Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ đã có bước tăng trưởng “thần tốc”, chỉ riêng tháng 1/2019 đã đạt hơn 5,151 tỷ USD, tăng tới 42,1% so với cùng kỳ 2018.
Đó là thông tin được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra tại hội thảo “Quan hệ thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ: Thời cơ và vận hội mới” do VCCI chi nhánh TP HCM tổ chức.
Theo đại diện VCCI, sau 25 năm kể từ khi bình thường hóa quan hệ, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã tăng gần 120 lần, từ mức 450 triệu USD năm 1994 lên hơn 60 tỷ USD vào năm 2018. Hiện Việt Nam đứng thứ 16 trong số các đối tác thương mại hàng đầu của Hoa Kỳ và tăng trưởng thương mại giữa hai nước hàng năm đạt bình quân 20%. Bước sang năm 2019, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ đã có bước tăng trưởng “thần tốc”, chỉ riêng tháng 1/2019 đã đạt hơn 5,151 tỷ USD, tăng tới 42,1% so với cùng kỳ 2018. Với con số này, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ đã cao hơn 4,7 lần tốc độ bình quân của tất cả các thị trường khác.
Có thể bạn quan tâm
05:39, 26/04/2019
00:00, 26/04/2019
16:19, 25/04/2019
07:09, 25/04/2019
Đáng lưu ý, dệt may là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất sang Hoa Kỳ, đạt 1,591 tỷ USD tăng 34,1%. Ngoài dệt may, các nhóm hàng chủ lực khác là giày dép 620 triệu USD, tăng hơn 100 triệu USD; gỗ và sản phẩm gần 475 triệu USD, tăng 156 triệu USD; điện thoại sang Hoa Kỳ đạt gần 473 triệu USD, tăng tới 121%, tương đương con số tăng thêm 259 triệu USD…
Nhận định về cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào thị trường Mỹ, nhiều chuyên gia tại hội thảo cho rằng, giai đoạn này là thời cơ và vận hội mới cho doanh nghiệp Việt có thể dễ dàng gia tăng sự hiện diện sản phẩm của mình vào thị trường Mỹ, một thị trường được xem là “khó tính” bấy lâu nay.
Tại hội thảo chia sẻ về các chính sách của Mỹ trong quan hệ thương mại, ông Herb Cochran – Chuyên gia Cao cấp, Dự án Tạo thuận lợi thương mại Amcham cho biết, chính sách thương mại hiện tại của Tổng thống Trump dựa trên các nguyên tắc có từ thời lập quốc. Trong bài Diễn văn từ biệt, Tổng thống Washington đã cảnh báo người dân của mình rằng trong đàm phán thương mại “Đừng bao giờ trông chờ, hay kỳ vọng sự hỗ trợ không vụ lợi giữa các quốc gia với nhau".
Ông Herb Cochran cũng khuyên rằng các thỏa thuận thương mại chỉ nên mang tính "tạm thời" và "sẽ bị vứt bỏ hay thay đổi tùy theo tình hình thực tế và kinh nghiệm". Những tuyên bố này đặt nền tảng cho chính sách thương mại thực dụng, linh hoạt và tập trung tối đa vào lợi ích quốc gia của Mỹ”. Ông cũng nhắc nhở các doanh nghiệp tham gia vào thị trường Mỹ cần lưu ý mục 301 Đạo luật Thương mại 1974 của Mỹ, cho phép Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) ngừng các hiệp định thương mại ưu đãi hoặc áp thuế nhập khẩu nếu Cơ quan này nhận định đối tác thương mại của Hoa Kỳ đang vi phạm các cam kết trong giao ước thương mại hay thực hiện các hành vi phân biệt đối xử hoặc bất hợp lý gây phương hại hoặc cản trở thương mại của Hoa Kỳ .