CPTPP sẽ tạo ra nhiều thị trường nhưng cơ hội chỉ có thể chạm được khi từng điều khoản của hiệp định này được cả cơ quan hoạch định chính sách và doanh nghiệp nghiên cứu, mổ xẻ và bắt tay thực hiện.
Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên châu Á-Thái Bình Dương (CPTPP) là "sân chơi" của 11 quốc gia, có hiệu lực thực thi sớm nhất vào năm 2019. Việc các nước tham gia hiệp định đồng ý xóa bỏ gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình, tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật nước sở tại là một trong những thuận lợi đầu tiên.
Cơ hội đặc biệt
Ngay khi CPTPP có hiệu lực, Canada cam kết loại bỏ thuế ngay lập tức cho 42% các dòng thuế đối với sản phẩm dệt may Việt Nam vào nước này.
Không cần viện đến sự phân tích của các chuyên gia, cũng có thể thấy, đây là cơ hội đặc biệt quan trọng, mở ra lợi thế cạnh tranh lớn cho dệt may Việt Nam với thị trường mà Việt Nam chưa ký hiệp định thương mại song phương này. Canada hiện là thị trường nhập khẩu dệt may lớn của thế giới, trong khi đó, nhập khẩu dệt may từ Việt Nam mới chiếm 2% tổng nhập khẩu dệt may của Canada. Ngay cả Nhật Bản, thị trường quan trọng của xuất khẩu thủy sản Việt Nam, mặc dù đã có hai hiệp định thương mại với Việt Nam, nhưng vẫn giữ mức thuế 3,5% đối với thủy sản tươi sống và 7,3% đối với thủy sản chế biến của Việt Nam nhập khẩu vào nước này.
Nếu CPTPP có hiệu lực, các mức thuế này tiếp tục được giảm sâu và loại bỏ, tạo ra lợi ích đáng kể so với những gì hai bên đang có.
Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES) nhận định, với CPTPP cơ hội đối với ngành gỗ nhiều hơn là thách thức. Trong số 10 nước còn lại trong CPTPP, ngành gỗ Việt Nam đã có quan hệ lâu đời và có thị trường mạnh như Nhật Bản, New Zealand, Australia, Singapore... Những năm gần đây, ngành gỗ Việt Nam cũng đã có quan hệ tốt với Canada, Peru, Chile...
Kim ngạch xuất khẩu gỗ vào các nước này cũng rất lớn. Rất nhiều dòng thuế xuất nhập khẩu các sản phẩm gỗ về bằng 0 sẽ là lợi thế để giảm giá thành sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm gỗ Việt Nam.
Việc ký kết CPTPP cũng sẽ là cơ hội lớn để các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các thị trường mới như Canada, Peru, Mexico... Điển hình với mặt hàng cá ngừ, Thái Lan, Trung Quốc đang là hai đối thủ lớn nhất của Việt Nam nhưng không phải là thành viên của CPTPP. Như vậy, mặt hàng cá ngừ của Việt Nam có lợi thế về thuế so với hai nước trên tại thị trường lớn trong khối CPTPP. Với mặt hàng tôm, đối thủ đứng đầu là Ấn Độ cũng không phải thành viên CPTPP nên đây được xem là cơ hội để sản phẩm tôm xuất khẩu Việt Nam vươn lên cạnh tranh vị trí xuất khẩu hàng đầu.
Theo nhiều chuyên gia, rau quả đang là mặt hàng có tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu vượt trội, với giá trị 10 tháng đầu năm 2018 đã lên tới 3,3 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2017. Trung Quốc là thị trường lớn nhất, chiếm tới 74% thị phần trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả nước ta, và luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao. Kế đến là Thái Lan, Hàn Quốc.
Xuất khẩu rau quả vào cả 2 thị trường này đều đạt mức tăng trưởng cao: đạt 35% ở Thái Lan và 24,2% ở Hàn Quốc trong 10 tháng đầu năm nay. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, do rau quả Việt Nam vận chuyển đến các thị trường ở xa đang phải chịu chi phí vận chuyển cao, tỷ lệ sản phẩm bị hỏng lớn, đã giảm sức cạnh tranh so với các đối thủ. Vì vậy, cần có tác động đến các công ty vận chuyển nhằm giảm được giá thành vận chuyển để chiếm lĩnh thị trường.
Có thể bạn quan tâm
12:15, 30/12/2018
00:21, 30/12/2018
11:03, 26/12/2018
11:01, 23/12/2018
06:30, 14/12/2018
14:01, 06/12/2018
00:15, 29/11/2018
02:49, 27/11/2018
Thách thức cũng... chất lượng cao
Ông Trần Duy Khanh, Tổng thư ký Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam lo ngại, các sản phẩm chế biến như thịt lợn, thịt bò, thịt gà, trứng... sẽ phải chịu cạnh tranh lớn nhất. Bởi lẽ trước đây, nhiều sản phẩm gia cầm nước ngoài vào Việt Nam với giá rẻ hơn sản phẩm trong nước đã khiến ngành chăn nuôi rơi vào tình trạng khó khăn. Đến nay, việc tham gia CPTPP với mức thuế giảm xuống 0% sẽ càng tạo áp lực lớn hơn cho ngành chăn nuôi trong nước.
TS.Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) cho hay, một trong những thách thức lớn đối với xuất khẩu nông sản Việt Nam là các nước tham gia có thể giảm thuế suất nhưng họ sẽ nâng cao các hàng rào phi thuế quan và có sự kiểm soát nghiêm ngặt hơn.
Để xâm nhập và chiếm lĩnh được những thị trường các nước CPTPP, những nông sản Việt Nam đang có lợi thế xuất khẩu như: gạo, cà phê, tiêu, điều, thủy sản... cần vượt qua được các hàng rào kỹ thuật và các biện pháp kiểm dịch vệ sinh, an toàn thực phẩm. Nếu không, dù thuế suất nhập khẩu của các thị trường này bằng 0% thì sản phẩm nông nghiệp Việt Nam cũng không thể tiếp cận, mở rộng thị trường.
Do vậy, thách thức đối với các doanh nghiệp đến từ việc bảo đảm chất lượng sản phẩm, tổ chức lại sản xuất, quản lý lao động và tuân thủ nghiêm các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường trong khối.
“Nhưng lúc này, không thấy nhiều doanh nghiệp và cả các hiệp hội đề cập đến những nội dung rất chi tiết như vậy. Hai năm trước, khi TPP được công bố, doanh nghiệp đã bắt đầu tìm hiểu. Mọi việc chững lại khi Mỹ rút ra. Tuy nhiên, nếu chỉ tìm kiếm thông tin trên các văn kiện được công bố thì không đủ cho các kế hoạch hành động”, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) đã từng chia sẻ khi CPTPP được ký kết tại Chi-lê vào ngày 8/3/2018.
Nếu nói về thông tin mà doanh nghiệp Việt Nam có thể có được từ một hiệp định thương mại tự do, thì CPTPP là văn kiện đến được doanh nghiệp sớm nhất, tính từ thời điểm tháng 11/2015, khi toàn văn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được công bố. Mặc dù CPTPP có thay đổi so với TPP, nhưng chủ yếu ở phần thành viên, hiệu lực, điều kiện có hiệu lực… Nội dung các cam kết không thay đổi nhiều, chủ yếu là ở phần liên quan đến thành viên đã rút ra khỏi TPP là Mỹ và khoảng 20 điều khoản tạm hoãn.
Nghĩa là, cơ hội và cả thách thức mà các doanh nghiệp có thể nhận được hay đối mặt tương tự như TPP. Mặc dù hiện thực hóa cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do là việc của từng doanh nghiệp, nhưng phải thẳng thắn, với CPTPP, một mình doanh nghiệp sẽ không làm được nhiều.
Thậm chí, những nghiên cứu của Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản về tác động CPTPP tới từng thành viên cho thấy, CPTPP giúp tăng 1,1% GDP Việt Nam từ các cam kết thuế quan và giúp tăng 9,29% GDP Việt Nam. Bởi, so với các hiệp định thương mại tự do thế hệ trước vốn chỉ tác động đến các quy định tại đường biên giới, CPTPP ảnh hưởng đến chính sách, quy định pháp luật sau đường biên giới, liên quan tới nhiều ngành, lĩnh vực như đầu tư, mua sắm công, các vấn đề về lao động…, chứ không chỉ thương mại.
“Dù có CPTPP hay không, thì môi trường chính sách, môi trường kinh doanh ở Việt Nam vẫn quyết định sức khỏe của doanh nghiệp. Có thể nói, tận dụng được cơ hội hay hóa giải thách thức từ CPTPP như thế nào, thậm chí là khỏa lấp những thiếu hụt do Mỹ không tham gia phụ thuộc vào các hành động cải cách thể chế cải thiện môi trường kinh doanh, cũng như các kế hoạch thực thi cam kết của Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước”, bà Trang nói.
Đây là lý do mà VCCI đang lên kế hoạch cùng với các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp tham gia vào vận động chính sách, đảm bảo các thay đổi về pháp luật kinh doanh tới đây theo sát được nhu cầu, đòi hỏi thực tế của cộng đồng kinh doanh, cũng là cách thức tạo áp lực để các cơ quan quản lý nhà nước chuyển hóa được các quyết tâm cải cách của Chính phủ vào các quy định cụ thể.
Đây là việc không dễ làm, nhưng theo các chuyên gia, không thể chậm trễ hơn, đòi hỏi sự tham gia thực chất và có trách nhiệm của cả các chuyên gia đàm phán, các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội doanh nghiệp và các doanh nghiệp. “Doanh nghiệp cần biết rõ các cơ quan quản lý nhà nước đang rà soát các văn bản thế nào, sẽ sửa đổi ra sao để cùng tham gia đề xuất chính sách. Đây là việc cần phải được thực hiện thận trọng, minh bạch và thống nhất theo định hướng rõ ràng vì tác động là liên ngành”, bà Trang đề xuất.