Công nghệ số mang lại ‘sức sống mới” cho nông nghiệp

Nguyễn Việt 12/04/2020 10:58

Mặc dù vẫn còn gặp nhiều thách thức nhưng Việt Nam cũng có nhiều lợi thế trong việc thúc đẩy nền kinh tế số trong ngành sản xuất, chế tạo và nông lâm thuỷ sản (NLTS).

Đây là một phần nội dung trong ấn phẩm: “Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2019: Cải thiện năng suất lao động trong bối cảnh kinh tế số” sẽ được Công bố vào ngày 14/4, do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân xuất bản.

 GS.TS Trần Thọ Đạt - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh tế Quốc dân, thành viên Tổ tư vấn kinh tế Thủ tướng Chính phủ, đồng chủ biên Ấn phẩm “Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2019”.

GS.TS Trần Thọ Đạt - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh tế Quốc dân, thành viên Tổ tư vấn kinh tế Thủ tướng Chính phủ, đồng chủ biên Ấn phẩm “Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2019”.

Làn sóng công nghệ số sẽ mang lại tiềm năng chuyển đổi Việt Nam thành một nền kinh tế hoạt động với hiệu quả vượt trội của châu Á và mang lại mức sống cao hơn cho tất cả người dân Việt Nam trong những thập kỷ tới. Chúng ta có cơ sở để tin rằng, cuộc chuyển đổi này sẽ diễn ra sự bùng nổ về xuất khẩu phần cứng và phần mềm số trong thời gian gần đây, lực lượng dân số trẻ của Việt Nam đang nhanh chóng tiếp cận các dịch vụ Internet di động và Chính phủ Việt Nam đang thực hiện những chính sách thực hiện cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) trên diện rộng để bắt đầu hiện đại hóa các ngành công nghiệp chủ đạo và phát triển hơn nữa các ngành công nghiệp mới.

Tăng sản lượng

Công nghiệp 4.0 đang có bước khởi đầu triển vọng trong ngành sản xuất, chế tạo và nông nghiệp ở Việt Nam. Ngoại trừ các hộ nông dân, phần lớn doanh nghiệp tham gia khảo sát đều đã ứng dụng công nghệ số vào quá trình sản xuất. Nhìn chung, các doanh nghiệp cho thấy sự sẵn sàng ứng dụng công nghệ số cao nhất về cơ sở vật chất và logistics. Tuy nhiên, họ lại có ít sự chuẩn bị về tài chính, chiến lược và sản xuất thông minh.

Có thể bạn quan tâm

  • Đại học Kinh tế quốc dân

    Đại học Kinh tế quốc dân "hiến kế" chống dịch COVID-19

    11:35, 04/04/2020

  • [COVID-19] Việt Nam cần ổn định vĩ mô dù COVID-19 có kéo dài

    [COVID-19] Việt Nam cần ổn định vĩ mô dù COVID-19 có kéo dài

    11:00, 07/04/2020

  • [COVID-19] Doanh nghiệp đánh giá cao nỗ lực

    [COVID-19] Doanh nghiệp đánh giá cao nỗ lực "giải cứu" từ Chính phủ

    15:47, 06/04/2020

  • [COVID-19] Kinh tế Việt Nam dự báo sẽ phục hồi trong quý 3/2020

    [COVID-19] Kinh tế Việt Nam dự báo sẽ phục hồi trong quý 3/2020

    10:25, 06/04/2020

Theo GS.TS Trần Thọ Đạt, đồng chủ biên Ấn phẩm Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2019 Trường Đại học Kinh tế Quốc dân), kết quả ước lượng 2 phương pháp REM và PSM đều cho thấy, kinh tế số có tác động tích cực và có ý nghĩa thống kê đến NSLĐ của ngành NLTS, theo đó 1% tăng lên của tỷ lệ lao động sử dụng Internet trong doanh nghiệp ngành này có thể làm NSLĐ tăng lên 0,001% (PP REM – mức thấp nhất trong các ngành sản xuất) đến 0,002% (PP PSM), phản ảnh vai trò của KTS trong ngành này còn rất hạn chế.

Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2018, trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ số tạo ra nhiều cơ hội để tăng NSLĐ do giảm phụ thuộc vào điều kiện môi trường, thời tiết, kiểm soát dịch bệnh và công tác giống được thực hiện tốt hơn.

Các công nghệ như thiết bị cảm biến kết nối internet (IoT), công nghệ đèn LED, các thiết bị bay không người lái, robot nông nghiệp và quản trị tài chính trang trại thông minh… sẽ hỗ trợ ngành nông nghiệp đạt được những bước tiến lớn trong thời gian tới.

Hiện nay, công nghệ số đã và đang đi vào sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp thông minh đã được triển khai ở nhiều khu vực, đặc biệt cho các sản phẩm có giá trị gia tăng cao bao gồm các loại thủy sản, hoa và trái cây như mô hình trồng rau an toàn và hoa ở Đà Lạt; mô hình 1.000 ha trồng hoa ở Mê Linh, Vĩnh Phúc; mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở TP.HCM về trồng trọt, chăn nuôi bò và gia súc, thủy sản (cá, tảo và vật liệu trong xử lý môi trường), nhân giống cây lâm nghiệp.

