Nếu không có những yếu tố đột biến xảy ra, việc kiểm soát CPI bình quân cả năm 2021 ở mức 4% vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ.
Nhìn lại số liệu 6 tháng đầu năm, theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2021 tăng 0,19% so với tháng trước, tăng 1,62% so với tháng 12/2020 và tăng 2,41% so với tháng 6/2020. Bình quân 6 tháng đầu năm 2021, CPI tăng 1,47% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.
Lạm phát cơ bản tháng 6/2021 tăng 0,07% so với tháng trước và tăng 1,14% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2021 tăng 0,87% so với bình quân cùng kỳ năm 2020.
Tính chung CPI 6 tháng đầu năm 2021 tăng so với cùng kỳ năm trước do một số nguyên nhân chủ yếu. Đó là, giá xăng dầu trong nước tăng 17,01% so với cùng kỳ năm trước, giá gas tăng 16,51%. Giá dịch vụ giáo dục tăng 4,47% so với cùng kỳ năm trước, do ảnh hưởng từ đợt tăng học phí năm học mới 2020-2021 theo lộ trình của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ. Giá gạo tăng 6,97% so với cùng kỳ năm trước, do giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán tăng cao. Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào.
Theo các chuyên gia kinh tế CPI những tháng đầu năm là khá ổn so với mục tiêu cả năm 2021. Nếu không có những yếu tố đột biến xảy ra, việc kiểm soát CPI bình quân cả năm 2021 ở mức 4% vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhấn mạnh, không thể chủ quan với những diễn biến còn hết sức phức tạp của 6 tháng cuối năm.
Về mặt con số, rủi ro lạm phát trong năm 2021 là không lớn. Theo ước tính của Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, CPI mỗi tháng cuối năm còn có dư địa trên 1% để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân năm dưới 4%. Do vậy, có thể thấy, việc kiểm soát CPI bình quân cả năm 2021 ở mức khoảng 4%, vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ, nếu không có những yếu tố quá đột biến xảy ra.
Tổng cầu yếu do dịch COVID-19 là nguyên nhân cơ bản giữ cho lạm phát tại Việt Nam được duy trì ở mức thấp trong bối cảnh giá các hàng hóa cơ bản trên thế giới tăng cao. Do đó, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính cho rằng, mục tiêu kiểm chế lạm phát trung bình ở mức dưới 4% trong năm 2021 chắc chắn sẽ đạt được. Dù vậy, tình trạng lạm phát thấp do tổng cầu yếu hiện nay không hẳn là điều đáng mừng.
Theo TS. Nguyễn Đức Độ nếu tốc độ tăng giá được duy trì trong thời gian còn lại của năm, mỗi tháng khoảng 0,27%, thì lạm phát so với cùng kỳ năm trước sẽ tăng từ mức 2,41% hiện nay lên mức 3,28% vào tháng 12/2021 và đồng thời, lạm phát trung bình của cả năm sẽ ở mức 2,12%. Còn trong trường hợp giá xăng dầu tiếp tục tăng mạnh và CPI giả định tăng trung bình 0,5%/tháng thời gian tới, lạm phát so với cùng kỳ của tháng 12/2021 sẽ ở mức 4,71%, nhưng lạm phát trung bình cũng chỉ ở mức 2,53%.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cũng đưa ra hai kịch bản cho CPI năm 2021. Theo ông, nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới phục hồi chậm, kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm tăng ở mức từ 6,8 - 7% thì khả năng lạm phát cả năm sẽ ở khoảng từ 3,3 - 3,5%. Tuy nhiên, nếu kinh tế tăng trưởng ở mức từ 7 - 7,4% thì khả năng lạm phát sẽ ở mức từ 3,8 - 4,0%.
Theo Cục Quản lý giá, việc kiểm soát lạm phát không chỉ hướng thuần túy đến vấn đề thực hiện chỉ tiêu của Quốc hội giao mà cần phải được đặt ra trong đa mục tiêu về thúc đẩy tăng trưởng, ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô, hỗ trợ chống dịch và là đòn bẩy cho sản xuất, kinh doanh cũng như ổn định tâm lý người tiêu dùng. Việc kiểm soát CPI bình quân cũng cần hướng đến việc kiểm soát cả CPI cùng kỳ tháng 12 nhằm tạo nền lạm phát cho việc kiểm soát lạm phát trong năm tới 2022.
Bộ Kế hoạch & Đầu tư xây dựng hai kịch bản tăng trưởng cuối năm:
Kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế 6% với điều kiện dịch cơ bản được kiểm soát trong tháng 7, không có ổ dịch lớn tại các khu công nghiệp và các thành phố lớn không buộc phải giãn cách xã hội, thì quý III cần đạt mức tăng trưởng là 6,2% và quý IV tăng 6,5%.
Kịch bản 2, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% với điều kiện dịch phải được khống chế trong tháng 6, không có ổ dịch lớn tại các khu công nghiệp và các tỉnh thành phố lớn không phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội. Mức tăng trưởng cần đạt trong quý III và IV lần lượt là 7% và 7,5%.
Có thể bạn quan tâm