Con đường để đảm bảo kinh tế tư nhân không “cô đơn" cần có vai trò dẫn dắt thị trường của Nhà nước để tạo lập môi trường bình đẳng, xã hội hoá dịch vụ công và giảm chi phí kinh doanh.
Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng khẳng định tại Diễn đàn “Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TƯ: Tiếp tục hoàn thiện môi trường phát triển kinh tế tư nhân”.
Tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XII (tháng 5/2017), kinh tế tư nhân (KTTN) tiếp tục được Đảng ưu tiên phát triển với mục tiêu "thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN".
Chậm và yếu
Thực tế cho thấy, nếu như, năm 2002 đóng góp của KTTN chỉ chiếm 27% thì đến năm 2017 khu vực KTTN đã đóng góp trên 40% GDP, chiếm ưu thế so với khu vực doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đặc biệt, KTTN đã thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế. Tuy nhiên, cũng có những con số thống kê đáng lo ngại, trong 6 tháng 2018 cả cả nước có 64.531 doanh nghiệp thành lập mới nhưng có tới 61.432 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và hoàn tất thủ tục giải thể. Nói cách khác, cứ một doanh nghiệp thành lập lại có một doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể.
Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI: Nếu xét về số lượng thì khu vực kinh tế tư nhân đang chiếm ưu thế so với các khu vực khác. Song, rõ ràng hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước còn chưa được cải thiện đáng kể. Theo nghiên cứu khảo sát của VCCI, gần 70% doanh nghiệp vẫn kinh doanh không có lãi và mặc dù khu vực kinh tế tư nhân trong nước đã đóng góp hơn 40% GDP, nhưng riêng khu vực kinh tế cá thể đã đóng góp tới trên 33% GDP. Nghĩa là số đông trong khu vực kinh tế tư nhân vẫn là các hộ kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hiệu quả hoạt động hầu như chưa có cải thiện trong nhiều năm qua. Trong số các doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động thì doanh nghiệp lớn chỉ chiếm chưa đầy 2%, doanh nghiệp vừa chiếm 2%, còn lại 96% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp; đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu doanh nghiệp và đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, khu vực này đang phải đối mặt với rất nhiều rào cản: Rào cản chưa có sự thống nhất cao về nhận thức, về sự phát triển, rào cản môi trường kinh doanh, sự bất bình đẳng giữa khu vực kinh tế tư nhân và khu vực kinh tế Nhà nước và khu vực FDI…
“Đơn cử như chi phí hành chính hiện tăng gấp đôi so với thực tế, thủ tục hành chính được cải thiện nhưng vẫn nặng nề. Chi phí kinh doanh tại Việt Nam đang tăng nhanh, cao hơn mức tăng năng suất lao động đã kéo theo chi phí phụ trợ khác là gánh nặng cho doanh nghiệp. Mặt khác, liên kết doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn là "ốc đảo, chưa thể hoà hợp"- ông Phòng chia sẻ.
Tuy nhiên, những cải thiện về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh vẫn chưa bền vững và chưa đạt được mục tiêu đề ra; thứ hạng của nhiều chỉ số còn thấp khá xa so với các nước trong khu vực và hầu như không có cải thiện cả về điểm số và thứ hạng trong nhiều năm qua; một số chỉ số quan trọng khác thậm chí còn tụt hạng.
Những hạn chế, yếu kém có nguyên nhân nhiều quy định pháp luật về kinh tế tư nhân chưa được thực hiện nghiêm, môi trường đầu tư kinh doanh còn hạn chế, tiềm ẩn rủi ro và thiếu tính minh bạch. Các thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà, thiếu trách nhiệm, lạm dụng chức quyền, gây khó khăn cho doanh nghiệp tư nhân vẫn còn khá phổ biến…
Có thể bạn quan tâm
17:56, 10/07/2018
15:29, 10/07/2018
14:53, 10/07/2018
14:29, 10/07/2018
13:25, 10/07/2018
11:31, 10/07/2018
01:00, 09/07/2018
Nội lực từ doanh nghiệp
Bên cạnh yếu tố quản lý nhà nước, TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội thẳng thắn: nguyên nhân nội tại rất quan trọng là bản thân nhiều doanh nghiệp Việt chưa đáp ứng được 5 yếu tố quyết định của doanh nghiệp, bao gồm chiến lược kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ, quản lý lao động và đào tạo nguồn nhân lực.
