Grab đang thực hiện chương trình đặt bình nước miễn phí tại nhiều địa điểm. Tuy là miễn phí, nhưng Grab vẫn có lợi ích khi biến các bình nước thành biển quảng cáo thương hiệu.
>>Grab sắp bước chân vào không gian tiền điện tử?
Đây cũng là phương thức hoạt động của chiêu tiếp thị miễn phí trên thế giới.
Hiện tại trên các cung đường ở TP. HCM và Hà Nội, Grab đang triển khai chiến dịch đặt các bình nước với lời nhắn “Bác tài nghỉ xíu nghen” tại các đối tác nhà hàng, quán ăn của họ. Các đối tác này cũng sẽ liên tục châm nước vào bình để bác tài luôn có nước để dùng.
Với các đối tác tài xế, chiến dịch này của Grab là một điểm cộng rất lớn. Trong những ngày vừa qua, nắng nóng kéo dài trên diện rộng đã khiến nhiệt độ tại Hà Nội lẫn TP.HCM đều tăng lên rất cao. Những bác tài công nghệ khi làm việc ngoài trời oi bức sẽ gặp nhiều khó khăn và vất vả. Khi đó, những trạm tiếp nước này của Grab sẽ giúp ích rất nhiều cho họ, để họ có thể làm việc tốt hơn.
Nhận xét về chương trình bình nước miễn phí, bác tài Nguyễn Tiến ở TP.HCM, người có hơn 9 năm gắn bó với nghề, cho biết đây là hoạt động thiết thực, tài xế ai cũng ủng hộ. Đồng thời ông chia sẻ rằng đây không phải lần đầu tiên Grab thực hiện các chiến dịch như vậy.
Những nhận xét kiểu này là minh chứng cho thấy tính hiệu quả và độ tích cực mà chiến dịch tiếp nước trên đường của Grab đem lại. Trên thực tế, về phía Grab, dù cung cấp dịch vụ miễn phí, nhưng họ vẫn có lợi. Bởi vì điểm tiếp nước, với phần bục và cả bình nước đều mang màu sắc và logo đặc trưng của Grab, đã trở thành một kiểu biển quảng cáo ngoài trời cho họ. Và dĩ nhiên chi phí dành cho các bình nước này sẽ rẻ hơn rất nhiều các bảng quảng cáo ngoài trời thường thấy. Hay nói cách khác, đây là một chiêu tiếp thị thông minh của Grab.
Trên thực tế, biến đồ miễn phí thành thứ để quảng cáo là phương thức cực kỳ phổ biến, được rất nhiều công ty sử dụng và nhiều công ty đã thực hiện một cách rất độc đáo.
FreeWater là một doanh nghiệp nước uống đóng chai. Nhưng họ không bán, mà phân phối nước uống miễn phí cho khách qua đường. Mọi người chỉ cần đến một địa điểm có đặt cây nước của FreeWater, thường nằm ở khu vực đông người qua lại, và lấy nước đóng chai hoàn toàn miễn phí.
Mặc dù không kiếm được tiền từ người dùng trực tiếp, nhưng FreeWater đã khôn khéo biến những chai nước này thành một phương tiện quảng cáo mới lạ. Cụ thể, phần không gian trên chai nước, WaterFree lại để dành in quảng cáo cho những bên cần quảng cáo. Khi ấy, các chai trước trở thành những “tờ rơi” nhỏ, và FreeWater đang làm nhiệm vụ phát các “tờ rơi” này đến tận tay người tiêu dùng. Để quảng cáo có hiệu quả hơn, họ sẽ phân phối chai nước ở những khu vực có khách hàng mục tiêu của thương hiệu.
Tiền vào túi FreeWater chính là khoản phí quảng cáo mà các thương hiệu phải trả. Mỗi chai hoặc thùng FreeWater đều được các thương hiệu quảng cáo trả trước, vậy nên công ty luôn bảo đảm kiếm được lợi nhuận.
Theo FreeWater, quảng cáo kiểu này hiệu quả vượt trội hơn hẳn các kênh truyền thống. Tần suất hiển thị nhiều hơn gấp 10 lần, nhưng chi phí lại rẻ hơn rất nhiều.
Tương tự FreeWater, Telly cũng là công ty chuyên cung cấp sản phẩm miễn phí cho khách hàng. Thay vì nước đóng chai, họ tặng hẳn TV có giá lên đến 1.000 USD. Với chiếc TV miễn phí này, quảng cáo trên màn hình phụ sẽ chạy suốt 24/7. Hay nói cách khác, Telly đã đặt hẳn một bảng quảng cáo ngay bên trong nhà khách hàng.
Trên thực tế, nếu suy xét kỹ, mô hình của FreeWater hay Telly đều không phải mới mẻ. Trong thời đại internet bùng nổ, người dùng đã quen với việc sử dụng các dịch vụ miễn phí, chẳng hạn YouTube, Facebook hay TikTok. “Cái giá” mà người dùng phải trả là xem quảng cáo trên mạng.
Có thể thấy, chiến dịch “Bác tài nghỉ xíu” của Grab có nhiều nét tương đồng với mô hình hoạt động của FreeWater kể trên. Cả hai đều đặt những cây nước ở bên đường để phát nước miễn phí, và cả hai đều biến những nơi đó thành “trạm quảng cáo” của mình. Chỉ có điều khác là FreeWater quảng cáo cho đối tác còn Grab thì quảng cáo cho chính mình.
Về ý tưởng có vẻ tương đồng, còn về cách thức triển khai thì chiến dịch “Bác tài nghỉ xíu” của Grab lại có một ưu điểm lớn đó là rất hiệu quả về chi phí. Thay vì phải xây dựng các cây nước, sản xuất nước đóng chai đủ tiêu chuẩn như FreeWater thì Grab chỉ cần một bình nước lớn loại phổ thông, nước trong bình thì là nước lọc bình thường (do các cửa hàng đối tác châm vào).
Thêm vào đó, Grab tận dụng luôn mạng lưới các nhà hàng, quán ăn rộng khắp của mình để ngay lập tức có thể dễ dàng phủ các bình “biển quảng cáo” này xanh khắp phố phường Hà Nội và TP. HCM. Một chiến dịch rất “khôn” của Grab.
Có thể bạn quan tâm
Grab sắp bước chân vào không gian tiền điện tử?
03:00, 22/03/2024
Thị trường gọi xe Đông Nam Á ra sao nếu Grab và GoTo sáp nhập?
02:00, 11/02/2024
Năm 2023: Startup Grab chiếm 55% thị trường giao đồ ăn tại Đông Nam Á
01:36, 02/02/2024
Grab Ventures: Giúp công ty khởi nghiệp mở rộng mạng lưới và khám phá cơ hội mới
01:10, 24/12/2023