Chuyện kinh doanh từ phim Hàn đình đám “Start-up”

QUÂN BẢO 10/02/2021 05:08

Không chỉ là chuyện tình cảm của ba nhân vật chính, bộ phim Hàn Quốc “Start-Up” còn đem đến những bài học rất thực tế về kinh doanh, đặc biệt là khởi nghiệp.

Trong kinh doanh, rất khó để thành công

TRONG PHIM: Samsan Tech - công ty của nhân vật Nam Do San - gặp khó khăn trong nhiều năm, dù cho công ty này có sản phẩm công nghệ rất tốt. Không chỉ vậy, công ty còn gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt đến từ các đối thủ và luôn phải tìm kiếm nguồn đầu tư mới.

Bên cạnh đó, bộ phim còn tái hiện những cảnh gọi vốn, thuyết phục nhà đầu tư rất đặc sắc. Samsan Tech phải giới thiệu sản phẩm, phải chứng minh thị trường có nhu cầu, thuyết trình những chiến lược kiếm tiền từ sản phẩm. Và dĩ nhiên họ chỉ có vài phút để hoàn thành những buổi trình bày này.

THỰC TẾ: Nhiều người chạy theo khởi nghiệp vì nghĩ rằng đây là cách nhanh nhất để làm giàu. Cũng dễ hiểu thôi, vì danh sách những người giàu nhất thế giới hoặc giàu nhất các quốc gia đều là chủ của những công ty, tập đoàn tên tuổi.

Tuy nhiên, khi dấn thân vào kinh doanh, người khởi nghiệp phải hiểu rằng thành công là điều cực kỳ khó khăn. Theo Ủy ban Thống kê Lao động Hoa Kỳ, có khoảng 20% công ty mới phá sản trong vòng 2 năm đầu tiên, và khoảng 45% phá sản trong 5 năm. Chỉ có khoảng 25% tồn tại từ 15 năm trở lên. Và khi phá sản, tất cả số vốn của công ty cũng đổ sông đổ bể.

Phải chấp nhận chuyện mất tiền

TRONG PHIM: Samsan Tech đã phát triển một ứng dụng điện thoại cho người khiếm thị tên NoonGil. Ứng dụng nhanh chóng phổ biến, tuy nhiên, điều này lại khiến Samsan phải gánh chi phí vận hành cực lớn. Không chỉ vậy, NoonGil hướng đến những người khiếm thị, do đó chẳng có đơn vị nào chịu đưa quảng cáo lên ứng dụng này.

Điều này khiến Samsan đứng trước áp lực lớn phải tìm được nguồn đầu tư, nếu không NoonGil sẽ phải đóng cửa. Và cuối cùng, cái kết đẹp đã xảy ra khi một quỹ toàn cầu đã mua lại NoonGil.

THỰC TẾ: Mất tiền, tiêu tốn chi phí tại lúc bắt đầu là điều các công ty phải chấp nhận. Dù rằng sản phẩm công ty có thể tốt, tuy nhiên công ty cần thời gian để đưa sản phẩm ra ngoài thị trường và khiến người tiêu dùng biết đến.

Chỉ khi sản phẩm đã có tiếng và có doanh số ổn định, thì công ty mới bắt đầu thu vào. Chính vì vậy, để mở công ty, người kinh doanh cần phải có một khoản vốn đủ lớn nhất định, ít nhất đủ để gánh chi phí hoạt động thời gian ban đầu.

Tầm quan trọng của làm việc nhóm

TRONG PHIM: Nhân vật Han Ji Pyeong đã đề xuất Samsan Tech nên có một CEO, vì bản thân Nam Do San không đủ sức điều hành công ty. Mặc dù có vẻ khó nghe, thế nhưng lời khuyên này lại cực kỳ chính xác. Sự có mặt của Seo Dal Mi - CEO mới - đã giúp Samsan Tech thành công.

THỰC TẾ: Trong kinh doanh cũng vậy. Một người tài giỏi cũng không thể tự gánh nổi nguyên cả công ty, vì chẳng ai có thể hoàn hảo ở mọi chuyện. Chính vì vậy, người kinh doanh cần biết dựa vào những người khác, dựa vào đồng nghiệp, đội nhóm của mình để phát triển và thành công

Chọn những người biết chia sẻ giá trị

TRONG PHIM: Những lập trình viên của công ty Cheong Myeong rất giỏi, tuy nhiên động lực làm việc chỉ là vì tiền. Chính vì vậy, khi đối thủ của Cheong Myeong trả giá cao hơn, họ đã dứt áo ra đi. Thậm chí những lập trình viên này còn cài một số mã độc vào máy tính, khiến công ty sụp đổ, giúp họ có lý do hợp tình hợp lý để nghỉ việc.

THỰC TẾ: Thường có câu nói: Nên tuyển người phù hợp, chứ đừng tuyển người giỏi. Rõ ràng, các nhân viên phù hợp với chính sách, văn hóa công ty, sẵn sàng làm việc để đem đến sản phẩm và dịch vụ tối ưu sẽ tốt hơn nhiều so với những người giỏi nhưng làm chỉ vì tiền và chỉ làm những việc được yêu cầu. Họ sẽ không trung thành với công ty và dễ dàng nhảy việc nếu thấy mức lương cao hơn.

Làm chủ hay “làm thuê”?

TRONG PHIM: Khi một lập trình viên hỏi nhân vật Han Ji Pyeong rằng liệu họ nên chấp nhận làm việc cho Cheong Myeong, hay nên tự mở công ty riêng, Han đã nói rằng: “Nếu cậu chỉ thích viết code và nhìn code chạy, thì hãy làm việc cho nơi trả lương cao. Còn nếu cậu muốn tự điều hành công ty, thì hãy mở công ty của riêng mình”

THỰC TẾ: Đây là một vấn đề tồn tại trong xã hội hiện nay. Nhiều người cứ nhất quyết mở công ty, đơn giản vì họ thích cảm giác “có tiếng” khi là CEO, khi điều hành nhân viên. Tuy nhiên, họ chưa hiểu được rằng mở một công ty cần nhiều trách nhiệm hơn như vậy.

Vì vậy, nếu một người yêu thích công việc chuyên môn hiện tại, thì có thể làm việc cho những công ty lớn, những nơi có sẵn hệ thống để họ phát huy tối đa khả năng, kỹ năng của mình. Từ đó, họ phát triển, đồng thời công ty cũng phát triển.

Đôi khi, làm thuê còn sướng hơn làm chủ!

Có thể bạn quan tâm

  • Người giỏi cần những dự án lớn: Sự thật bất ngờ về khởi nghiệp nhiều startup không chú ý đến

    Người giỏi cần những dự án lớn: Sự thật bất ngờ về khởi nghiệp nhiều startup không chú ý đến

    04:29, 19/01/2021

  • Startup visa xu hướng của doanh nhân khởi nghiệp Việt

    Startup visa xu hướng của doanh nhân khởi nghiệp Việt

    04:04, 16/01/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chuyện kinh doanh từ phim Hàn đình đám “Start-up”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO