Khó khăn vì COVID-19 lần thứ 4 tiếp tục "căng" thêm khi nhiều doanh nghiệp lo lắng các ngân hàng cho vay mỗi nơi một chính sách. Công khai lãi suất được cho sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tiếp vốn công bằng.
Năm 2021 tiếp tục được xem là một năm đầy khó khăn đối với cộng đồng doanh nghiệp, khi đợt dịch COVID-19 thứ 4 đang có những diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, đặc biệt là tại TP.HCM. Tính từ ngày 27/4 tới 18/6, TP.HCM đã ghi nhận hơn 1.200 ca dương tính với COVID-19 và trên tất cả quận, huyện, TP đều có ca nhiễm.
Để khống chế sự lây lan của dịch bệnh, Thành phố đã phải thực hiện giãn cách xã hội toàn Thành phố theo Chỉ thị 15 của Chính phủ, đồng thời tạm dừng hoạt động tất cả các loại hình dịch vụ kinh doanh không cần thiết. Đáng quan ngại, dịch COVID-19 đang có nguy cơ xâm nhập vào các công ty, doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn Thành phố, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, trong 5 tháng đầu năm, Thành phố có 2.458 doanh nghiệp đăng ký thủ tục xin giải thể, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2020. Số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động là 9.849 doanh nghiệp, tăng gần 24% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp đăng ký mới là 14.543 đơn vị, trong đó đáng chú là số vốn đăng ký doanh nghiệp tăng rất mạnh tới 36% so với cùng kỳ, nhưng thực tế nếu trừ 2 "siêu doanh nghiệp" đăng ký vốn hơn 21 tỷ USD mà theo nhiều bài viết chúng tôi đã phản ánh, có khả năng là doanh nghiệp "vốn ảo", thì con số còn lại dự kiến vào thị trường rất nhỏ.
Điều này phản ánh một tình trạng đáng lo ngại, khi đây là lần đầu tiên số lượng doanh nghiệp “tháo chạy” bởi khó khăn do dịch bệnh rất cao, mà số lượng doanh nghiệp mới tham gia thì chưa thể lập tức bù đắp; nếu không có các chính sách hỗ trợ kịp thời, sẽ có nhiều doanh nghiệp, thậm chí ngành hàng "một đi không trở lại".
Ông Chu Tiến Dũng – Chủ tịch Hội doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho biết, thời gian qua, các khoản nợ của doanh nghiệp đã được ngân hàng xem xét, cơ cấu lại các khoản vay gia hạn và không chuyển nhóm nợ, nhưng chưa được quan tâm xem xét giảm lãi suất cho vay. Mức lãi suất vay tuy đã có giảm, nhưng vẫn còn cao so với mức lãi suất các ngân hàng huy động từ tiền gửi tiết kiệm, nhu cầu vay trả lương để giữ chân người lao động gần như không thực hiện được.
Ông Dũng kiến nghị các ngân hàng tiếp tục xem xét, nới lỏng các điều kiện về khoanh nợ, giãn nợ, điều chỉnh giảm lãi suất các khoản nợ cũ, đồng thời xem xét cho vay mới với lãi suất ưu đãi thấp hơn, giúp cho doanh nghiệp bớt khó khăn trong sản xuất.
“Cần khuyến khích các ngân hàng cho vay bằng hình thức tín chấp đối với một số ngành nghề bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, khuyến khích cho vay đầu tư vào các lĩnh vực trang thiết bị y tế, các sản phẩm y tế, nghiên cứu vắc xin và các cơ sở điều trị. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng cần đồng hành với các doanh nghiệp trong việc hỗ trợ mua nguyên liệu dự trữ cho sản xuất và xuất khẩu”, ông Dũng đề xuất.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Đặng Hiến – Tổng Giám đốc Công ty TNHH SX & TM Tân Quang Minh (Bidrico) cho rằng, việc giảm lãi suất cho vay trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết đối với các doanh nghiệp. Theo ông Hiến, lãi suất cho vay của các ngân hàng hiện nay đang không đồng đều nhau, có ngân hàng cho vay 5,2%, nhưng cũng có ngân hàng cho vay với lãi suất 5,6%, 5,8%, thậm chí còn cao hơn, dẫn đến các doanh nghiệp không được tiếp cận với các khoản vay một cách công bằng.
“Dòng tiền được xem là mạch máu của doanh nghiệp, sự đồng hành kịp thời của ngân hàng, với một lãi suất hợp lý sẽ giúp ích cho các doanh nghiệp rất nhiều khi phải đối mặt với sự sống còn. Do đó, chúng tôi đề nghị NHNN, các ngân hàng thương mại xem xét, tiếp tục điều chỉnh lãi suất cho vay giảm hơn nữa, để các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng thiết yếu có cơ hội giữ giá cả hàng hóa cho người tiêu dùng, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp ngành hàng F&B và các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá của Thành phố”, ông Hiến chia sẻ.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM (NHNN) đã có Công văn số 1580 về việc triển khai các biện pháp tăng cường phòng, chống và tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch COVID-19. Trong đó, yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Theo đó, NHNN TP.HCM yêu cầu các TCTD trên địa bàn tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, cho vay mới theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN.
Bên cạnh đó, thực hiện cắt giảm tối đa các loại chi phí nhằm tạo nguồn lực tài chính để hỗ trợ khách hàng, người dân, doanh nghiệp. Các TCTD căn cứ năng lực, khả năng tài chính của đơn vị mình để tính toán thực hiện giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và các biện pháp hỗ trợ khác. Các TCTD phải công khai công bố mức lãi suất hỗ trợ, các biện pháp, chính sách hỗ trợ để người dân, doanh nghiệp được biết.
Các TCTD cũng phải chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, hiệp hội doanh nghiệp, khách hàng trên địa bàn hoạt động của các TCTD để tìm hiểu nhu cầu vốn, đáp ứng kịp thời vốn cho tiêu thụ nông sản, nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn; không để xảy ra chậm tiêu thụ nông sản, gián đoạn chuỗi sản xuất, cung ứng do không tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng. Đồng thời chủ động rà soát, đánh giá tình hình khó khăn, thiệt hại do dịch COVID-19, trên cơ sở đó có các giải pháp cụ thể để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Trước đó, NHNN Việt Nam đã có văn bản hỏa tốc số 3947/NHNN yêu cầu Chủ tịch Hội đồng quản trị/ Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc/Giám đốc các TCTD; Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai các biện pháp tăng cường phòng, chống và tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch COVID-19; trong đó yêu cầu các TCTD thực hiện cắt giảm tối đa các loại chi phí nhằm tạo nguồn lực tài chính hỗ trợ khách hàng, người dân, doanh nghiệp.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NG-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)
Có thể bạn quan tâm
Cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành được đầu tư theo hình thức PPP
15:03, 16/06/2021
TP.HCM: Doanh nghiệp du lịch sẽ được vay lãi suất 0% để trả lương
05:00, 16/06/2021
TP.HCM “khỏe” thì cả nước sẽ ổn
05:30, 15/06/2021
TP.HCM: Dịch COVID-19 có nguy cơ xâm nhập vào các khu công nghiệp
05:00, 13/06/2021
Kịch bản nào cho tăng trưởng kinh tế của TP.HCM?
05:00, 11/06/2021