Mô hình trồng rau, hoa quả, chăn nuôi thủy sản ở thành phố Hà Nội; mô hình nhà lưới, vườn ươm cây giống ở Bến Tre, Nghệ An; mô hình sản xuất cây giống, chăn nuôi gia súc, gia cầm ở Bà Rịa, Vũng Tàu...

Các ứng dụng của công nghệ số góp phần làm tăng sản lượng nông nghiệp, tạo ra khối lượng hàng hóa lớn với chất lượng cao, đồng đều, tạo ra năng suất sản phẩm lớn nhất trên mỗi đơn vị tài nguyên sử dụng, từ đó làm tăng NSLĐ nông nghiệp ở Việt Nam.

Thay đổi nền kinh tế

Kết quả cũng cho thấy, đóng góp lớn cho NSLĐ ngành NLTS vẫn là số lượng lao động và cường độ vốn. Hệ số trình độ người lao động mang dấu âm và có ý nghĩa thống kê ở PP REM, phản ánh trình độ lao động cao (từ đại học trở lên) chưa hẳn là yếu tố quan trọng làm gia tăng NSLĐ trong ngành NLTS. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long được tìm thấy có NSLĐ ngành NLTS cao nhất cả nước, phù hợp với điều kiện thuận lợi của vùng địa lý này. HTX là hình thức có mức NSLĐ thấp nhất, phản ánh sự thiếu hiệu quả của hình thức HTX đối với hoạt động NLTS.

Thêm vào đó, khái niệm về CMCN 4.0 vẫn còn khá mới mẻ đối với hầu hết các doanh nghiệp trong hai ngành nói trên. Đa số các doanh nghiệp tham gia khảo sát đã nghiên cứu các phương án thực hiện số hóa nhưng chỉ một số ít thực sự phát triển các kế hoạch cụ thể hoặc phân bổ kinh phí cho việc ứng dụng công nghệ số. Khoảng 35% các doanh nghiệp chính thức trong ngành nông nghiệp và khoảng 25% các doanh nghiệp sản xuất, chế tạo đã có kế hoạch đầu tư vào các công nghệ CMCN 4.0 trong năm tới.

Quan điểm đa chiều về công nghệ số mới nổi. Mỗi ngành có quan điểm khác nhau về những công nghệ số có ảnh hưởng lớn nhất tới các hoạt động kinh doanh của họ. Các doanh nghiệp nông nghiệp ưu tiên tự động hóa, máy móc, cảm biến và thu thập dữ liệu. Trong khi đó các hộ kinh doanh nông nghiệp ưu tiên các công nghệ hỗ trợ việc đưa ra quyết định tức thời và giải quyết các vấn đề quản lý hàng ngày.

Ngành sản xuất, chế tạo ưu tiên phát triển công nghệ hỗ trợ sản xuất như giám sát và kiểm soát quá trình, robot và tự động hóa. Rất ít các doanh nghiệp quan tâm tới các công nghệ phân tích dữ liệu lớn, marketing hoặc nghiên cứu phát triển. Quá trình chuyển đổi số gặp nhiều thách thức. Nhiều doanh nghiệp vẫn cho rằng, đầu tư vào công nghệ số tiềm ẩn nhiều rủi ro vì chi phí quá cao và hiệu quả lâu dài của những công nghệ này vẫn chưa được kiểm chứng.

Cả hai ngành đều phải đối mặt với những thách thức tương tự nhau trong quá trình chuyển đổi số như tiếp cận vốn, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs); Thiếu thông tin về các công nghệ và dịch vụ số mới, đặc biệt là với các hộ kinh doanh, nông lâm thuỷ sản; Quyết định nên lựa chọn công nghệ nào để áp dụng và xác định nhà cung cấp công nghệ nào cho phù hợp; Các kỹ năng và năng lực sẵn có để triển khai và quản lý các hệ thống và công nghệ của CMCN 4.0 đối với ngành NLTS.

Kinh tế Việt Nam đang thay đổi nhanh chóng nhờ áp dụng các công nghệ số mới. Một số ngành công nghiệp của Việt Nam đang số hóa rất nhanh, bao gồm thương mại điện tử, du lịch, nội dung số và công nghệ tài chính. Những ngành công nghiệp này cho thấy tiềm năng lớn của nền kinh tế số Việt Nam trong những năm tới.

Tuy nhiên, các nghiên cứu trường hợp trong ngành nông nghiệp và sản xuất chế tạo cho thấy mức độ sẵn sàng chuyển đổi công nghệ số còn thấp. Dù các doanh nghiệp đều nhận thức rõ về tầm quan trọng của công nghệ số trong sản xuất, họ vẫn gặp khó khăn khi ứng dụng công nghệ mới do các vấn đề kỹ thuật và tài chính.

Nhưng với vị thế và bối cảnh Việt Nam trong năm 2020, sẽ còn nhiều tiềm năng cho nền kinh tế số Việt Nam – trong cả các ngành công nghiệp truyền thống và mới nổi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Công nghệ số mang lại ‘sức sống mới” cho nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO