Nhận thức được tầm quan trọng của công tác PCCC trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhiều doanh nghiệp tỉnh Hà Nam đã chủ động xây dựng và triển khai đồng bộ các biện pháp thực hiện nhiệm vụ này.
>>> Thủ tướng: Rà soát chung cư mini và nhà trọ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm PCCC
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Theo Công an tỉnh Hà Nam, trên địa bàn tỉnh Hà Nam hiện có 08 khu công nghiệp, 14 cụm công nghiệp với trên 5.000 cơ sở, doanh nghiệp thuộc diện quản lý về phòng cháy chữa cháy (PCCC) đang hoạt động, sản xuất. Các doanh nghiệp hoạt động đa dạng với nhiều ngành nghề có nguy cơ cháy nổ cao, như: sản xuất đồ gỗ, hàng dệt may, nhựa, giấy,…
Đại tá Lê Văn Tuấn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam cho biết, qua đánh giá của Công an tỉnh, hiện nay nhiều doanh nghiệp đã làm tốt công tác PCCC, coi công tác PCCC trong doanh nghiệp là “tự bảo vệ mình”, mang ý nghĩa quan trọng trong hoạt động sản xuất và xây dựng hình ảnh, thương hiệu doanh nghiệp. Trong đó, cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt quan tâm đến xây dựng lực lượng tại chỗ; chủ động thành lập và duy trì đội PCCC cơ sở một cách hiệu quả thông qua các đợt phối hợp tổ chức huấn luyện, tuyên truyền, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội viên và cán bộ, công nhân viên; chủ động đầu tư trang thiết bị, phương tiện cơ bản đáp ứng được những yêu cầu an toàn về PCCC. Nhờ đó, công tác PCCC tại các doanh nghiệp ngày càng được bảo đảm.
Theo Đại tá Lê Văn Tuấn, nhằm tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn ổn định sản xuất kinh doanh, thời gian qua, Công an tỉnh đã tăng cường công tác trao đổi, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tạo mọi điều kiện tốt nhất theo phương châm “Đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển” để tránh việc phát sinh thêm cơ sở gặp khó khăn, vướng mắc cũng như phải sử dụng các giải pháp, biện pháp “tháo gỡ khó khăn” trong quá trình hoạt động.
Cùng với đó, Công an tỉnh phát huy tối đa vai trò của lực lượng cơ sở để nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an toàn về PCCC tại chỗ, tránh nguy cơ xấu nhất có thể xảy ra. Theo đó, Công an tỉnh đã thành lập Tổ công tác đến trực tiếp cơ sở để hướng dẫn các giải pháp, biện pháp khắc phục tồn tại, vi phạm về PCCC; chỉ đạo Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH bố trí tổ chuyên môn để hướng dẫn các chủ đầu tư về thủ tục hành chính, hồ sơ kỹ thuật để giúp các chủ đầu tư thực hiện đầy đủ, nhanh chóng, thuận tiện các thủ tục về PCCC theo quy định. Các thủ tục hành chính cũng được thực hiện 100% trên dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công an, rút ngắn tối đa, giúp tiết kiệm chi phí thời gian, tài chính cho doanh nghiệp.
“Sau khi doanh nghiệp hoàn thiện xây dựng, đi vào hoạt động, Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH hỗ trợ huấn luyện, tập huấn cho lực lượng PCCC tại chỗ của doanh nghiệp; hướng dẫn cơ sở thường xuyên tự kiểm tra, hướng dẫn duy trì các điều kiện đảm bảo an toàn về PCCC trong suốt quá trình hoạt động”, Đại tá Tuấn cho hay.
>>> Hợp tác chuyển đổi số lĩnh vực truyền tin cảnh báo sự cố trong công tác PCCC
>>> Hà Nam đẩy mạnh chuyển đổi số trong doanh nghiệp
PCCC là tự bảo vệ mình
Nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ (CNCH) trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã chủ động xây dựng và triển khai đồng bộ các biện pháp chủ động phòng ngừa, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do cháy, nổ gây ra.
Công ty TNHH Gold Coin Feedmill có trụ sở tại KCN Châu Sơn,TP Phủ Lý với đặc thù sản xuất, kinh doanh về thức ăn chăn nuôi, sử dụng nguồn điện, thiết bị công suất lớn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ nên công tác bảo đảm an toàn PCCC và CNCH được đơn vị đặc biệt coi trọng.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Giám đốc nhà máy cho biết: Với tinh thần “Sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất”, 100% cán bộ, nhân viên công ty tự giác chấp hành và thực hiện nghiêm túc các quy định về bảo đảm an toàn PCCC và CNCH theo quy định. Trong đó, toàn bộ diện tích nhà xưởng và các vị trí làm việc đều được trang bị hệ thống báo cháy cùng hệ thống phun nước chữa cháy tự động nhằm đảm bảo tối đa an toàn tính mạng cho công nhân, bảo vệ tài sản công ty cũng như an toàn cho những người tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Ngoài ra, công ty đã trang bị hệ thống camera giám sát theo dõi 24/24 giờ đối với các thiết bị, khu vực có nguy cơ cháy, nổ, đảm bảo tính linh hoạt, chủ động khi có sự cố bất ngờ xảy ra.
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, cùng với việc đảm bảo mọi điều kiện cần thiết theo quy định, doanh nghiệp cũng đã chủ động phối hợp với Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - Công an tỉnh Hà Nam tổ chức diễn tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại công ty. Điều này đã giúp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền cũng như trang bị kiến thức, kỹ năng thực tiễn về PCCC và CNCH cho lực lượng PCCC cơ sở, góp phần đảm bảo an toàn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tại Công ty CP Đầu tư DNA, KCN Châu Sơn, TP Phủ Lý, ông Bùi Việt Vương, Tổng Giám đốc cho biết, chủ động trong công tác PCCC tại doanh nghiệp chính là cách doanh nghiệp “tự bảo vệ mình”. Bởi lẽ thời gian gần đây liên tục xảy ra những trường hợp hỏa hoạn nghiêm trọng, gây nên những hậu quả đáng tiếc; trong đó nguyên nhân một phần là do ý thức chủ quan của người dân và doanh nghiệp về công tác PCCC.
Với đặc thù của Công ty DNA là sản xuất và xuất khẩu móc treo quần áo bằng kim loại, tuy không có nhiều nguy cơ cháy, nổ nhưng công tác PCCC tại công ty vẫn luôn là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.
Ông Bùi Việt Vương cho hay, công ty được thành lập đã hơn 20 năm và được đầu tư hệ thống PCCC từ quy định trước kia. Tuy nhiên, khi các quy định PCCC mới được áp dụng, công ty đã nhanh chóng phối hợp với lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh Hà Nam tiến hành kiểm tra, rà soát, đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang bị mới một phần hệ thống thiết bị về PCCC và CNCH để đảm bảo tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp luật.
Hiện nay, mỗi bộ phận, phân xưởng của công ty đều có tổ PCCC hoặc có người tham gia đội PCCC, mỗi ca làm việc bố trí lực lượng thường trực chữa cháy để sẵn sàng “ứng chiến” khi có sự cố.
Trung tá Trương Vũ Minh - Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh Hà Nam cho biết, trước thực tế nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn hoạt động trong một số lĩnh vực luôn tiềm ẩn nguy cơ cao về cháy, nổ, lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH đã triển khai và tổ chức thực hiện nghiêm túc các văn bản, kế hoạch chỉ đạo về chuyên môn; đồng thời, tích cực phối hợp thực hiện đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH đáp ứng yêu cầu tình hình mới” của Bộ Công an.
Đặc biệt, theo ông Minh, trong thời điểm nắng nóng, có nguy cơ cao về cháy, nổ, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bảo đảm an toàn PCCC và CNCH cho người lao động tại các doanh nghiệp càng được chú trọng. Thông qua mô hình, phong trào “Toàn dân PCCC” đã huy động được sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành và các cơ quan, doanh nghiệp tham gia công tác PCCC, góp phần đẩy lùi các tai nạn, sự cố về cháy, nổ, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
Tỉnh Hà Nam phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp
20:00, 31/05/2024
Huyện Thanh Liêm (Hà Nam) - Điểm sáng trong thực hiện Đề án 06
14:50, 27/05/2024
Vì sao các khu công nghiệp ở Hà Nam hút nhà đầu tư?
13:16, 27/05/2024
Hà Nam: Hiện đại hóa công tác Hải quan
16:21, 24/05/2024
Hà Nam: Để “Chi phí không chính thức” không còn là rào cản doanh nghiệp
15:32, 24/05/2024
Ngành Thuế Hà Nam đồng hành cùng doanh nghiệp, người nộp thuế
14:23, 24/05/2024