Chứng khoán khó rơi sâu với COVID-19 lần hai

Theo ĐTCK 31/07/2020 10:00

Làn sóng COVID-19 thứ nhất đã thổi chỉ số VN-Index bay hơn 300 điểm trong thời gian ngắn, làn sóng dịch bệnh thứ hai được nhận định sẽ không tác động mạnh đến thị trường.

Chứng khoán giảm vì nhiều nguyên nhân

TTCK Việt Nam những phiên vừa qua chịu tác động bởi COVID-19 tái xuất hiện, khi có ca lây nhiễm trong cộng đồng từ cuối tuần qua.

Nhưng thực tế, việc thị trường bắt đầu ghi nhận giảm điểm trong phiên giao dịch ngày 24/7 là sự cộng hưởng từ nhiều nguyên nhân.

Trước hết là sự bất ổn của nền kinh tế thế giới khi tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn phức tạp, ảnh hưởng tới khả năng mở cửa nhằm phục hồi nền kinh tế, đồng thời tình trạng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc ở mức cao và không ai lường trước điều gì sẽ xảy ra, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế đang kém khả quan.

Nguyên nhân tiếp theo đến từ mối lo ngại về kết quả kinh doanh quý II/2020 giảm mạnh, thậm chí thua lỗ của nhiều doanh nghiệp.

Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho biết, không chỉ tại Việt Nam, thị trường chứng khoán toàn cầu đang đi vào vùng biến động mạnh khi gặp nhiều tin xấu bủa vây.

Một là, căng thẳng ngoại giao Mỹ - Trung Quốc lên đỉnh điểm khi 2 nước đang có những hành động ăn miếng trả miếng, qua đó châm ngòi cho tâm lý né tránh rủi ro.

Hai là, số ca nhiễm Covid-19 tại Mỹ cũng như một số khác tăng mạnh, sẽ kìm hãm, thậm chí dập tắt sự phục hồi của nền kinh tế.

Ba là, hai đảng của Mỹ bất đồng về các gói cứu trợ. Bốn là, giá vàng đang “mọc cánh” bay cao, khiến dòng tiền chảy từ cổ phiếu sang vàng.

Tuần vừa qua, TTCK Việt Nam ghi nhận tuần giảm mạnh nhất kể từ đáy tháng 3 cho tới nay, mức giảm 4,92% đã đưa Việt Nam trở thành thị trường giảm mạnh nhất trên thế giới.

ảnh 1

So sánh VN-Index và các thị trường quốc tế.

Theo Công ty Chứng khoán Agribank, thị trường có thể xảy ra các kịch bản khác nhau, nhưng khó tránh khỏi nguy cơ tiếp tục giảm.

Đối với kịch bản lạc quan, nếu khối ngoại tiếp tục mua ròng mạnh và có sự tạo lập thị trường ở các mã trụ lớn, trong khi có các thông tin tích cực hơn trong quá trình khoanh vùng dập dịch, thì thị trường sẽ sớm chấp dứt các phiên giảm sâu.

ảnh 2

Giá trị mua/bán ròng khớp lệnh của khối ngoại trên HOSE (tỷ đồng).

Trường hợp xấu hơn, khi dịch lan rộng, thị trường giảm mạnh và rơi vào trạng thái mất thanh khoản, trắng bên mua hàng loạt; lặp lại kịch bản giống như làn sóng hồi tháng 3 tác động.

Kịch bản có xác suất cao nhất là thị trường sẽ tiếp tục có 2 - 3 phiên giảm mạnh, sau đó bắt đầu phân hóa vào những cổ phiếu đầu ngành tại mức định giá hấp dẫn.

Có cơ sở để thị trường vững tâm hơn

“So với lần bùng phát dịch lần thứ nhất, diễn biến của TTCK ở thời điểm hiện tại sẽ không bi quan như vậy và mở ra cơ hội đầu tư mới khi thị trường giảm mạnh”, ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc Phân tích, AGR nhận định và cho biết, có cơ sở để thị trường vững tâm hơn.

Thứ nhất, Việt Nam đã và đang chứng tỏ được công tác phòng chống, dập dịch COVID-19 rất tốt và làn sóng thứ hai nếu bùng phát thì khả năng cao cũng được khống chế thành công.

Thứ hai, sau 6 tháng từ khi COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam, các thông tin về mức độ nguy hiểm cũng như cơ chế vận hành của virus đã rõ ràng hơn. Cả thế giới đang làm quen với “sống chung cùng dịch”, hay “giai đoạn bình thường mới”, khác với giai đoạn trước khi phải “lái xe trên con đường đầy mù sương” và chưa rõ hình hài “kẻ địch” như thế nào.

Thứ ba, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm không quá kém như dự kiến. Rất nhiều doanh nghiệp đầu ngành vẫn có con số tăng trưởng ấn tượng, bất chấp đại dịch và cách ly xã hội như FPT, HPG…

Thứ tư, dư nợ giao dịch ký quỹ (margin) thời điểm cuối qúy II/2020 của 20 công ty chứng khoán lớn nhất là 48.671 tỷ đồng, thấp hơn con số 50.733 tỷ đồng cuối quý IV/2019, trong khi thanh khoản thị trường tăng 50%.

Điều này cho thấy, các nhà đầu tư mới tham gia giai đoạn vừa rồi nhìn chung ít sử dụng margin, áp lực bán giải chấp tới thị trường sẽ thấp hơn so với giai đoạn trước. Trong tháng 8/2020, VN-Index có thể sẽ mất mốc 750 điểm, nhưng mở ra cơ hội mới với các cổ phiếu đầu ngành được định giá rẻ.

Cơ hội sẽ lặp lại

So với thời điểm cuối tháng 3, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại Việt Nam, tâm lý nhà đầu tư ở thời điểm hiện tại được nhìn nhận bình tĩnh hơn trước.

Xét về góc độ phân tích kỹ thuật, trước khi dịch bệnh bùng phát lần 1, tức trước Tết Nguyên đán 2020, thị trường có một nhịp tăng, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng thị trường sẽ tăng mạnh sau kỳ nghỉ Tết, giống như năm 2019. Nhưng tin xấu đến bất ngờ trong kỳ nghỉ kéo dài khiến nhà đầu tư hoảng loạn, bán tháo, dẫn đến thị trường lao dốc.

Sau một nhịp hồi phục mạnh mẽ và kéo dài hơn 2 tháng (từ ngày 1/4 đến 10/6), thị trường chuyển sang giai đoạn “lình xình” tích lũy và nhiều nhà đầu tư chốt lời danh mục đầu tư, giá trị giao dịch giảm đáng kể so với giai đoạn hồi phục trước đó.

Nhà đầu tư “bám sàn” Nguyễn Xuân Hòa cho rằng, nắm giữ cổ phiếu trong giai đoạn này chủ yếu là nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư nhỏ lẻ chỉ giao dịch ngắn hạn hoặc đã rút dần khỏi thị trường, nên tâm lý thị trường ổn định hơn trước rất nhiều.

Thực tế, tín hiệu kỹ thuật đảo chiều giảm xuất hiện từ ngày 20/7, việc xuất hiện thêm thông tin ca nhiễm Covid-19 mới tại Việt Nam chỉ là “giọt nước làm tràn ly”, khiến thị trường điều chỉnh nhanh hơn.

Nhịp điều chỉnh sau một giai đoạn tăng dài và mạnh là bình thường theo quy luật vận động của thị trường.

Với nhiều nhà đầu tư, sau khi chốt lời danh mục ở giai đoạn trước đó thì nhịp giảm do tác động của đợt dịch Covid-19 thứ hai là cơ hội để mua được cổ phiếu tốt với giá rẻ hơn.

“Thị trường biến động mạnh luôn là cơ hội cho những nhà đầu tư có kiến thức và kinh nghiệm cũng như tâm lý vững vàng. Rủi ro chỉ đến với những nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm, không nắm được quy luật vận động của thị trường. Nhịp điều chỉnh đã về gần vùng hỗ trợ mạnh. Trong giai đoạn này, nhà đầu tư cần quan sát diễn biến của dịch bệnh, các biện pháp ứng phó của Chính phủ và phản ứng của thị trường thêm một thời gian để có quyết định đầu tư an toàn”, anh Hòa nói.

Theo MBS, với bối cảnh hiện tại, việc giao dịch ngắn hạn hay lướt sóng nên hạn chế. Cơ hội đầu tư vào các nhóm cổ phiếu nên có tầm nhìn từ 6 tháng đến 1 năm. Nhóm cổ phiếu ưu tiên nên là y tế và thiết bị y tế, lương thực, thực phẩm, các mặt hàng thiết yếu.

Bên cạnh đó là nhóm cổ phiếu phòng thủ như điện, nước, hoặc nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ đầu tư công, từ sự dịch chuyển dòng vốn FDI như bất động sản khu công nghiệp.

Nói về chiến lược đầu tư cụ thể, ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán VietinBank chia sẻ, với nhà đầu tư ưa thích lướt sóng, hành động phù hợp ở thời điểm hiện tại là hạ tỷ trọng cổ phiếu và ưu tiên nắm giữ tiền mặt.

Với các nhà đầu tư trung và dài hạn, khi thị trường giảm điểm là cơ hội thuận lợi để tích lũy thêm các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và hoạt động kinh doanh ổn định, ít bị ảnh hưởng bởi đại dịch, chẳng hạn trong ngành công nghệ thông tin là mã FPT; cổ phiếu được kỳ vọng hưởng lợi từ Hiệp định EVFTA sẽ có hiệu lực vào đầu tháng 8 tới, bao gồm dệt may (TCM, TNG), thủy sản (VHC, MPC, CMX), khu công nghiệp (SZC, KBC, BCM); cổ phiếu có tỷ lệ cổ tức trên thị giá cao hơn lãi suất tiết kiệm gửi ngân hàng…

Có thể bạn quan tâm

  • Thị trường chứng khoán sẽ khó lấy lại ngưỡng 860 điểm

    Thị trường chứng khoán sẽ khó lấy lại ngưỡng 860 điểm

    05:00, 30/07/2020

  • Chứng khoán Việt Nam duy trì đà phục hồi ngắn hạn?

    Chứng khoán Việt Nam duy trì đà phục hồi ngắn hạn?

    04:00, 29/07/2020

  • Kỳ vọng chứng khoán sớm thoát xu thế đi ngang

    Kỳ vọng chứng khoán sớm thoát xu thế đi ngang

    13:09, 24/07/2020

  • Rào cản dòng tiền níu chân thị trường chứng khoán

    Rào cản dòng tiền níu chân thị trường chứng khoán

    10:00, 13/07/2020

  • Kỳ vọng gì vào thị trường chứng khoán 6 tháng cuối năm?

    Kỳ vọng gì vào thị trường chứng khoán 6 tháng cuối năm?

    10:40, 11/07/2020

  • Sức hấp thụ vốn: “Chốt nổ” của chứng khoán cuối năm

    Sức hấp thụ vốn: “Chốt nổ” của chứng khoán cuối năm

    10:00, 10/07/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chứng khoán khó rơi sâu với COVID-19 lần hai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO