Những “nạn nhân” bị ô tô đỗ chắn trước cửa nhà, bịt lối ra vào, luôn bức xúc cực độ với “vấn nạn” này và cho rằng: nhiều người có tiền mua ô tô mà không mua được ý thức.
>>Đỗ xe ô tô trước cửa nhà, hàng quán: Cư xử thế nào khi không có quy định xử phạt?
“Vấn nạn” đỗ xe chắn cửa
“Làm người phải có ý thức, có tiền mua ô tô thì phải lo được chỗ gửi. Đây ăn vạ trước lối ra vào nhà người ta cả tháng nay. Đồ vô văn hóa- giẻ rách”. Đây là lời “nhắn nhủ” của một chủ nhà, viết trên giấy trắng, dán lên cửa kính chiếc ô tô đỗ chắn cửa, vừa gây xôn xao cộng đồng mạng.
“Vấn nạn” đỗ xe chắn cửa nhà người khác khiến chủ nhà gặp khó khăn trong sinh hoạt đã diễn ra từ lâu. Mỗi lần có chuyện như vậy đưa lên, là cộng đồng mạng lại được phen "dậy sóng", tranh luận sôi nổi về văn hóa đỗ xe, về quy định luật pháp và cả hiến kế "xử đẹp" kẻ đỗ xe vô ý.
Nhiều người cho rằng do không gian đường phố ở các đô thị chật hẹp, bất đắc dĩ mới phải đỗ xe chắn cửa nhà người khác. Nhưng những “nạn nhân” bị đỗ xe bịt lối ra, vào thì bức xúc cực độ với “vấn nạn” này.
Một tài khoản trên mạng FaceBook kể: nhà tôi ở phố Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội, thường xuyên chịu cảnh đêm đêm ô tô leo lên đỗ trên vỉa hè, bịt ngay cửa ra vào. Một đêm vợ đau đẻ phải vào viện, mở cửa ra thấy ô tô bịt cửa, dù bụng to và đang có cơn đau, cũng phải cố trèo qua chiếc xe để ra ngoài gọi taxi. Có xe cũng để số điện thoại dán lên kính, nhưng gọi thì thấy tắt máy, chắc về nhà ngủ, nên chẳng gọi được.
Nhiều ý kiến tỏ ra bức xúc về việc những chiếc xe ô tô "trấn yểm" ngay trước cửa căn nhà của mình. Chủ nhà gặp khó trong việc ra, vào vì có chiếc xe lạ đang "an tọa" tại đó và cho rằng, nhiều người có tiền mua ô tô mà không mua được ý thức.
Anh Trần Ngọc Anh ở Ngụy Như Kon Tum, Thanh Xuân, Hà Nội kể, khu nhà thấp tầng nơi tôi ở, con ngõ trước cửa nhà vừa đủ để cho 2 ô tô tránh nhau. Tuy nhiên, đêm xuống có nhiều xe con ở đâu “dạt” vào đỗ ở ngõ, thậm chí bịt luôn cửa nhà tôi. Sáng dậy, nhiều khi tôi phải khổ sở đi tìm một lái xe nào đó đỗ chắn cửa nhà, vì không để lại số điện thoại hay cách liên lạc nào khác. Không ít lần tôi không thể dắt xe máy ra đi làm được, đành cắn răng gọi taxi.
Gần đây, trên mạng xuất hiện hình ảnh một chiếc ô tô hiệu Honda đỗ rất “bá đạo” rúc hẳn đầu vào một cửa hàng tại Hà Nội, cho dù vỉa hè khá rộng. Nhìn hình ảnh được chủ cử hàng đăng lên mạng người ta không khỏi “choáng”. Hình ảnh này đã thu hút rất nhiều sự quan tâm và bình luận. “Thiếu điều muốn phi luôn xe vào nhà người ta tránh nắng". “ Trước em mới chỉ thấy đỗ xe chắn cửa ra vào, đỗ xe chắn lối đi, chứ đây là lần đầu em thấy quả đỗ xe phi vào hẳn cửa nhà người ta như thế”. “Nếu là em thì em cứ leo lên xe mà đi ra thôi. Giày dép càng bẩn càng đỡ trơn trượt". Cũng có người chia sẻ kinh nghiệm cá nhân :“Em bị một lần giống thế này rồi. Em gọi cậu em mang xe tải 5 tạ đỗ sát ngay sau, rồi bỏ đó chúng em đi chơi... 2 ngày liền luôn. Đến ngày thứ 3 về, chủ xe phải lạy lục nhờ ra đánh xe..."
Chỉ vì thiếu ý thức
>>Hàng loạt dự án bãi đỗ xe ngầm “đắp chiếu”: Thừa – thiếu ở đâu?
Qua đáng hơn, có những chủ xe còn sẵn sàng to tiếng, gây sự với chủ nhà khi bị nhắc nhở hay đuổi đi chỗ khác. Những câu nói như "Tao không biến, nhà mày có mua vỉa hè không? Vỉa hè của ai”? “Đường này của nhà mày làm à, có biển cấm đâu mà đuổi”… cũng không ít lần xảy ra.
Cách đỗ xe và ứng xử như vậy, khiến nhiều người ác cảm với chủ sở hữu ô tô. Một số người khi thấy ô tô đỗ chắn cửa nhà mình, đã vô cùng bức xúc và nảy sinh ra những hành vi phá hoại tài sản như: phun sơn, kẻ vẽ, bôi chất bẩn, dán băng dính, thậm chí đập vỡ kính cửa ném gạch vào trong xe...
Theo ông Nguyễn Minh Đồng, Giám đốc Công ty Công nghệ Ô tô Đức Việt, đây là hậu quả của tư duy xây dựng hạ tầng không tính tới ô tô. Trong khi số lượng ô tô ngày càng tăng, nhưng tại các thành phố lớn, nhiều con đường dài cả chục km, chẳng có bãi đỗ xe nào. Các khu đô thị mọc lên san sát, nhưng bãi đỗ xe thì nhỏ tý, chật hẹp. Với một số địa phương, trong quy hoạch giao thông tĩnh, ban đầu cũng có dành quỹ đất để làm bãi đỗ xe. Thế nhưng sau một thời gian lại chuyển đổi mục đích sử dụng, thành ra thiếu.
Mặc dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng, luôn có phương án để giải quyết cho mọi vấn đề. Chỉ những người thiếu ý thức mới chọn sự thuận lợi và tiết kiệm cho bản thân, mặc kệ những phiền toái gây ra cho người khác.
Cộng đồng mạng đã từng nức lòng về câu chuyện một nữ tài xế ở Hải Dương đỗ xe chắn trước một cửa hàng. Trên xe dán tờ giấy viết: Em đỗ nhờ xe đến 13h vì trong làng vướng xe bê tông, em không vào được. Em làm phiền. Xe bác vào bác alo em ra đánh đi chỗ khác ạ. Em cảm ơn”. Chủ cửa hàng thấy vậy, đã quyết định không gọi điện cho tài xế mà sẵn sàng đánh xe của mình ra chỗ khác, để cho cô ấy thoải mái đi công việc. Lời nhắn gửi chân tình, không hề làm chủ cửa hàng bức xúc mà còn sẵn sàng có những hành động nghĩa hiệp đáp lại.
Có thể bạn quan tâm
Người Hà Nội “săn” chung cư nội đô: Tiêu chí hầm đỗ xe ưu tiên hàng đầu
15:36, 25/08/2022
Hội An “khát” bãi đỗ xe
13:36, 22/07/2022
Khó xã hội hóa bãi đỗ xe ở Hải Phòng
02:35, 24/06/2021
Hải Phòng: Gian nan giải bài toán bãi đỗ xe
05:29, 20/05/2021
“Biến tướng” bãi đỗ xe ngầm
14:49, 23/03/2021
Hà Nội: Bãi đỗ xe 4 tầng ngang nhiên bị "xẻ thịt" cho thuê
04:00, 02/09/2020
Hà Nội giải trình về việc biến bãi đỗ xe thành chung cư cao tầng Golden Palace
11:32, 18/05/2020
Bãi đỗ xe thành chung cư, trách nhiệm thuộc về ai?
06:00, 17/05/2020