“Sau cơn mưa, trời lại nắng” là quy luật của tự nhiên, cũng là quy luật của thị trường.
Việt Nam là một trong số ít quốc gia kiểm soát tốt sự lây lan của đại dịch COVID-19, nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn đang chịu tác động tiêu cực.
Chính phủ Việt Nam đã có những quyết sách mạnh mẽ hỗ trợ nền kinh tế, nhưng một số quyết sách chưa được thực thi và chưa mang lại ngay kết quả. Thực tế, số liệu kinh tế vĩ mô quý II/2020 do Tổng cục Thống kê công bố đã cho thấy rõ bức tranh này.
Do dịch bệnh vẫn đang hoành hành trên nhiều quốc gia nên nhiều tổ chức quốc tế như IMF, WB, OECD đánh giá kinh tế thế giới có khả năng tăng trưởng âm ở mức 5-6%, thậm chí kịch bản xấu có thể lên tới âm 7%.
Tại Việt Nam, nếu khống chế tốt dịch bệnh, nhiều khả năng tăng trưởng GDP Việt Nam có thể đạt trên 3-4%, lạm phát vẫn được kiểm soát dưới 4%.
Nhiều nhà kinh tế lo rằng, tác động của làn sóng COVID-19 thứ 2 có thể khiến nhiều khu vực, các nước lớn chìm sâu vào cuộc khủng hoảng mới. Đây có thể được coi là nguyên nhân khiến kinh tế toàn cầu vẫn khó thoát ra khỏi khó khăn từ nay cho đến cuối năm 2021. Ngay kể cả khi vắc-xin chống COVID được tìm ra cũng sẽ phải cần nhiều thời gian kinh tế mới có thể phục hồi.
Đi ngược lại với nỗi lo chung ấy, TTCK toàn cầu đã không biến động theo xu thế phức tạp của dịch bệnh, thậm chí có sự khởi sắc trong hơn 1 tháng qua. TTCK Việt Nam có sự hồi phục tốt kể từ đầu tháng 4 cho đến khi chạm vùng 750-760 điểm.
Tuy nhiên, kể từ phiên giao dịch 10/6/2020, VN-Index chạm ngưỡng 900 điểm, thị trường dừng tăng và điều chỉnh. Theo đó, chứng khoán Việt Nam đã có hơn 1 tháng đi ngang, chủ yếu dao động 850-880 điểm. Điều gì đã khiến thị trường thiếu sức sống và lạc dòng so với quốc tế là câu hỏi nhiều nhà đầu tư quan tâm trong bối cảnh này.
Diễn biến chỉ số VN-Index từ tháng 10/2019 đến nay.
Thực tế, lý giải cho việc TTCK Việt Nam đi ngang hơn 1 tháng qua thì lý do đầu tiên là số liệu vĩ mô kém khả quan và hoạt động của không ít doanh nghiệp suy yếu.Thực trạng khó khăn của nhiều ngành nghề, của doanh nghiệp ngấm vào nỗi lo của nhà đầu tư là kìm giữ dòng tiền chảy nhanh và mạnh vào cổ phiếu như thời gian trước đây.
Các ngành, lĩnh vực tác động tới tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2020.
Kinh tế Việt Nam dù chưa tăng trưởng âm, nhưng quý II ghi nhận mức tăng trưởng GDP thấp nhất trong 10 năm (chỉ đạt 0,36%) đã khiến tâm lý nhà đầu tư chùng lại.Nếu quý I/2020, số liệu kinh tế chưa phản ánh nhiều thực trạng của kinh tế Việt Nam, thì số liệu quý II đã phản ánh chính xác hơn khó khăn của nền kinh tế. Bức tranh vĩ mô tăng trưởng kém đặt cạnh diễn biến VN-Index đã hồi phục mạnh do tác động tâm lý trước đó đã lôi nhà đầu tư trở lại trạng thái thực, với động thái giao dịch và giải ngân thận trọng hơn. Thanh khoản sụt giảm đã phản ánh khá rõ tâm lý thận trọng của dòng tiền.
Lý do thứ hai là phản ứng của các nhà đầu tư có kinh nghiệm. Theo quy luật, sau một giai đoạn tăng trưởng mạnh về điểm số, thị trường sẽ bước vào giai đoạn hay xu thế điều chỉnh với giá trị giao dịch thấp.
Nhiều cổ phiếu lớn, cổ phiếu vừa và nhỏ đã tăng giá mạnh cần thời gian điều chỉnh để trở nên cân bằng với hiện trạng doanh nghiệp.