Không ít doanh nghiệp Việt Nam không mấy hứng thú với cách thức phát triển bền vững, chủ yếu phát triển theo hướng “mì ăn liền”, chưa phát triển theo hướng chuyên nghiệp, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Dù Chính phủ có tạo điều kiện nhiều đi nữa nhưng bản thân các doanh nhân, doanh nghiệp không tự làm mới mình thì cũng rất khó để chúng ta chứng kiến bước đột phá trong ngắn và trung hạn. Rất ít các doanh nghiệp thuộc loại tỷ đô của Việt Nam đi lên từ ứng dụng khoa học công nghệ mà chủ yếu là từ lĩnh vực kinh doanh bất động sản hoặc có gắn với kinh doanh bất động sản.
Theo ông Nguyễn Đức Kiên: Để giải quyết tốt mối quan hệ của tam giác phát triển gồm tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và bảo vệ môi trường, đòi hỏi cả từ 2 phía cơ quan quản lý nhà nước và đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam phải có tư duy đột phá.
Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng cho rằng: không chỉ cải cách thể chế kinh tế, môi trường kinh doanh, Nhà nước cần đưa ra chính sách công nghiệp thúc đẩy khu vực tư nhân vươn lên. Đó là, tiếp tục đơn giản hóa tối đa các điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính cho việc thành lập và vận hành doanh nghiệp. Nâng cao năng lực quản trị cho các doanh nghiệp đang hoạt động, bảo đảm hướng tới các chuẩn mực quốc tế trong quản trị doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Để đảm bảo tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, cơ quan quản lý nhà nước và đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam cần có tư duy đột phá để vừa thực hiện tốt việc phát triển kinh tế, đảm bảo lợi nhuận cho đồng vốn đầu tư, nhưng đồng thời cũng phải thực hiện trách nhiệm xã hội để đất nước có thể phát triển bền vững. Ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ trưởng Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục thuế Phát triển khu vực kinh tế tư nhân là một xu thế tất yếu không thể đảo ngược, là đường lối xuyên suốt, nhất quán của Đảng ta. Vấn đề là các cơ chế chính sách cần phải có là những gì, phát triển kinh tế tư nhân theo con đường nào? Hỗ trợ, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân tự hình thành và phát triển; đồng thời đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước và tạo cơ hội cho tư nhân được bỏ vốn vào các doanh nghiệp sau cổ phần hóa. Ông Đào Trung Chính - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên - môi trường) Vẫn còn không ít tồn tại, bất cập trong việc để doanh nghiệp tư nhân tiếp cận đất đai. Tổng cục Quản lý đất đai sẽ tiếp thu, tập hợp các ý kiến góp ý để xem xét đưa vào dự thảo điều chỉnh Luật Đất đai sắp tới để giải quyết thỏa đáng lợi ích của người dân, doanh nghiệp. TS Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên HĐTV Chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia Hiện nguồn vốn dành cho khu vực kinh tế tư nhân còn khá khập khiễng, chưa có sự cân đối. Cụ thể, với vốn tín dụng dành cho khu vực tư nhân, riêng ngân hàng chiếm khoảng 41-42% nguồn vốn cho khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là cho vay cá thể, hộ kinh doanh chiếm khoảng 30%. Trong khi đó, nguồn vốn nhà nước còn có hai quỹ rất quan trọng dường như bị bỏ quên là quỹ phát triển doanh nghiệp, quỹ bảo lãnh vay vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa. ThS. Đinh Tuấn Minh - Giám đốc Nghiên cứu Công ty Nghiên cứu thị trường VietAnalytics Một nghiên cứu gần đây về các rào cản đối với khu vực doanh nghiệp tư nhân của trường Đại học kinh tế quốc dân cho thấy khu vực kinh tế tư nhân vẫn tiếp tục gặp nhiều rào cản gia nhập ngành, khó tiếp cận vốn ngân hàng và gặp nhiều khó khăn liên quan đến các thủ tục thuế và hải quan. |