Các nhà đầu tư (NĐT) có thể tiếp tục rời xa nhóm đầu cơ và quay lại với nhóm cổ phiếu có xu hướng hưởng lợi từ chính sách vĩ mô.
Tháng 9 vẫn là cao điểm chống dịch COVID-19, khiến nhiều tỉnh, thành vẫn duy trì nhiều biện pháp mạnh tay. Tuy nhiên, tin vui đang dần đến khi số lượng ca nhiễm có xu hướng giảm dần và nhiều tỉnh, thành bắt đầu nới lỏng các áp dụng biện pháp chống dịch để khôi phục kinh tế. Tiêm chủng được thực hiện nhanh chóng trong tháng này, và số lượng vaccine về Việt Nam ngày càng nhiều, đảm bảo cho việc thích ứng với dịch trong thời gian tới. Kỳ vọng của thị trường lại được mở ra với những thông tin trên, cho dù tăng trưởng GDP Q3/2021 sụt giảm rất mạnh 6,17%. Nhà đầu tư (NĐT) tin tưởng rằng, trong quý 4/2021 mọi thứ sẽ quay trở lại và bùng nổ hơn trong năm 2022.
NĐT dường như đã dự liệu con số vĩ mô không tích cực với quý 3, nên VN-Index đi ngang trong vùng 1.330-1.350 điểm. Mặc dù chỉ số chính biến động nhẹ nhưng bên trong lại có khá nhiều câu chuyện diễn ra. Nhóm cổ phiếu lớn, đặc biệt VN30, cùng nhóm cổ phiếu ngân hàng chịu nhiều sức ép chốt lời. Những nhóm cổ phiếu như chứng khoán, thép và cả nhóm bất động sản không còn tạo ra hiệu ứng. Thi thoảng có một vài nhóm như dược phẩm, sau đó cảng biển, sắt thép và thủy sản nổi sóng nhưng không duy trì được lâu. Trong khi đó, nhóm Penny, nhóm đầu cơ tăng rất mạnh, thậm chí có cổ phiếu tăng vài chục lần chỉ trong thời gian rất ngắn như TGG, APG, KHB, TDH... Sự sôi động này thu hút không ít NĐT mới, nhóm F0 tham gia cùng kỳ vọng làm giàu nhanh. Tuy nhiên, khi UBCK thông báo sẽ điều tra về sự tăng giá bất thường của nhiều cổ phiếu thì những quả bóng này bắt đầu xì hơi. Rất nhiều NĐT bị cuốn vào đã không thể bán và thua lỗ nặng.
Đối với những cổ phiếu cơ bản, nhóm VN30, nhóm ngân hàng, sau nhịp bị chốt bán, cũng đã giảm khá nhiều từ đỉnh. Mức giảm nhiều nhất nằm trong vùng 15-25%, nhưng có những cổ phiếu thậm chí giảm hơn 30% như VIB, VIC, VGI... Những cổ phiếu hàng đầu khi xưa như VNM, SAB, VIC, VHM dường như không còn được NĐT quan tâm.
Tình hình thế giới hiện tại cũng có nhiều biến động khó lường có thể tác động mạnh đến TTCK, đến từng ngành nghề. Tại Mỹ, Chủ tịch FED trong bài phát biểu tháng 9 cho biết sẽ thu hẹp chương trình nới lỏng định lượng (QE) vào tháng 11 tới và tăng lãi suất trong năm 2022. TTCK Mỹ liên tục trồi sụt, các chỉ số như DJ30 hay S&P 500 không còn là xu hướng tăng nữa và có dấu hiệu điều chỉnh. Nhiều quốc gia chính thức tăng lãi suất khi nền kinh tế có dấu hiệu nóng lên như Canada, Nauy và Hàn Quốc. Tại Trung Quốc, rất nhiều biến cố đã xảy ra như Công ty Bất động sản lớn nhất thế giới Evergrande có nguy cơ phá sản với khoản nợ 300 tỷ USD. Những công ty như Alibaba, Meituan, Tencent vẫn đang bị ảnh hưởng nặng nề từ chính sách mạnh tay của Chính Phủ. Thậm chí, những tháng gần đây, TQ cũng rất mạnh tay trong việc kiểm soát ô nhiễm môi trường dẫn đến việc cắt điện trên diện rộng gây ảnh hưởng lớn tới nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp nằm trong ngành tiêu thụ điện năng lớn. Thép, hóa chất… chịu tác động này đã đẩy giá mặt hàng này tăng mạnh. Không chỉ có vậy, mùa đông tại Châu Âu và khu vực Bắc Mỹ được dự báo sẽ khắc nghiệt, đẩy giá khí gas, LNG cũng đang tăng rất mạnh.
Như vậy có thể thấy rằng thế giới vẫn đầy bấp bênh trong quá trình hồi phục sau đại dịch. Sẽ có những doanh nghiệp được hưởng lợi từ những sự bấp bênh này giống như ngành vận tải biến, ngành thép được hưởng lợi như vừa qua. Tất nhiên, quá trình này còn diễn ra và chắc chắn sẽ có nhiều doanh nghiệp nhanh chóng thích ứng, biến nó thành lợi thế.
Với những diễn biến như trên, TTCK sẽ có biến động vừa phải trong tháng 10 này. Có lẽ sự phân hóa vẫn tiếp tục diễn ra xung quanh 2 chủ đề chính. Thứ nhất là kết quả kinh doanh (KQKD) quý 3 được công bố. Những doanh nghiệp có KQKD quá tệ so với kỳ vọng sẽ bị bán mạnh. Thứ hai, khả năng mở cửa nền kinh tế của Việt Nam nhanh hay chậm song hành cùng với số ca nhiễm và tỷ lệ tiêm chủng.
Ngoài ra, thị trường sẽ rời xa nhóm đầu cơ và quay lại với những nhóm ngành, những cổ phiếu có xu hướng hưởng lợi từ chính sách vĩ mô trong nước và sự bấp bênh của thế giới. Trên cơ sở này, tại Việt Nam, nhiều khả năng Chính phủ sẽ thúc đẩy đầu tư công tăng mạnh nhờ nguồn lực đang sẵn có. Những nhóm cổ phiếu liên quan sẽ có xu hướng tích cực hơn như thép, xi măng... Với thế giới, nhiều khả năng sự thiếu nguồn cung sẽ xuất hiện khi Trung Quốc tiếp tục siết chặt quản lý môi trường. Nhiều ngành xuất khẩu của Việt Nam sẽ có thể được hưởng lợi, như thủy sản, dệt may và gỗ được hưởng lợi.
Với kịch bản như trên, NĐT nên điều chỉnh dần với danh mục mới và chờ đợi cơ hội sẽ đến, thay vì liên tục mua bán, đặc biệt đối với những cổ phiếu đầu cơ với nền tảng yếu kém.
Có thể bạn quan tâm