Dòng tiền phân hóa với sự tăng giảm đan xen ở nhiều nhóm cổ phiếu đang diễn ra trong giai đoạn này.
Những cổ phiếu dẫn dắt, cổ phiếu đầu ngành như HPG, HSG, VNM, REE, VCB điều chỉnh để nhường chỗ cho các cổ phiếu đặc biệt như CTD, GTN, KDC, DBC, LCG... Theo đó, thị trường đi ngang hiện nay chỉ phản ánh một điều: Hoạt động điều chỉnh của thị trường chung chưa kết thúc.
Thứ ba, khoảng trống thông tin trước mắt cho thấy tương lai khá u ám của kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam.
Nhà đầu tư hờ hững hoặc đợi chờ những thông tin hỗ trợ tích cực hơn trước khi giải ngân cũng là điều dễ hiểu. Khi các nhà đầu tư mua và nắm giữ hoặc đứng ngoài đợi các cơ hội rõ nét thì hệ quả sẽ là thị trường vận động đi ngang, không rõ xu hướng chủ đạo.
Tuy nhiên, quan sát diễn biến dòng tiền và động thái của nhà đầu tư có thể thấy, giai đoạn đi ngang có khả năng chỉ kéo dài thêm 2-3 tuần nữa.
Trung tuần tháng 8, nhiều khả năng thị trường sẽ rõ xu hướng. Ai cũng mong thị trường khởi sắc, nên sang tháng 8, thời điểm các doanh nghiệp niêm yết phải công bố báo cáo soát xét bán niên, có nhiều thông tin tích cực từ doanh nghiệp có thể sẽ là điểm tựa để dòng tiền quay lại với “chứng trường”.
Một kỳ vọng khác đến từ việc sau những thông số vĩ mô của quý II khá yếu ớt, để duy trì tăng trưởng GDP cả năm ở mức 3-4%, chỉ tiêu vĩ mô quý III và quý IV sẽ phải bật mạnh hơn. Nếu điều này diễn ra, cũng có khả năng giúp nhà đầu tư vững tâm và đẩy mạnh đầu tư vào kênh chứng khoán.
Ngoài ra, diễn biến đi ngang của thị trường sẽ kết thúc nếu khối ngoại mua ròng mạnh trở lại. Tuy nhiên, kỳ vọng này khá mong manh trong bối cảnh các quỹ đầu tư toàn cầu đang phải hứng chịu làn sóng rút vốn của các nhà đầu tư.
Liên quan đến kỳ vọng từ các hoạt động hội nhập, kịch bản Bộ Công thương dự kiến là Hiệp định thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm 20% trong 2020 và 42,7% vào 2025 so với trường hợp không có Hiệp định.
Tuy nhiên, tất cả kịch bản này cũng như sự phục hồi trở lại của hoạt động xuất khẩu từ nay đến cuối năm còn tùy thuộc nhiều vào việc kiểm soát dịch bệnh trên quy mô toàn cầu. Đây là thông số kỳ vọng, nhưng không chắc chắn.
Thực tế, nhà đầu tư ngoại vẫn đang bán ra trên TTCK Việt Nam kể từ tháng 2 cho đến nay và chính khối nội, các nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường đang đóng vai trò “gánh team”.
Tuy nhiên, không ít nhà đầu tư kỳ vọng, nhà đầu tư ngoại với tầm nhìn dài hạn và chuyên nghiệp sẽ sớm trở lại TTCK Việt Nam, để dòng tiền khối ngoại và khối ngoại đồng thuận “kéo chỉ số” thoái khỏi xu hướng đi ngang đang hiện hữu.
Rất khó để đưa ra 1 mốc cụ thể về thời điểm TTCK thoát khỏi xu hướng vận động đi ngang, nhưng kỳ vọng triển vọng tăng trưởng kinh tế quý III, quý IV của Việt Nam tốt hơn sẽ là nhân tố chính có khả năng thay đổi trạng thái TTCK nội.
Có thể bạn quan tâm
Kỳ vọng gì vào thị trường chứng khoán 6 tháng cuối năm?
10:40, 11/07/2020
Sức hấp thụ vốn: “Chốt nổ” của chứng khoán cuối năm
10:00, 10/07/2020
Kịch bản nào cho thị trường chứng khoán tháng 7?
06:01, 07/07/2020
Rủi ro “rình rập” chứng khoán Việt Nam
05:00, 26/06/2020
Vòng xoay mới của dòng tiền trên thị trường chứng khoán
11:15, 24/06/2020