Cơ hội cho gạo Việt

HÀ THU 12/01/2024 15:10

Giá gạo xuất khẩu Việt Nam trong những ngày đầu năm 2024 tiếp tục duy trì ở mức cao nhất thế giới. 

>>Xuất khẩu gạo tiếp đà tăng tốc năm 2024

Tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, ngày 9/1 vừa qua giá gạo Việt loại 5% tấm đang giao dịch ở mức 653 USD/tấn, loại 25% tấm ở mức 633 USD/tấn. Giá gạo Việt Nam cao hơn Ấn Độ, Pakistan, và cả Thái Lan.

Còn theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, năm 2023, xuất khẩu gạo cả nước đạt 8,13 triệu tấn với trị giá 4,7 tỷ USD - mức kỷ lục của ngành hàng lúa gạo Việt Nam. So với 2022, xuất khẩu gạo tăng 14,4% về lượng và 35,3% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Việt Nam là nước sản xuất gạo lớn thứ năm thế giới và là nhà xuất khẩu lớn thứ ba thế giới (tính theo sản lượng). Dù ảnh hưởng bởi El Nino, sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng đột biến.

Xuất khẩu gạo Việt Nam lập kỷ lục mới.

Xuất khẩu gạo Việt Nam lập kỷ lục mới.

Theo phân tích của các doanh nghiệp, xuất gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh kể từ khi Chính phủ Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati vào tháng 7/2023. Tới nay, lệnh cấm này chưa gỡ bỏ nên kỳ vọng xuất khẩu gạo trong năm 2024 sẽ có nhiều dấu hiệu tích cực.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, 2023 là một năm rất thành công đối với ngành gạo và là năm mà ngành lúa gạo Việt Nam xác lập 2 kỷ lục mới đó là giá lúa gạo xuất khẩu của Việt Nam cao chưa từng có trong lịch sử ngành hàng. Thứ hai là sản lượng gạo xuất khẩu lập đỉnh 8 triệu tấn. 

Bày tỏ lạc quan về tình hình xuất khẩu gạo, ông Lê Thanh Hoà, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng chế biến và Phát triển thị trường, Bộ NN&PTNT nhận định, tình hình tiếp tục thuận lợi trong nửa đầu năm 2024, tuy nhiên cần tiếp tục cơ cấu lại ngành lúa gạo theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị, đảm bảo gia tăng về giá trị hơn gia tăng về số lượng.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Thái Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An khẳng định, giá gạo Việt Nam đang cao hơn Thái Lan không phải "ăn may" mà nhờ sự đầu tư bài bản của nông dân. Theo ông Bình, trong năm 2024, giá gạo dự báo tiếp tục neo ở mức cao. Việt Nam cần tận dụng các cơ hội trên thị trường khi nhu cầu tiêu thụ lúa gạo vẫn đang rất lớn. 

>>Xuất khẩu gạo "lập đỉnh" và yêu cầu phát triển bền vững

Theo ông Bình, để phát triển ngành gạo, cần có sự liên kết doanh nghiệp và nông dân để đôi bên cùng có lợi." Chính phủ cũng đã có Đề án 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp. Nếu thực hiện thành công đề án này, nông dân chắc chắn sẽ có lãi và doanh nghiệp thu về lợi nhuận lớn", ông Bình nói.

Phân tích lý do vì sao giá gạo Việt Nam lập kỷ lục mới, GS. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng danh dự Trường Đại học Nam Cần Thơ cho rằng, do gạo ngắn ngày của Thái Lan, Ấn Độ không thơm như Việt Nam. Nhờ có những giống mới, gạo Việt vượt trội lên. Đặc biệt, trong khi các đối thủ sản xuất gạo của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, Việt Nam vẫn bố trí vùng lúa cao sản 3-4 vụ nhờ biết "sống" chung với biến đổi khí hậu nên nguồn cung vẫn dồi dào.

Liên quan đến các yếu tố hỗ trợ giá gạo, ông Nguyễn Đức Dũng, Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam cho rằng, về mặt lý thuyết, khi giá gạo cao thì khuyến khích các nước gia tăng sản xuất, nhưng do năm 2024 thời tiết không thuận lợi ở nhiều khu vực, nên nhiều quốc gia bị giảm sản lượng trong quý I/2024. Elnino vẫn tiếp tục giữa năm 2024, dẫn tới nguồn cung thấp nên đây vẫn là yếu tố hỗ trợ giá gạo tiếp tục cao trong thời gian tới.

Thực tế cho thấy, bên cạnh cơ hội thì thách thức lớn nhất của ngành lúa gạo Việt Nam là đa phần chưa có thương hiệu; tỷ trọng xuất khẩu các sản phẩm chất lượng thấp vẫn còn cao. Để đạt được mục tiêu xuất khẩu gạo năm 2024 bằng năm 2023 nhưng vẫn bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, cần phải thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp sản xuất và phát triển thị trường xuất khẩu.

Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân “hiến kế”, ngành lúa gạo cần kiên trì chiến lược phát triển hạt gạo theo hướng chất lượng và giá trị. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp giám sát chặt chẽ trong sản xuất, đẩy mạnh liên kết sản xuất gạo chất lượng cao, chuyển dịch cơ cấu, chủng loại... nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, phù hợp với Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam đến năm 2030.

Được biết, hiện nhiều doanh nghiệp lớn của cả nước đã và đang “bắt tay” với người nông dân nhằm tạo ra chuỗi cung ứng bền vững cho ngành lúa gạo. Đồng thời dần hướng tới sản xuất gạo theo đúng tiêu chuẩn mà thị trường yêu cầu. Sản xuất thứ mà thế giới cần thay vì thứ mà ta có chính là giải pháp quan trọng giúp phát triển bền vững ngành lúa gạo Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm

  • Xuất khẩu gạo tiếp đà tăng tốc năm 2024

    03:30, 29/12/2023

  • Xuất khẩu gạo "lập đỉnh" và yêu cầu phát triển bền vững

    10:00, 18/12/2023

  • Quy định về ủy thác xuất khẩu gạo nguy cơ hạn chế cơ hội của các doanh nghiệp nhỏ

    03:00, 08/10/2023

  • Giá xuất khẩu gạo Việt “đắt” nhất thế giới: Vừa mừng vừa lo!

    05:00, 23/08/2023

  • Tăng cường vốn cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo

    15:00, 19/08/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cơ hội cho gạo Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO