Nếu giả định CPI các tháng còn lại tăng đều một tỷ lệ như nhau so với tháng trước thì trong 4 tháng còn lại, CPI mỗi tháng còn có dư địa tăng trên 2% để đảm bảo mục tiêu kiểm soát dưới 4%.
Theo thông tin từ Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2021 tăng nhẹ chủ yếu do biến động tăng của nhóm lương thực, thực phẩm tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội khi việc vận chuyển và phân phối hàng hóa thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt hơn nhằm đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch COVID-19.
Lạm phát cơ bản tháng 8/2021 giảm 0,02% so với tháng trước, tăng 0,98% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 8 tháng năm 2021, lạm phát cơ bản tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2020, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 1,79%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, giá xăng, dầu, điện và giá gas tăng. Mức lạm phát cơ bản tháng 8/2021 và 8 tháng năm 2021 so với cùng kỳ năm trước đều là mức thấp nhất kể từ năm 2011.
Các nguyên nhân làm tăng áp lực lên CPI tháng 8/2021 là do, thứ nhất, do việc vận chuyển và phân phối hàng hóa thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt hơn nhằm đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch COVID-19 và nhu cầu tích trữ lương thực, thực phẩm tăng cao tại các khu vực thực hiện giãn cách xã hội là nguyên nhân khiến Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 8/2021 có mức tăng so với tháng trước cao nhất với 0,74%.
Thứ hai, nhu cầu tiêu dùng đồ uống giải khát khi thời tiết nắng nóng tăng cao và giá thuốc lá tăng do nguồn cung giảm khiến Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,22% so với tháng trước. Thứ ba, do chuẩn bị bước vào năm học mới, giá văn phòng phẩm tăng 0,34% dẫn đến Nhóm giáo dục tăng 0,04%. Thứ tư, nhu cầu mua thuốc để phòng dịch bệnh khiến Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%, trong đó giá thuốc các loại tăng 0,08%.
Trong khi đó cũng có 4 nguyên nhân góp phần làm giảm áp lực lên CPI trong tháng 8/2021 là: Do giá xăng dầu ổn định và giảm trong hai kỳ điều hành ngày 11/8 và ngày 26/8; các hãng giảm giá ô tô mới và ô tô đã qua sử dụng (lần lượt giảm 0,09% và giảm 0,84%) khiến Nhóm giao thông giảm 0,06%. Nhóm bưu chính, viễn thông tháng 8/2021 giảm 0,05% do giá điện thoại di động thông minh, máy tính bảng giảm 0,16% và phụ kiện điện thoại di động thông minh, máy tính bảng giảm 0,5%.
Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 giảm 0,03% so với tháng trước, chủ yếu do giá thiết bị văn hóa giảm 0,22%; du lịch trọn gói giảm 0,04%. Và nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,03% do nhu cầu tiêu dùng giảm khi các địa phương thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch COVID-19.
Cục Quản lý giá cho biết, trong tháng 9/2021, những yếu tố gây áp lực tăng giá sẽ là: giá xăng dầu, giá gas trong nước dự báo vẫn sẽ chịu tác động từ giá thế giới; giá một số mặt hàng nguyên liệu tiếp tục ở mức cao như sắp thép, phân bón do thiếu hụt nguồn cung trên thế giới nhưng dự báo không có biến động lớn; dịch bệnh Covid kéo dài khiến các chuỗi sản xuất, cung ứng chưa thực sự ổn định cũng khiến chi phí vận chuyển logistic tăng cao…
Ở chiều ngược lại, một số yếu tố làm giảm áp lực lên mặt bằng giá như: giá nhiều mặt hàng thuộc diện nhà nước quản lý nhìn chung vẫn được giữ ổn định hoặc kiềm chế mức tăng giá. Chính phủ và các bộ, ngành cũng đang tập trung triển khai nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn cho việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa giữa và trong nội bộ các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội góp phần cung cấp kịp thời hàng hóa thiết yếu cho người dân. Điều này sẽ làm giảm áp lực lên mặt bằng giá.
Ở góc độ chuyên gia, ông Ngô Trí Long cảnh báo và cho rằng vẫn còn nhiều tiềm ẩn rủi ro đối với công tác kiểm soát lạm phát đến từ tình hình thế giới như xu hướng đầu cơ, tích trữ các mặt hàng chiến lược có thể tạo áp lực lên một số nguyên vật liệu trên thị trường quốc tế, từ đó tác động đến thị trường trong nước qua kênh nhập khẩu; dịch bệnh diễn biến phức tạp có thể làm tăng giá cục bộ một số mặt hàng tại một số địa phương bị ảnh hưởng.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhận định, mặc dù những tháng đầu năm CPI đã có những con số tương đối yên tâm so với mục tiêu cả năm 2021, nhưng cũng không thể chủ quan với những diễn biến còn hết sức phức tạp của những tháng cuối năm.
Cũng theo Cục Quản lý giá, việc kiểm soát lạm phát không chỉ hướng thuần túy đến vấn đề thực hiện chỉ tiêu của Quốc hội giao mà cần phải được đặt ra trong đa mục tiêu về thúc đẩy tăng trưởng, ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô, hỗ trợ chống dịch và là đòn bẩy cho sản xuất, kinh doanh cũng như ổn định tâm lý người tiêu dùng. Việc kiểm soát CPI bình quân cũng cần hướng đến việc kiểm soát cả CPI cùng kỳ tháng 12 nhằm tạo nền lạm phát cho việc kiểm soát lạm phát trong năm tới 2022.
Theo ước tính của Cục Quản lý giá, nếu giả định CPI các tháng còn lại tăng đều một tỷ lệ như nhau so với tháng trước thì trong 4 tháng còn lại, CPI mỗi tháng còn có dư địa tăng trên 2% để đảm bảo mục tiêu kiểm soát dưới 4%. Do vậy, có thể thấy việc kiểm soát CPI bình quân cả năm 2021 ở mức khoảng 4% là vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ nếu không có những yếu tố quá đột biến xảy ra.
Có thể bạn quan tâm