Lần đầu tiên cổ phiếu TCB của Ngân hàng TPCP Kỹ thương Việt Nam tăng trần, dư mua hàng triệu đơn vị, khiến nhà đầu tư ấm lòng sau nhiều thời gian nắm giữ.
Phiên giao dịch ngày 8/6, VN-Index 2,5% lên 816,42 điểm; HNX-Index tăng 1,62% lên 110,06 điểm và UPCom-Index tăng 1,04% lên 52,91 điểm.
Điểm tích cực trong phiên hôm nay là khối ngoại đang trở lại mua ròng hơn 62 tỷ đồng, chấm dứt 26 phiên bán ròng trước đó, tập trung vào VCB, VHM, VNM… Ngoài ra, hàng loạt nhóm ngành khác như chứng khoán, bất động sản, xây dựng, khu công nghiệp, dầu khí…cũng thu hút dòng tiền và tăng khá tốt.
Phiên giao dịch ngày 8/6 khép lại với tâm điểm là cổ phiếu ngân hàng CTG, HDB, TCB, VPB. Trong đó, TCB là tâm điểm thu hút sự chú ý đặc biệt của giới đầu tư. Với 7,2 triệu cổ phiếu khớp lệnh, TCB chỉ đứng sau về thanh khoản so với cổ phiếu CTG và VPB. Cổ phiếu TCB đã tăng hết biên độ cho phép, cán mốc 18.900 đồng/cổ phiếu, tăng 6,78%.
Theo chị Nguyễn Mai Lan- Nhà đầu tư trên sàn VPS, sở dĩ cổ phiếu TCB có động lực giao dịch trở lại do Quỹ hoán đổi danh mục ETF VFMVN Diamond dự kiến mua 11% cổ phiếu TCB. Quỹ này sẽ giao dịch ngày đầu tiên trên HoSE vào ngày 12/5 tới với 10,2 triệu đơn vị, tương đương vốn điều lệ 102 tỷ đồng. Công ty quản lý quỹ này là Công ty Quản lý quỹ Đầu tư Việt Nam (VFM).
Theo báo cáo tại ngày 7/5, giá trị tài sản ròng (NAV) của quỹ hiện là 113,7 tỷ đồng, tương đương 11.146 đồng/chứng chỉ quỹ. Số lượng lô ETF đăng ký mua tối thiểu trong giao dịch hoán đổi là 1 lô (tương đương với 100.000 chứng chỉ quỹ). Đây là quỹ mô phỏng theo chỉ số VN Diamond Index được xây dựng bởi HoSE, tiêu chí lựa chọn quan trọng là các cổ phiếu đã gần hết room ngoại (tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài). Theo danh mục dự kiến kỳ tháng 4, rổ chỉ số gồm 14 cổ phiếu thành phần chiếm khoảng 15% tổng giá trị vốn hóa thị trường.
Trong đợt phát hành chứng chỉ quỹ lần đầu ra công chúng (IPO) trong thời gian 3/3-26/3, VFM đã huy động được 102 tỷ đồng từ 3 nhà đầu tư và đã tổ chức Đại hội nhà đầu tư vào ngày 4/5 để thông qua ban đại diện quỹ VFMVN Diamond ETF và ngân hàng giám sát là Vietcombank – chi nhánh TP HCM.
Ngoài ra, kết quả kinh doanh quý 1 của TCB rất tích cực cũng góp phần thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư. Kết thúc quý 1/2020, doanh thu của Ngân hàng đạt 6.030 tỷ đồng, tăng 37,3% so với cùng kỳ 2019. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.506 tỷ đồng, tăng 19,8% so với cùng kỳ 2019.
Cụ thể, thu nhập lãi thuần đạt 4.212 tỷ đồng, tăng 22,8% so với quý 1/2019. Thu nhập từ hoạt động dịch vụ đạt 862 tỷ đồng, tăng 73,1% so với cùng kỳ năm ngoái, và chiếm 14,3% doanh thu, cao hơn mức 11,3% trong quý 1/2019, với sự đóng góp đáng kể từ mảng bảo lãnh phát hành trái phiếu.
Chi phí hoạt động trong quý 1 năm 2020 là 2.138 tỷ đồng. Tỷ lệ chi phí trên thu nhập đạt 35,4%, so với mức 36,6% cùng kỳ năm ngoái và mức 35,3% của quý 4/2019. Chi phí dự phòng của quý 1/2020 của TCB tăng lên 772 tỷ đồng, so với mức dự phòng 167 tỷ đồng của quý 1/2019, thể hiện sự thận trọng của Ngân hàng trong việc chủ động trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu.
Tính đến thời điểm này, tổng tài sản của ngân hàng đạt 391,8 nghìn tỷ đồng, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm ngoái, và tăng 2,1% so với thời điểm cuối 2019. Tổng dư nợ tín dụng của khách hàng tại 31/3/2020 đạt 265,4 nghìn tỷ, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước và tăng 2,9% so với cuối năm 2019.
Ban lãnh đạo TCB cho biết, hiện ngân hàng duy trì thanh khoản dồi dào với tỷ lệ cho vay trên tổng tiền gửi đạt 76,8%, và tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung-dài hạn là 30,7%, tốt hơn mức 38,4% vào thời điểm cuối năm 2019. Ngân hàng cũng duy trì vị thế vốn hàng đầu Việt Nam với tỷ lệ an toàn vốn (CAR) cuối kỳ theo Basel II đạt 16,6%, cao hơn gấp đôi so với yêu cầu tối thiểu của trụ cột I Basel II (8%) và cao hơn mức 15,5% tại thời điểm 31/12/2019.
Tại thời điểm 31/03/2020, tỷ lệ nợ xấu của TCB giữ ở mức 1,1%, thấp hơn mức 1,3% tại 31/12/2019 và 1,8% tại 31/03/2019. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng tại thời điểm 31/03/2020 là 117,9%...
Có thể bạn quan tâm