Hôm nay (30/12), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức có hiệu lực, tạo ra một khu vực thương mại tự do chiếm khoảng 1/10 nền kinh tế thế giới.
Theo đó, khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, nhiều nước phải dành tỷ lệ cắt giảm các dòng thuế rất cao, có những nước lên tới 95%. Trong khi Việt Nam chỉ phải cắt giảm ngay lập tức là 66%, 3 năm sau mới nâng lên 86%, có nhiều mặt hàng Việt Nam được quyền bảo lưu đến sau 10 năm.
Có thể bạn quan tâm
00:21, 30/12/2018
11:03, 26/12/2018
11:01, 23/12/2018
Việt Nam sẽ cắt giảm gần 100% dòng thuế
CPTPP bao gồm nhóm nước chiếm khoảng 13% tổng GDP toàn cầu. Cuối cùng, khoảng 99,9% hàng công nghiệp xuất khẩu của Nhật và khoảng 98,5% nông sản xuất khẩu Nhật sẽ được hưởng tiếp cận với thị trường không thuế quan. Đối với ngành ô tô, mức thuế 6,1% của Canada sẽ được loại bỏ sau 5 năm. Mức thuế 70% áp với các phương tiện lớn sẽ được loại bỏ trong lộ trình 10 năm.
Đáng nói, Nikkei thông tin, thỏa thuận thương mại đa phương mới nhất của châu Á không chỉ xóa bỏ thuế quan đối với hàng hóa mà còn xóa bỏ rào cản đối với đầu tư, dịch vụ và dữ liệu, mở ra cơ hội trong bán lẻ, ngân hàng và thương mại điện tử.
Với CPTPP, Việt Nam cam kết cắt giảm gần 100% dòng thuế; cam kết đối với hoạt động mua sắm công; cam kết đối với lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước; cam kết cho phép người lao động thành lập tổ chức của người lao động không nhất thiết trực thuộc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam; cam kết về vấn đề môi trường, thương mại điện tử...
Việt Nam sẽ sửa một số luật luật và nghị định trong quá trình rà soát pháp luật để phù hợp với các quy định của CPTPP, áp dụng trực tiếp nhiều cam kết, đặc biệt trong lĩnh vực mở cửa dịch vụ và đầu tư.
Việc cải cách thể chế giúp môi trường kinh doanh được cải thiện, đầu tư nước ngoài và trong nước được duy trì và tăng trưởng, tập trung vào các mặt hàng xuất khẩu để tận dụng thị trường CPTPP, giúp nâng cao trình độ và năng lực cạnh tranh của hàng Việt; mặt khác, thu hút đầu tư có hàm lượng công nghệ cao.
Các doanh nghiệp xuất khẩu và nhập khẩu trong nội khối CPTPP không phải chịu các khoản thuế sẽ giúp dịch chuyển chuỗi cung ứng và doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện tham gia. Về xuất khẩu, lợi ích cũng sẽ có, trước hết từ các thị trường chưa có FTA như Canada, Mexico, Peru, thậm chí cả thị trường Nhật Bản.
Các quy tắc hải quan mới theo CPTPP sẽ làm thông suốt dòng chảy thương mại qua biên giới. Các quốc gia thành viên cần đảm bảo rằng hàng hóa có thể được giao nhận trong vòng 48 giờ sau khi đến sân bay.
Việc cấp visa cũng sẽ trở nên nhanh hơn. Một số quốc gia thành viên sẽ phê duyệt visa nhanh chóng cho các thành viên gia đình đi cùng doanh nhân.
CPTPP cũng hạn chế các quốc gia tìm cách giữ dữ liệu khách hàng trong nước trên các máy chủ nằm trên lãnh thổ nước mình. Các công ty hoạt động trong các quốc gia thuộc khối thương mại có thể điều hành doanh nghiệp dựa trên dữ liệu bằng cách sử dụng máy chủ ở quốc gia của họ hoặc ở nước thứ ba, qua đó giảm các khoản đầu tư ban đầu để thâm nhập một thị trường mới.
Cơ hội cải cách thể chế
Nhìn nhận vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, doanh nghiệp Việt sẽ gặp khó khăn trong thực hiện các quy định của CPTPP.
“Khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện các quy định của CPTPP là phải chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Ví dụ như trong lĩnh vực dệt may, theo quy chuẩn CPTPP nếu doanh nghiệp sẽ được hưởng mức thuế ưu đãi trong trường hợp nguyên liệu làm ra sản phẩm đó có nguồn gốc phần lớn từ nước bản địa, hoặc là nguyên liệu nhập khẩu từ các nước CPTPP. Nhưng trong ngành dệt may Việt Nam thì phần lớn nguyên liệu sản xuất lại được nhập khẩu Trung Quốc. Như vậy, trong trường hợp này, để doanh nghiệp có thể được hưởng lợi thì chính sách thuế của chúng ta buộc phải thay đổi, hạn chế sự nhập khẩu nguyên liệu từ các nước ngoài CPTPP”, ông Hiếu phân tích.
Vì vậy, để toàn bộ nền kinh tế cũng như doanh nghiệp Việt được hưởng lợi từ hiệp định này thì Việt Nam tiếp tục cải thiện thể chế và thay đổi từ chính sách.
“Hiện tại, chúng ta đang cách xa các tiêu chuẩn của CPTPP. Với tốc độ cải cách như hiện nay thì hiện tại Việt Nam khó có thể đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe của hiệp định này. Phải mất ít nhất từ 5 tới 10 năm nữa mới có thể tiến đến được với các tiêu chuẩn của CPTPP. Điều này, đồng nghĩa với việc nếu như Việt Nam không thúc đẩy nhanh chóng quá trình cải cách thể chế và cải cách chính sách thì chúng ta rất có thể “bỏ lỡ” những cơ hội mà hiệp định thương mại tự do này mang lại”, ông Hiếu phân tích.
Ngoài ra, ông Hiếu cũng cho rằng để nhanh chóng bắt nhịp được với các tiêu chuẩn của CPTPP thì các thiếu sót trong lực lượng lao động của Việt Nam cần được cải thiện nhanh chóng.
“Lực lượng lao động của Việt Nam còn nhiều thiếu sót trong việc đào tạo các kỹ năng, đặc biệt khi đi vào giai đoạn công nghiệp 4.0 về công nghệ thông tin. Đây là thời đại mới, cần phải đào tạo lại lao động để có kỹ năng về công nghệ thông tin. Tất cả mọi lĩnh vực, sự thay đổi trước hết bắt đầu từ luật pháp, rồi cơ chế về thuế, về chính sách, về tổ chức, về kinh doanh, lao động, tất cả những quy định về luật pháp, những cơ chế liên quan đến những khâu đó cũng phải được thay đổi và đặc biệt nữa là chất lượng hàng hóa Việt Nam phải được nâng cấp”, ông Hiếu nhấn mạnh.