Có thị phần lớn, vì sao top đầu ví điện tử MoMo, VNPay, ZaloPay "bắt tay" cùng Visa?

L.MỸ 24/05/2024 16:00

Theo dự báo của FiinGroup, lượng người dùng ví điện tử tại Việt Nam được dự báo sẽ tăng 40% so với năm 2023, đạt 50 triệu ví điện tử vào thời điểm cuối năm 2024.

>>>Thị phần thanh toán ví điện tử: Cuộc đua sát nút

Dự báo  dựa trên đà tăng trưởng đáng chú ý trong những năm gần đây khi nhiều tiện ích của ví điện tử được ghi nhận như dễ dàng sử dụng, trải nghiệm thân thiện, thao tác nhanh chóng, đa dịch vụ, tốc độ giao dịch và an toàn. Sức tăng này cũng phù hợp với thị hiếu tiêu dùng khi ngày càng có nhiều người hưởng ứng loại hình thanh toán không tiền mặt hơn ở Việt Nam.

Trải nghiệm thanh toán bằng mã QR

Trải nghiệm thanh toán bằng mã QR

Đón đầu xu thế, Visa, công ty thanh toán điện tử hàng đầu thế giới, công bố hợp tác với 3 ví điện tử phổ biến hàng đầu tại Việt Nam – MoMo, VNPAY và ZaloPay – nhằm mang đến trải nghiệm thanh toán thuận tiện hơn cho chủ thẻ tại các đơn vị kinh doanh vừa và nhỏ (SME). Với quan hệ hợp tác mới này, chủ thẻ Visa sẽ có thể kết nối thẻ Visa làm nguồn tiền thanh toán khi thanh toán bằng mã QR trên MoMo, VNPAY-QR và ZaloPay tại đơn vị kinh doanh đã triển khai chấp nhận thanh toán với 3 ví điện tử kể trên. Sự hợp tác nằm trong nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi số của Visa hướng tới xã hội không tiền mặt ở Việt Nam, thông qua cung cấp đa dạng phương thức thanh toán, từ đó mang đến nhiều lợi ích cho cả đơn vị kinh doanh và người tiêu dùng.

Một nghiên cứu khác của Visa cũng về Thái độ thanh toán của người tiêu dùng năm 2023 cũng cho thấy sức hút của thanh toán không dùng tiền mặt đang tăng lên mỗi ngày. Theo đó, có đến 88% người dùng Việt Nam đang ưu tiên thanh toán không sử dụng tiền mặt và 62% người dùng đã và đang sử dụng thanh toán QR – so với tỉ lệ sử dụng năm 2021 chỉ ở mức 35%.

Chia sẻ về lựa chọn hợp tác giữa các "ông lớn", đại diện của các doanh nghiệp bày tỏ sự vui mừng với phát triển phương thức thanh toán an toàn và hiệu quả cho tất cả mọi người ở khắp mọi nơi trên cả nước. Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa Việt Nam và Lào, nhận định Việt Nam đang từng bước chuyển mình trở thành một xã hội không dùng tiền mặt, và tiến trình này sẽ được thúc đẩy nhanh hơn nhờ khối SMEs sẵn sàng đổi mới, mang đến cho người tiêu dùng những giải pháp thanh toán số tiên tiến, sáng tạo.

"SMEs hiện chiếm một trọng số lớn trong nền kinh tế Việt Nam và hợp tác lần này góp phần then chốt trong nỗ lực của Visa và các đối tác trong việc thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số và nền tài chính toàn diện”, bà Dung nói và cũng cho biết thêm, việc tích hợp Visa trở thành nguồn tiền thanh toán trong 3 ứng dụng ví điện tử phổ biến hàng đầu tại Việt Nam sẽ mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Đặc biệt đối với các SME, điều này có nghĩa doanh nghiệp sẽ hưởng lợi nhiều hơn từ việc mở rộng tệp khách hàng, đồng thời thúc đẩy doanh số bán hàng thông qua cung cấp trải nghiệm tốt hơn cho người tiêu dùng khi họ có nhiều lựa chọn thanh toán kỹ thuật số hơn. 

>>>3 xu hướng nổi trội định hình tương lai thanh toán tại Việt Nam

Ông Đỗ Khắc Cường - Phó Tổng Giám đốc Khối kinh doanh Dịch vụ Thanh toán của MoMo, bày tỏ với hợp tác này, MoMo sẽ giúp Visa mở rộng quy mô các điểm chấp nhận thanh toán trên toàn quốc một cách nhanh chóng – đây cũng là lợi thế lớn của MoMo. Sự hợp tác, với trên 30 triệu người dùng của ví này, dự kiến sẽ mang đến nhiều hơn các trải nghiệm và ưu đãi.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Phúc - Phó Tổng Giám đốc VNPay - chia sẻ, đến nay ví VNPay đã phát triển một hệ sinh thái tiện ích toàn diện, từ thanh toán, mua sắm đến di chuyển và giải trí. Đặc biệt, tính năng thanh toán qua mã VNPay-QR đã trở nên quen thuộc với người dùng. Ông Phúc nhấn mạnh việc hợp tác giữa Visa và VNPay giúp chủ thẻ Visa tận hưởng phương thức thanh toán VNPay-QR một cách toàn diện hơn. Từ đó, thúc đẩy khách hàng mua sắm, tăng doanh số bán hàng cho các đối tác chấp nhận thanh toán VNPay-QR.

Từ phía ZaloPay, ông Trần Bá Khôi Nguyên - Giám đốc Tài chính cũng cho biết, trong nỗ lực mang đến các gói giải pháp toàn diện từ phương thức thanh toán đến các dịch vụ tiếp thị, giúp doanh nghiệp phát triển và gia tăng trải nghiệm khách hàng, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến nhóm doanh nghiệp SMEs. "Chúng tôi không ngừng mở rộng hợp tác nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tự tin triển khai hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, với chi phí vận hành thấp nhất nhưng vẫn đảm bảo lợi ích nhiều nhất. Mục đích cuối cùng là để giúp nâng cao trải nghiệm thanh toán của nhóm khách hàng cuối", ông Khôi nói.

Sự hợp tác của các bên cũng được đón nhận và cam kết từ phía Sacombank, đơn vị mà theo bà Nguyễn Phương Huyền, Phó Giám Đốc phụ trách khối cá nhân kiêm Giám Đốc Trung Tâm phát triển sản phẩm Sacombank, cho biết, hiện đang dẫn đầu về mạng lưới chấp nhận thanh toán tại Việt Nam nhờ luôn tiên phong triển khai đa dạng các phương thức thanh toán hiện đại, được xây dựng tương thích với nhu cầu kinh doanh của doanh nghiệp từ thanh toán online đến offline, từ doanh nghiệp kinh doanh chuỗi đến các hộ kinh doanh nhỏ lẻ.

Tại nghiên cứu của FiinGroup, đơn vị này ghi nhận giai đoạn 2018-2023, số lượng và giá trị giao dịch thông qua ví điện tử liên tục đạt mức tăng trưởng hai con số, với tốc độ hàng năm lần lượt là 80,4% và 83,5%. 

FiinGroup cũng ghi nhận tỷ lệ thanh toán thông qua phương thức sử dụng điện thoại thông minh ước đạt 73,5% năm 2022, tương đương gần 72,5 triệu người và được dự báo đạt khoảng 82,2 triệu vào 2025. 

Thị phần ví điện tử quý I/2023

Thị phần ví điện tử quý I/2023

Trước đó, khảo sát năm 2022 của Visa dẫn thống kê của nền tảng dữ liệu Statista (Đức), cho thấy Việt Nam đứng thứ 3 Đông Nam Á về lượng ví điện tử, sau Indonesia và Philippines. Cả 3 cũng nằm trong top đầu khu vực này về mức độ phổ biến của ví điện tử trong thanh toán kỹ thuật số. Statista dự báo đà tăng trưởng sẽ tiếp tục duy trì đến 2026, khi lượng ví điện tử của Indonesia, Philippines và Việt Nam lần lượt là 215,7 triệu, 69,8 triệu và 67,6 triệu. Như vậy, ví điện tử vẫn đã và đang trên đà bùng nổ ở Việt Nam, với chất xúc tác là các công ty trung gian thanh toán đã và đang đẩy mạnh các hoạt động.

Tuy nhiên, theo đánh giá của FiinGroup, dù đông đảo các công ty trung gian thanh toán - Fintech tham gia thị trường, song lượng người dùng ví điện tử vẫn chỉ tập trung ở một số ông lớn như MoMo, Shopee Pay và VNPay. 

Ở một số báo cáo, nghiên cứu thị trường của các công ty khác, dữ liệu về thị phần ví điện tử có sự thay đổi, theo đó đầu 2023, có có sự vươn lên và chia sẻ thị phần của ZaloPay, ViettelPay...

Có thể bạn quan tâm

  • Tạo hành lang pháp lý để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

    Tạo hành lang pháp lý để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

    04:50, 17/06/2023

  • Kết nối dữ liệu để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

    Kết nối dữ liệu để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

    17:30, 16/06/2023

  • Thanh toán không dùng tiền mặt đột phá, nhưng lan tỏa còn khó khăn

    Thanh toán không dùng tiền mặt đột phá, nhưng lan tỏa còn khó khăn

    13:26, 26/05/2023

  • Nâng tầm thanh toán không dùng tiền mặt

    Nâng tầm thanh toán không dùng tiền mặt

    16:00, 28/02/2023

  • Thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng mạnh

    Thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng mạnh

    02:00, 26/12/2022

  • NAPAS: Đẩy nhanh dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt ở vùng sâu, vùng xa

    NAPAS: Đẩy nhanh dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt ở vùng sâu, vùng xa

    20:53, 20/12/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Có thị phần lớn, vì sao top đầu ví điện tử MoMo, VNPay, ZaloPay "bắt tay" cùng Visa?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO