Trung Quốc đang nỗ lực tăng cường khả năng chấp nhận rộng rãi và thúc đẩy nhanh quá trình quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số (CBDC), như một "con đường tơ lụa" mới trong kỷ nguyên số.
Đó là ý kiến của ông Đinh Hồng Sơn, CEO FinanceX xoay quanh các nỗ lực của Trung Quốc trong thí điểm và thúc đẩy phát hành Nhân dân tệ kỹ thuật số trong nước, đồng thời hướng đến thanh toán xuyên biên giới thời gian qua.
- Theo nhận định của ông, vì sao Trung Quốc lại mạnh tay hạn chế các giao dịch tiền điện tử như vừa qua?
Có thể thấy, động thái này diễn ra khi các cơ quan quản lý tài chính của Trung Quốc bày tỏ lo ngại về những rủi ro, bắt nguồn từ các loại tiền điện tử dễ bay hơi, bao gồm Bitcoin, Ethereum hay Dogecoin,... Sự không tin tưởng ngày càng tăng đối với các tài sản kỹ thuật số phổ biến, có thể mở đường cho một cuộc kiềm chế rộng rãi hơn đối với khai thác kỹ thuật số.
Mặt khác, khai thác tiền điện tử đòi hỏi lượng điện lớn để chạy các máy chủ máy tính lớn, nhằm thực hiện các tính toán phức tạp cho giao dịch tiền điện tử, cũng như điều hòa không khí làm mát các trung tâm dữ liệu. Hoạt động này từ lâu đã được thu hút vào các khu vực như Nội Mông, Tứ Xuyên và Tân Cương do giá điện thấp.
Trong đó, khu vực Nội Mông, cũng là nhà sản xuất than lớn thứ hai của đất nước, đang chịu áp lực ngày càng lớn về đáp ứng các mục tiêu tiết kiệm năng lượng. Điều đó đi ngược lại với các kế hoạch dài hạn của Trung Quốc nhằm đạt được sự trung lập về carbon. Trung Quốc muốn giảm ít nhất 65% lượng khí thải carbon dioxide vào năm 2030, so với mức năm 2005 và sau đó đạt được mức độ trung tính carbon vào năm 2060.
Chính những sáng kiến tiết kiệm năng lượng nghiêm ngặt này là một trong những cơn gió ngược mạnh mẽ mà tiền điện tử phải đối mặt ở Trung Quốc. Ngay cả việc cung cấp các token ban đầu và giao dịch tiền điện tử cũng bị cấm theo.
-Có ý kiến cho rằng, Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương nên mới mạnh tay kiềm toả các đồng tiền khác, ông có quan điểm thế nào về điều này?
Trên thị trường tiền điện tử, theo số liệu thì Trung Quốc chiếm tới 80% giao dịch toàn cầu. Mọi giả thiết đặt ra chỉ đều là suy đoán trong bối cảnh kinh tế và chính trị như hiện nay.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã cảnh báo rằng, Bitcoin chỉ là một hình thức đầu tư thay thế chứ không phải tiền tệ và các nhà chức trách đang nghiên cứu cách điều tiết nó.
Song song đó, PBoC cũng đẩy nhanh chương trình thí điểm cho đồng tiền kỹ thuật số có chủ quyền của mình trên toàn quốc, nằm trong nỗ lực trở thành một xã hội không dùng tiền mặt. Khẳng định đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số là một loại tiền tệ có chủ quyền được nhà nước hậu thuẫn hoàn toàn, không yêu cầu tài khoản ngân hàng và có sự giám sát đầy đủ của các cơ quan ngân hàng Trung Quốc.
Điều này còn được kỳ vọng là các nước đang phát triển sẽ chấp nhận sự tiện lợi của hệ thống thanh toán kỹ thuật số của Trung Quốc, hệ thống có tiềm năng xóa đói giảm nghèo lớn cho những người nghèo không có ngân hàng trên thế giới.
Trung Quốc có lợi thế lớn so với các quốc gia khác khi sắp tung ra đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số bởi thị trường rộng lớn của nước này. Trong hai thập kỷ qua, Trung Quốc đã dịch chuyển sang không dùng tiền mặt với tốc độ ngoạn mục. Tỷ lệ M0/M2 (tỷ lệ tiền mặt trên lượng tiền lưu thông) nằm trong số thấp nhất trên thế giới, giảm từ hơn 10% xuống còn khoảng 4% trong hai thập kỷ qua. Trong khi đó, tỷ lệ M0/M2 của Mỹ cao gấp 5 lần của Trung Quốc.
