Mỹ sẽ không chỉ gây xung đột thương mại với những đối tác lớn, như EU, Trung Quốc, Nhật Bản…, mà có thể với các những đối tác khác có thặng dư thương mại lớn với Mỹ.
Bởi vậy, các đối tác này cần chớp cơ hội đàm phán để tránh xung đột thương mại với Mỹ. Tuyên bố được đưa ra từ cuối năm ngoái nhưng đến nay Mỹ và Nhật Bản mới chính thức bắt đầu đàm phán để giải quyết xung đột thương mại.
Mỹ- Nhật khởi động đàm phán
Động thái nói trên trở nên cần thiết đối với cả hai bên sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump khuấy động xung đột thương mại bằng cách áp dụng thuế quan bảo hộ thương mại đối với sản phẩm thép và nhôm của Nhật Bản xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Ông Trump còn doạ sẽ áp thuế quan bảo hộ tới 25% đối với xe ô tô của Nhật Bản xuất khẩu vào Mỹ.
Ngoài ra, Mỹ còn cáo buộc Nhật Bản gián tiếp bù trợ xuất khẩu cho hàng hoá của mình bằng chính sách duy trì đồng Yên yếu cũng như chỉ trích hệ thống luật pháp hiện hành của Nhật Bản gây khó khăn và bất công cho doanh nghiệp Mỹ hoạt động tại Nhật Bản.
Thực tiễn từ hơn hai năm nay, cụ thể từ khi ông Trump lên cầm quyền ở Mỹ đến nay, cho thấy đàm phán thương mại với Mỹ luôn rất khó khăn và phức tạp. Dù Nhật Bản là đồng minh quân sự chiến lược truyền thống của Mỹ, nhưng ông Trump vẫn không khoan nhượng.
Khi Mỹ và Nhật Bản nhất trí tiến hành đàm phán về khuôn khổ quan hệ hợp tác kinh tế mới, thì trên thế giới, đặc biệt ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặt ra ngay câu hỏi rằng kết quả của cuộc đàm phán này là thoả thuận song phương, hay Mỹ sẽ tham gia trở lại Hiệp định CPTPP, mà ông Trump đã quyết định rút nước Mỹ ra khỏi.
Thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ liên tục tăng trong những năm qua. Trong đó, năm 2018, mức xuất siêu của Việt Nam sang Mỹ đạt gần 35 tỷ USD so với kết quả hơn 32 tỷ USD của năm 2017.
Trên thực tế, khả năng Mỹ quay trở lại CPTPP không bị loại trừ trên lý thuyết, nhưng gần như khó thành hiện thực, bởi ông Trump cuồng tín quan điểm không ủng hộ thoả thuận đa phương mà chỉ chủ trương theo đuổi thoả thuận song phương, luôn muốn kẻ khác phải chấp nhận chơi cuộc chơi của Mỹ, chứ không chịu chơi cuộc chơi của kẻ khác.
Nguy cơ xung đột thương mại lan rộng
Thực trạng trên cho thấy, trong đàm phán thương mại giữa Mỹ và Nhật Bản về khuôn khổ quan hệ hợp tác mới này, Mỹ không hẳn có ưu thế nổi trội và Nhật Bản cũng bị yếu thế. Bởi vậy, trong chừng mức nhất định, tương quan còn có thể ngược lại.
Liên quan đến nội dung đồng bản tệ mạnh hay yếu mà Mỹ cáo buộc Nhật Bản gây tổn hại cho kinh tế Mỹ, Nhật Bản đã khôn khéo thoả thuận với phía Mỹ là để cho Bộ trưởng Tài chính cùng Thống đốc Ngân hàng trung ương của 2 nước xử lý với nhau. Ông Trump cũng không kiên quyết thúc ép Nhật Bản phải cải tổ luật pháp, bởi việc cải tổ luật pháp ở Nhật Bản không dễ dàng và kéo dài.
Ông Trump doạ sẽ áp thuế quan bảo hộ thương mại cao đối với ô tô của Nhật Bản xuất khẩu vào thị trường Mỹ, nhưng việc áp thuế này không có nhiều tác dụng, bởi đã từ khá lâu, Nhật Bản chuyển sản xuất ô tô từ trong nước sang nước Mỹ.
Một thế mạnh khác của Nhật Bản là đã tham gia CPTPP và đã có FTA với nhiều quốc gia, khu vực khác, nên không thiếu thị trường có thể thay thế cho thị trường Mỹ đối với hàng xuất khẩu của Nhật Bản, trong khi phía Mỹ lại khó khăn ở thị trường Nhật Bản bởi những biện pháp trả đũa thương mại từ phía Nhật. Tuy nhiên, cái khó đối với Nhật Bản là không thể nhượng bộ Mỹ nhiều hơn các tiêu chí chung cho các thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và như đã cam kết trong CPTPP. Bởi vậy, đàm phán thương mại Mỹ- Nhật sẽ khó khăn và kéo dài.
Ngoài ra, Mỹ đang đàm phán thương mại với Trung Quốc và tới đây sẽ đàm phán với EU. Với cả hai đối tác này, cốt lõi cũng là khuôn khổ và cơ chế hợp tác mới giữa hai bên. Nhiều khả năng Mỹ sẽ mở rộng xung đột thương mại với những nước khác có thăng dư thương mại lớn với Mỹ. Vì thế, sẽ rất hữu ích và thức thời nếu các đối tác này chủ động thúc đẩy việc bắt đầu đàm phán thương mại với Mỹ để tránh xung đột.