Thị trường xây dựng có xu hướng chậm đã tác động đến hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp nhóm ngành này, trong đó có cả Công ty Xây dựng Coteccons (mã CTD).
Kết quả kinh doanh quý đầu năm chính là tín hiệu sớm cho sự suy giảm đà tăng trưởng của các doanh nghiệp ngành xây dựng, bởi theo yếu tố mùa vụ, quý I và quý IV là giai đoạn tập trung doanh thu.
Nếu những năm 2015 – 2017, ngành xây dựng tăng trưởng tích cực nhờ sự phục hồi của thị trường bất động sản, cổ phiếu theo đó cũng thăng hoa, thì những năm gần đây, ngành này bắt đầu chùng xuống khi thị trường bất động sản bước vào trạng thái bão hòa.
Điều này khiến các công ty trong ngành phải chấp nhận giảm bớt lợi nhuận để giành lấy hợp đồng phát triển dự án. Cùng với yếu tố giá nguyên vật liệu xây dựng tiếp tục tăng mạnh, biên lợi nhuận của các công ty xây dựng như Coteccons liên tục bị bào mỏng.
Trong quý 1/2019, doanh thu của Coteccons đạt 4,25 nghìn tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế trong quý giảm tới 35%, từ 290 tỷ xuống 189 tỷ đồng. Đây là quý thứ 2 liên tiếp lợi nhuận giảm sâu cũng là mức lợi nhuận thấp nhất của Coteccons trong vòng 4 năm qua. Lợi nhuận giảm mạnh do biên lợi nhuận gộp của Coteccons ngày càng mỏng. Bên cạnh đó, Công ty không còn ghi nhận phần lãi từ công ty liên kết (63 tỷ đồng trong cùng kỳ năm 2018).
Lợi nhuận của Coteccons giảm sâu đến từ việc chậm tiến độ xây dựng tại một số dự án lớn, trong đó có dự án Đại đô thị Vinhomes thay đổi thiết kế xây dựng và chiến lược sản phẩm cho các dự án mới. Mặt khác, công ty cũng không ký được thêm nhiều hợp đồng xây dựng dự án bất động sản mới trong quý 1.
Có thể bạn quan tâm
00:00, 09/07/2019
03:44, 06/04/2019
05:01, 06/06/2018
16:43, 08/12/2017
Ngoài các yếu tố khách quan, vấn đề khiến hoạt động của Coteccons gặp nhiều khó khăn còn đến từ nội bộ công ty. Đại hội cổ đông hồi đầu năm của công ty đã trở thành cuộc chiến căng thẳng giữa ban điều hành và nhóm cổ đông lớn
Tại đại hội, kế hoạch sáp nhập Công ty xây dựng Ricons vào Coteccons đã bị loại khỏi nội dung biểu quyết. Ricons là một công ty liên kết của Coteccons và được nắm giữ bởi nhiều lãnh đạo của công ty Coteccons. Theo kế hoạch này Coteccons sẽ phát hành cổ phiếu mới cho cổ đông Ricons để đổi lấy toàn bộ phần sở hữu của các cổ đông này trong Ricons. Sau sáp nhập Coteccons sẽ sở hữu 100% Ricons .
Tuy nhiên, ngay trước Đại hội cổ đông một ngày, Kustocem, cổ đông tổ chức nước ngoài, đã thông báo sẽ không ủng hỗ kế hoạch sáp nhập Ricons vào Coteccons do quỹ này cho rằng không tìm được các lý do thuyết phục cho việc sáp nhập này. Kustocem yêu cầu Ban lãnh đạo công ty tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi hiện tại.
Hiện nay, các cổ đông nước ngoài đang nắm giữ khoảng 47% cổ phần Coteccons, trong đó Kustocem nắm giữ khoảng 17%, các quỹ của VinaCapital và Korea Investment nắm giữ khoảng 15%, số còn lại là các nhà đầu tư khác.
Với Ricons, sau khi thất bại kế hoạch sáp nhập, công ty dự kiến sẽ niêm yết lên sàn chứng khoán TP.HCM (HOSE) vào quý 4 năm nay. Năm 2019, Ricons đặt chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2019 lần lượt là 11.000 tỷ đồng (tăng 18,2%) và 475 tỷ đồng (tăng 10,2%) với sự chuyển dịch theo khu vực hoạt động.
Mặc dù vậy, tương tự Coteccons, hoạt động kinh doanh của Ricons cũng có sự suy giảm trong quý 1 vừa qua. Doanh thu trong quý 1 đạt 900 tỷ đồng, giảm gần 10% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp tương ứng giảm hơn 9% về 56,5 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế giảm 14%, từ 37 tỷ về 32 tỷ đồng.
Năm 2019, Coteccons đặt mục tiêu đạt 27.000 tỷ đồng doanh thu, giảm 5% và 1.300 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 14% so với năm 2018. Hiện Coteccons có hợp đồng thi công hơn 40 công trình, nhưng khoảng 40% sẽ rơi vào tình trạng tạm ngưng. Do đó, Coteccons sẽ phải nỗ lực tìm kiếm các dự án mới bên cạnh những hợp đồng có giá trị chuyển tiếp từ năm cũ.
Theo Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), kế hoạch kinh doanh của Coteccons trong năm 2019 tương đối thận trọng trong bối cảnh thị trường xây dựng khó khăn và dự báo lợi nhuận nửa đầu năm 2019 có thể sụt giảm so với cùng kỳ.