Tuy nhiên, xuất phát điểm của chi tiêu đến từ nhu cầu của người dân. Nghĩa là dù các Ngân hàng Trung ương có tung ra những đồng tiền kỹ thuật số của riêng mình thì cũng không thể “cưỡng ép” người dân chỉ được dùng loại tiền này mà không dùng loại tiền kia, hay đối với lưu trữ cũng vậy.
Động thái hạn chế giao dịch tiền điện tử đã giáng một đòn mạnh vào thị trường khi giá Bitcoin và các đồng tiền khác rớt giá thảm khốc, điều này như một liều thuốc mạnh với người dân nước này. Có thể, nỗi lo sụp đổ và bong bóng tài sản sẽ làm dịch chuyển hướng đầu tư và góp phần tích cực vào việc hoàn thành ý đồ của Trung Quốc trên con đường chinh phục tài chính kỹ thuật số.
- Liệu đây có phải là một "con đường tơ lụa" kiểu mới nhằm trở thành đồng tiền thanh toán quốc tế số 1 trong tương lai của Trung Quốc, khi khát vọng trở thành đồng tiền thanh toán quốc tế quan trọng nhất qua CNY khó thành hiện thực, thưa ông?
Phải nhìn lại rằng, đồng đô la Mỹ đã thay thế đồng bảng Anh trở thành đồng tiền dự trữ hàng đầu thế giới vào đầu thế kỷ trước. Khi Trung Quốc mở cửa và hội nhập với hệ thống thương mại và tài chính thế giới, nước này đã bị mắc vào “bẫy đô la”, đó là phải chuyển các khoản tiết kiệm quốc gia dư thừa thành các kho bạc an toàn, có thể chuyển đổi quốc tế thông qua Mỹ.
Đến nay, thế giới lại đang sống trong cái bóng của sự thống trị kinh tế Trung Quốc. Nhiều loại tiền tệ quốc gia đã di chuyển song song với đồng Nhân dân tệ thay vì đồng USD. Tuy nhiên, đồng USD đang ngày càng bị vũ khí hóa để áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Trung Quốc.
Chính lúc này, Trung Quốc quyết liệt hơn trên con đường theo đuổi tiền tệ kỹ thuật số quốc gia, được thúc đẩy bởi công nghệ blockchain mới nhất, với các nguyên nhân có thể kể đến như:
Thứ nhất, các giao dịch diễn ra tức thì và xuyên quốc gia, nên đồng tiền kỹ thuật số sẽ hấp dẫn đối với các thỏa thuận thương mại quốc tế với Trung Quốc, bao gồm các dự án trong con đường tơ lụa kỹ thuật số của Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Thứ hai, Trung Quốc cũng phải đối mặt với những trở ngại ngày càng tăng từ các nước chủ nhà, chẳng hạn như tính không bền vững của nợ, sự lãng quên về hệ sinh thái, tính minh bạch và cả tham nhũng. Tuy nhiên, các nhà chức trách Trung Quốc đang học hỏi rất nhanh, hợp tác chặt chẽ hơn với các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới và các bên liên quan ở các nước sở tại.
Thứ ba, tiền kỹ thuật số không phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng của Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (Swift) do Mỹ kiểm soát. Do đó, nó miễn nhiễm với các lệnh trừng phạt dựa trên đồng USD của Mỹ.
Trong khi Mỹ và các đồng minh phương Tây sẽ không sớm quan tâm đến tiền kỹ thuật số của Trung Quốc, thì nhiều quốc gia ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh có khả năng nắm lấy sự tiện lợi và cơ hội của hệ thống thanh toán kỹ thuật số này, thậm chí còn dễ dàng hơn và an toàn hơn bởi nó tiền tệ kỹ thuật số có chủ quyền. Xu hướng này có khả năng tăng tốc với sự bắt đầu của Đối tác kinh tế toàn diện khu vực, chiếm một phần ba dân số thế giới và một phần ba GDP thế giới.
Do đó, sự hội nhập toàn cầu ngày càng tăng của Trung Quốc sẽ tăng cường khả năng chấp nhận rộng rãi đồng tiền kỹ thuật số có chủ quyền của nước này và càng thúc đẩy nhanh quá trình quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ, hướng tới mục tiêu nền kinh tế “lưu thông kép”, bao gồm cả tiêu dùng trong nước và đầu tư quốc tế.
Ngoài ra, du lịch nước ngoài của Trung Quốc đã chiếm vị trí hàng đầu thế giới kể từ năm 2013. Do đó, đồng tiền kỹ thuật số có chủ quyền đang được coi là rất đúng lúc.
Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm