Dù thị trường chứng khoán đã hồi phục trở lại sau chuỗi ngày "đỏ sàn" vì dịch cúm corona, nhưng nhiều cổ phiếu ngành bia vẫn chìm trong sắc đỏ.
Tính từ phiên giao dịch mở cửa sau Tết canh tý, giá cổ phiếu SAB của Tổng Công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) giảm mạnh từ mức 212.000đ/cp xuống còn 190.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 6/2, tương đương với mức giảm hơn 10% sau 5 phiên giao dịch. Theo đó, vốn hóa thị trường của SAB đã "bốc hơi" hơn chục nghìn tỷ đồng.
Theo các chuyên gia phân tích, với việc trượt khỏi mốc giá trên 200 ngàn đồng/cổ phiếu, thì xu hướng dài hạn của cổ phiếu SAB vẫn trong nhịp giảm.Tiếp theo đó là thị giá của hàng loạt các công ty con dưới trướng SAB cũng bị giảm mạnh, chưa có một phiên hồi phục.
Cổ phiếu của ông lớn thứ hai ngành bia rượu Việt Nam là BHN của Tổng Công ty CP Bia- Rượu- Nước giải khát Hà Nội (Habeco) cũng giảm mạnh. Tính đến phiên giao dịch ngày 6/2, cổ phiếu BHN chạm mức 61 ngàn đồng/cổ phiếu, giảm đến gần 16% kể từ khi thị trường chứng khoán mở cửa trở lại sau Tết Nguyên đán. Habeco vốn đã phải lo lắng về việc mất thị phần vào tay Sabeco và Heineken, thì nay lại phải đối diện nhu cầu tiêu thụ sụt giảm mạnh.
Có thể bạn quan tâm
04:00, 17/01/2020
01:00, 09/01/2020
11:00, 21/12/2019
13:37, 29/08/2019
16:59, 07/05/2019
11:30, 29/04/2019
Theo các chuyên gia SSI, nhu cầu tiêu dùng bia sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch cúm corona, do người tiêu dùng tránh đến những nơi công cộng, giảm tụ tập và chi tiêu bên ngoài. Ngoài ra, ngành bia còn chịu tác động tiêu cực từ Nghị định 100/2019/NĐ-CP liên quan đến việc hạn chế tác hại của bia rượu, có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.
Hơn nữa, mức định giá (theo P/E) của SAB và BHN hiện ở mức cao, lần lượt là 24.83 và 25.14, điều này có thể khiến các cổ phiếu này rất dễ tổn thương trong bối cảnh các doanh nghiệp ngành bia rượu đang chịu tác động tiêu cực từ dịch cúm corona và Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Sabeoco mới đây công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2019 với doanh thu thuần 9.729 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ năm trước. Dù vậy, lợi nhuận sau thuế quý 4/2019 của Sabeco vẫn tăng trưởng 18% lên 1.090 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2019, Sabeco đạt doanh thu thuần 37.899 tỷ đồng, tăng 5% và lợi nhuận sau thuế 5.370 tỷ đồng, tăng 22% so với năm trước. Đây cũng là con số lợi nhuận kỷ lục của Sabeco từ trước tới nay. Theo đó, thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) năm 2019 của Sabeco đạt 7.477 đồng.
Còn với Habeco, theo báo cáo tài chính quý 4/2019, doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt 2.769 tỷ đồng, tăng 9,3% và lợi nhuận sau thuế 67,2 tỷ đồng, tăng 579%. Lũy kế cả năm 2019, Habeco ghi nhận doanh thu thuần 9.439 tỷ đồng, tăng gần 4%; lợi nhuận sau thuế 539,5 tỷ đồng, tăng 11,3% so với năm 2018. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) năm 2019 đạt 2.377 đồng/cổ phiếu.
Tuy nhiên, các chuyên gia tài chính cho rằng, với tác động kép tiêu cực nói trên, thì lợi nhuận của Sabeco và Habeco năm 2020 có thể sẽ giảm mạnh. Mới đây, Bloomberg đã đưa ra nhận định doanh số bán bia tại Việt Nam đã giảm ít nhất 25% do tác động từ Nghị định 100/2019/NĐ-CP, đó là chưa kể tác động từ dịch cúm corona.
Trước tác động từ dịch cúm corona và Nghị định 100/2019/NĐ-CP, nhiều chuyên gia cho rằng cổ phiếu của các doanh nghiệp bia, rượu, đặc biệt là cổ phiếu SAB, sẽ còn điều chỉnh trong ngắn và trung hạn.