Các chính sách quản lý không theo kịp các phương thức, thủ đoạn tinh vi trong sản xuất, kinh doanh thuốc và thực phẩm chức năng giả.
>>Thủ đoạn làm giả thuốc và thực phẩm chức năng thách thức giải pháp phòng ngừa
Đây là thách thức rất lớn với doanh nghiệp và các cơ quan chức năng.
Chia sẻ với DĐDN, PGS.TS Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cấp số đăng ký thuốc và nguyên liệu làm thuốc của Bộ Y tế cho biết, đại dịch tạm lắng xuống, vấn nạn thuốc và thực phẩm chức năng (TPCN) giả lại bùng lên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và sức khỏe của người dân.
- Thưa ông, phải chăng công tác quản lý đang “bất lực” trước vấn nạn thuốc và TPCN giả tràn lan?
Thuốc và TPCN đã trở thành vấn nạn nhưng trong và sau đại dịch càng trở nên trầm trọng hơn. Nhiều thời điểm, do ảnh hưởng của dịch việc giám sát và quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước gặp khó khăn do vấn đề đi lại, giao thông.
Dịch bệnh cũng khiến người dân quan tâm hơn đến sức khoẻ nên hoạt động buôn bán thuốc, TPCN và hàng hóa thiết yếu phát triển rất mạnh trên thị trường trực tuyến. Cùng với đó, việc kiểm soát vấn nạn thuốc và TPCN giả càng trở nên khó khăn hơn. Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol), Tổ chức Y tế thế giới và cơ quan hải quan đã đưa ra khuyến cáo vấn nạn buôn lậu, sản xuất hàng giả, đặc biệt với thuốc và TPCN sẽ gia tăng mạnh mẽ. Đây là thách thức rất lớn cho tất cả các cơ quan quản lý nhà nước.
Trong khi đó, chính sách quản lý chưa theo kịp với thực tế. Hai năm qua, chúng ta chưa kịp thay đổi các chính sách về quản lý trong tình hình mới, bán thuốc online “nở rộ”, trong khi các chính sách hiện có được ban hành để quản lý vẫn đang áp dụng trong điều kiện bình thường.
- Như vậy, chính sách quản lý thuốc và thực phẩm chức năng sẽ phải sửa đổi, bổ sung kịp thời hơn để phù hợp với tình hình mới, thưa ông?
Việc sửa đổi, bổ sung chính sách quản lý chất lượng hàng hóa với mặt hàng thuốc và TPCN là cần thiết để phù hợp với điều kiện mới, tình hình mới. Đó là sự phát triển của công nghiệp 4.0 khiến thị trường thuốc và TPCN online phát triển mạnh mẽ. Hiện nay, trên thị trường online xuất hiện rất nhiều hiệu thuốc trực tuyến, thậm chí có rất nhiều cá nhân bán thuốc và TPCN trực tuyến nhưng không đăng ký với Nhà nước. Chúng ta không thể chỉ sử dụng những biện pháp quản lý các cửa hiệu, các nhà máy, các dự án để áp dụng cho việc quản lý loại hình kinh doanh trực tuyến. Vì vậy, cần có những chính sách và biện pháp mới, tăng cường quản lý các hoạt động buôn bán trực tuyến.
>>Bảo hiểm cho công nghệ chống hàng giả giá 5.000 đồng: PTI đang mạo hiểm?
Interpol cũng khuyến cáo cơ quan hải quan từng quốc gia phải quan tâm và siết chặt việc hàng hóa được nhập khẩu vào như thế nào, đặc biệt là những hàng hóa nhạy cảm, những hàng hóa thiết yếu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng lớn như thuốc, TPCN. Đây là những mặt hàng vốn được tiêu thụ mạnh trong khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Bởi vì, suy cho cùng dù hoạt động kinh doanh online có phát triển đến mức nào, sản phẩm, hàng hóa vẫn phải đi theo con đường vật lý, tức là phải di chuyển đến cảng để nhập khẩu vào các quốc gia.
- Ông đã từng khuyến cáo các doanh nghiệp tăng cường giải pháp công nghệ cao để chống thuốc và TPCN bị làm giả. Tuy nhiên, có không ít ý kiến lo ngại giải pháp này có thể làm “đội” thêm chi phí cho doanh nghiệp?
Cùng với các biện pháp quản lý của cơ quan chức năng, một trong những giải pháp quan trọng để chống lại vấn nạn thuốc và TPCN giả được cả các tổ chức quốc tế, cơ quan quản lý thị trường khuyến cáo là các doanh nghiệp phải biết cách bảo vệ bản thân. Nếu nhà sản xuất không có những giải pháp chống hàng giả mạnh hơn những mánh khóe mà đối tượng buôn lậu thực hiện thì nhà sản xuất chịu thiệt trước tiên. Bởi vì, các đối tượng sản xuất và buốn bán thuốc, TPCN giả sẵn sàng áp dụng những công nghệ tiên tiến nhất để làm giả và trục lợi. Điều này đỏi hỏi doanh nghiệp làm ăn chân chính phải đầu tư công nghệ hiện đại để sản xuất và có những giải pháp để bảo đảm có thể truy cập được, truy cứu được, truy vết được hàng hóa của mình “đi” từ nhà sản xuất đến tay người tiêu dùng.
Thời gian gần đây, Interpol và các tổ chức chống hàng giả thế giới khuyến cáo doanh nghiệp sử dụng công nghệ ARFID - dùng sóng ngắn radio để quản lý hàng hoá. Hiểu một cách nôm na là chúng ta gắn chip điện tử lên từng sản phẩm. Mỗi sản phẩm có một chip điện tử riêng.
Một số hàng hóa Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài, đặc biệt sang Châu Âu đã phải gắn chip truy xuất nguồn gốc. Đây là giải pháp tiên tiến nhất cho đến thời điểm hiện nay. Vấn đề hiện nay nhiều doanh nghiệp quan tâm là giá thành của chip điện tử và ưu tiên áp dụng công nghệ này cho những sản phẩm, hàng hóa nào. Tuy nhiên, những hàng hóa liên quan sức khỏe con người, những hàng hóa có giá trị rất lớn thì chúng ta không tiếc gì để đầu tư cho việc bảo vệ, chống hàng giả. Thực tế, giá thành chip điện tử có thể chỉ chiếm một phần nghìn, một phần trăm của giá trị sản phẩm. Thuốc và TPCN, thực phẩm tiêu dùng là những sản phẩm cần phải đặc biệt quan tâm và có những hướng dẫn cụ thể.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Thủ đoạn làm giả thuốc và thực phẩm chức năng thách thức giải pháp phòng ngừa
10:59, 23/08/2022
Thuốc và thực phẩm chức năng giả - hiện trạng và giải pháp
19:09, 19/08/2022
Bộ Y tế: Nhập nhèm trong đơn thuốc có thực phẩm chức năng là sai sót về quy trình, nghiệp vụ
19:00, 04/07/2022
Kê thực phẩm chức năng kèm thuốc ở BV Bệnh Nhiệt đới TW là "sai sót"
18:00, 04/07/2022
Tránh xa thực phẩm chức năng quảng cáo trị dứt điểm bệnh
11:00, 20/04/2022
Quảng cáo thực phẩm chức năng: “Nổ” không có điểm dừng
03:50, 10/12/2021
Thuốc và thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ thiên nhiên: Xây dựng Bộ tiêu chí nhận diện
20:16, 31/08/2021
Cần cơ chế phù hợp cho thuốc và thực phẩm chức năng thiên nhiên tại Việt Nam
03:00, 31/08/2021