đầu tư cổ phiếu

    03:30, 11/11/2019

  • Cẩn trọng trước khi giải ngân đầu tư cổ phiếu

    Cẩn trọng trước khi giải ngân đầu tư cổ phiếu

    11:10, 04/07/2019

  • "Bí quyết" đầu tư cổ phiếu

    11:01, 10/05/2019

  • Rủi ro đầu tư cổ phiếu theo nhóm ngành

    Rủi ro đầu tư cổ phiếu theo nhóm ngành

    16:30, 03/03/2019

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chiến thuật đầu tư cổ phiếu ngược dòng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO