COVID-19 là tác nhân để đẩy nhanh thương mại điện tử, còn theo xu thế thế giới chúng ta phải cạnh tranh với một thế giới ảo trên mạng sẽ nhiều hơn, và đó là xu hướng tất yếu.
>>Thương mại điện tử Việt Nam: Dự báo đạt 39 tỷ USD vào năm 2025
PGS. TS Tạ Văn Lợi, Viện trưởng Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, trường Đại học Kinh tế quốc dân nhấn mạnh tại cuộc toạ đàm: "Xúc tiến thương mại quốc tế 4.0 và mô hình kết nối giao thương Việt – Trung trong bối cảnh mới", vừa diễn ra gần đây.
PGS. TS Tạ Văn Lợi chia sẻ, trước khi làm giảng viên đại học, ông đã có 9 năm làm trưởng đại diện văn phòng nước ngoài, phụ trách tất cả các mảng chuyển giao công nghệ liên quan đến ngành nhựa. Sau khi làm tại văn phòng nước ngoài, ông thành lập 3 doanh nghiệp và hiện tại ông đang phụ trách 3 doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là ngành nhựa kỹ thuật cao.
"Trong đại dịch COVID-19, công ty của tôi đang từ bán hàng truyền thống với nhiều cửa hàng đã buộc phải “co cụm” bởi sức ép mặt bằng, nhân viên marketing. Chúng tôi đã phải chuyển toàn bộ nhân viên marketing sang chốt đơn, sắp xếp các đơn hàng trên hệ thống thương mại điện tử để ngày hôm sau shipper đi giao”, ông Lợi nói.
Vậy tại sao lại có tình trạng này? Theo PGS. TS Tạ Văn Lợi, thực ra không phải do COVID-19, đây chỉ là một tác nhân để đẩy nhanh sức ỳ của con người, không phải vì đại dịch mà chúng ta làm thương mại điện tử. Do đó, chúng ta phải nhìn rộng ra trên thế giới, hiện nay phải cạnh tranh với một thế hệ công nghệ mới, thế hệ công nghệ 4.0 được nhắc đến bởi 8 điểm.
Thứ nhất, sự ra đời của cuộc cách mạng này.
Thứ hai, điện toán đám mây và dự trữ dữ liệu, chúng ta không phải “cầu toàn” mua ổ dự trữ dữ liệu lớn.
Thứ ba, trí tuệ nhân tạo và kỷ nguyên AI.
Thứ tư, từ tính toán lượng tử, những cái tưởng không có nhưng đã trở thành hiện thực.
Thứ năm, smartphone có thể sẽ “lỗi thời” khi xuất hiện AI phone.
Thứ sáu, dữ liệu đám mây, ai khai thác được nhiều dữ liệu và làm chủ được dữ liệu thì sẽ là người “chiến thắng”. Một trong những chỉ trích rất lớn nhưng cũng rất đúng, đó là thế giới đang ở đâu trong một thế giới công nghệ? Và không ai khác, Google chính là “gián điệp” lớn nhất hành tinh. Người thân có thể không biết chúng ta ở đâu, nhưng Google thì biết.
Thứ bảy, nhiều nước “né tránh” trở thành kho dữ liệu lớn nên đã tự tạo ra các mạng khác.
Thứ tám, chúng ta ở trong kỷ nguyên số, từ đồng tiền số, hòm thư, mạng xã hội… nhưng thực chất tất cả đều nằm trong Big data. Vấn đề là ai sẽ làm chủ và khai thác như thế nào.
>>Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng cao về thương mại điện tử
>>Thương mại điện tử - lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người dân
PGS. TS Tạ Văn Lợi cho rằng, nếu suy nghĩ đơn thuần, marketing chỉ với mục đích bán được hàng, thì Big data đã thay đổi chúng ta rất nhiều. Và nói như Jeff Bezos, CEO của công ty thương mại điện tử khổng lồ Amazon.com: “Cái đáng sợ nhất là chúng ta không tiến hoá, còn con người trong kỷ nguyên này buộc chúng ta phải thích nghi. Chúng ta biến đổi hay lạc hậu”.
Theo báo cáo thương mại điện tử Việt Nam 2022 cho thấy, tất cả các ngành khác như lưu trú, vận tải trong COVID-19 bị âm. Chỉ riêng thương mại điện tử tăng 20%. “Như vậy, COVID-19 là tác nhân để đẩy nhanh thương mại điện tử, còn theo xu thế thế giới chúng ta phải cạnh tranh với một thế giới ảo trên mạng sẽ nhiều hơn, và đó là xu hướng tất yếu”, PGS. TS Tạ Văn Lợi bày tỏ.
Do đó, thay vì tập trung vào những mặt hàng cụ thể, thời gian tới cuộc cạnh tranh sẽ là số, nền tảng dữ liệu lớn. Ở Việt Nam, việc mua bán và làm quen trên các sàn thương mại điện tử như Tiki, Shopee… trước đây còn bị “nghi ngờ” với tâm lý “tai nghe không bằng mắt thấy”.
Tuy nhiên, PGS. TS Tạ Văn Lợi đánh giá hiện nay “nỗi sợ” bắt đầu giảm dần và được minh chứng bằng các con số càng ngày càng tăng. Người tiêu dùng trước khi ra quyết định mua, bán thường “lướt web” để kiểm tra thông tin, với 81% người dùng máy tính và 74% dùng thiết bị di động.
Trước đây, nhiều người đi shopping với mục đích là giải trí và xem trực tiếp sản phẩm. Còn bây giờ phải “lướt web” trước sau đó mới ra quyết định. Trên toàn thế giới, số lượng người liên quan đến việc mua bán ngày càng tăng, giá trị trên toàn thế giới ngày càng lớn với hơn 1.000 tỷ USD thông qua các giao dịch điện tử.
Tỉ lệ tham gia thương mại điện tử ở Việt Nam cũng không nằm ngoài trào lưu đó. Hiện nay, doanh nghiệp nào cũng có website, thời gian trung bình thống kê một khách hàng muốn ra quyết định đều lưu lại trên các hệ thống trang website từ 5 đến 10 phút. “Điều này đòi hỏi những người làm marketing phải thu hút khách hàng ngay trong giai đoạn từ 5 đến 10 phút thì mới đạt hiệu quả”, PGS. TS Tạ Văn Lợi chia sẻ.
Với các hình thức quảng cáo, như thông qua mạng xã hội ngày càng tăng (55%), còn hình thức truyền thống ngày càng giảm. Tỉ lệ doanh nghiệp nhận đơn hàng qua các ứng dụng năm 2021 tăng 88%, như doanh nghiệp của ông Lợi trước đây nhân viên phải đi chào và chở hàng, còn hiện nay việc chính là chốt đơn và chuẩn bị đơn hàng đã được gọi trên mạng.
Đặc biệt, phương thức thanh toán trước đây còn có sự “nghi ngờ”. Nhưng hiện nay đã có gần 90% thanh toán theo 2 hình thức, một là chuyển khoản ngân hàng, hai là Cod (Cash On Delivery) giao hàng thu tiền hộ. Hình thức thương mại cũng thay đổi, trước đây chỉ có B2B, B2C còn hiện nay có cả C2C.
Về hình thức trực tuyến khách hàng thông qua website, PGS. TS Tạ Văn Lợi cho biết, quảng cáo thông qua website đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt thêm kênh quảng cáo, tiếp thị sản phẩm dịch vụ chiếm 77% và xây dựng uy tín cho doanh nghiệp cũng rất lớn.
PGS. TS Tạ Văn Lợi cho rằng, bên cạnh ưu thế thì cũng đặt ra một số vấn đề với thương mại điện tử. Đó là số lượng tranh chấp tăng lên, đơn cử chụp chân dung thường dùng app “để makeup da, makeup chân dài”. Như vậy, liệu có đáng tin không khi một sản phẩm không makeup. Đây là một trong vấn đề lớn của thương mại điện tử và marketing số.
Trong đó, 60% liên quan đến sự nhầm lẫn hay không chuẩn xác về các sản phẩm hàng hoá, còn 24% là lỗi, 16% là tranh chấp khác. “Do đó, khi làm marketing sự trung thực vẫn là vấn đề đặt ra hàng đầu”, PGS. TS Tạ Văn Lợi khẳng định.
Ở góc độ khác, PGS. TS Tạ Văn Lợi cho biết, theo số liệu điều tra phần lớn số lượng học sinh, sinh viên và lao động tự do là những người “hăng hái” tham gia mua hàng onlnie nhiều nhất. Đánh giá việc tham gia mua bán và thay đổi hành vi mua sắm trên mạng có hài lòng hay không, phần lớn hài lòng với việc mua bán qua mạng.
Tuy nhiên, qua khảo sát cũng cho thấy “khoảng hở” của các nhà kinh doanh và marketing trong quản lý shipper. Khách hàng đồng ý mua hàng trên mạng và có thể chấp nhận một vài sai sót nhỏ. Nhưng sẽ không hài lòng với thái độ thiếu tích cực khi giao nhận hàng của shipper.
Nhiều doanh nghiệp ‘thích thú” và cảm thấy xúc tiến qua mạng thương mại điện tử, maketing số là tốt. Nhưng shipper lại là nhân lực của công ty shipper, có thể họ ít “cởi mở” trong giao tiếp. Cho nên, bao nhiêu nỗ lực marketing có thể bị lực lượng shipper “làm hỏng”. “Đây là một cảnh báo với các doanh nghiệp, không nên suy nghĩ chỉ làm tốt phần việc của mình, còn “khoán gọn” cho công ty giao nhận và shipper”, PGS. TS Tạ Văn Lợi bày tỏ.
PGS. TS Tạ Văn Lợi đánh giá, điểm tiếp xúc với khách hàng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Mặc dù, chỉ “một vài giây” giao hàng nhưng nếu shipper nói năng thiếu chuẩn mực thì sẽ làm giảm đi rất nhiều kết quả marketing.
“Đừng suy nghĩ đã làm marketing tốt trên mạng thì được phép quên đi các khâu giao tiếp khác. Vì bản chất cuối cùng của việc marketing là truyền tin, tư vấn, thông tin, kích thích, theo dõi hành vi… nhưng chúng ta lại "quên mất" khâu cuối cùng mà “giao khoán” cho shipper. Shipper không được đào tạo marketing nhưng lại rất quan trọng, vì gây dựng được hình ảnh của người dùng với sản phẩm và dịch vụ. Và các doanh nghiệp Việt Nam đang bị “hổng” khâu này”, PGS. TS Tạ Văn Lợi nói.
Có thể bạn quan tâm
13:01, 30/09/2022
11:00, 30/09/2022
05:10, 30/09/2022
03:00, 29/09/2022
04:00, 25/09/2022
15:04, 22/09/2022
11:29, 12/09/2022
01:51, 10/09/2022