Cử tri Hà Nội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chức năng có giải pháp hữu hiệu, không để xảy ra tình trạng bỏ cọc sau đấu giá đất.
Cử tri cho rằng, thời gian gần đây có trường hợp giá trúng đấu giá đất tại một số huyện cao nhiều lần so với giá khởi điểm, sau đó người đấu giá trúng bỏ cọc, dẫn đến tác động tiêu cực đến thị trường nhà ở, bất động sản. Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chức năng có giải pháp hữu hiệu, không để xảy ra tình trạng trên.
Mới đây, thị trường bất động sản Hà Nội lại “nóng” bởi phiên đấu giá 27 thửa đất tại quận Hà Đông vào ngày 19/10. Theo đó, mức giá trúng đấu giá được cho là chênh lệch lớn so với khu vực, khi có thửa đất tiền trúng đấu giá đã lên tới 246 triệu đồng/m2. Đáng chú ý, có nhiều lô đã "chốt giá" trúng hơn 146 triệu đồng/m2 và được rao bán chênh 400-600 triệu đồng ngay khu vực bên ngoài phiên đấu giá.
Hơn hai tháng trước, tại huyện ven như Thanh Oai, Hoài Đức, liên tiếp các phiên đấu giá đất gây xôn xao thị trường khi giá trúng gấp nhiều lần khởi điểm, trong đó cao nhất hơn 100 triệu đồng/m2.
Ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) thừa nhận, tại một số địa phương, khu vực có hiện tượng đấu giá quyền sử dụng đất với kết quả trúng đấu giá cao gấp nhiều lần giá khởi điểm. Việc quản lý, thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất tại một số khu vực, địa phương chưa tốt.
Ngoài ra, ông Dũng cho biết có hiện tượng nhiều nhà đầu tư thành lập hội, nhóm tham gia đấu giá; trả giá đất cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm, rồi có thể "bỏ cọc" sau khi trúng đấu giá đất nhằm mục đích thiết lập mặt bằng giá “ảo” tại khu vực để kiếm lời…
Trước thực trạng trên, để giảm giá nhà ở, bất động sản và ổn định thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đã đề xuất nghiên cứu, hoàn thiện các quy định liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, theo hướng tăng tiền đặt cọc, xác định giá đất khởi điểm đem đấu sát tình hình thực tế khu vực, rút ngắn thời gian nộp tiền trúng đấu giá, hạn chế người tham gia đấu giá với mục đích đầu cơ.
Đặc biệt, Bộ Xây dựng đã đề xuất nghiên cứu chính sách đánh thuế đối với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất để hạn chế hoạt động đầu cơ, việc mua đi bán lại nhà, đất trong thời gian ngắn nhằm kiếm lời.
Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 82/CĐ-TTg gửi Bộ trưởng các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tài chính, Tư pháp, Công an; chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các nội dung công việc cụ thể để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý đất đai, lành mạnh hóa thị trường bất động sản, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Công điện yêu cầu việc đấu giá quyền sử dụng đất phải đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá quyền sử dụng đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường. Đồng thời, các bộ liên quan khẩn trương hướng dẫn, tổ chức tập huấn cho các địa phương về các chính sách mới của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản…
Để kiểm soát tình trạng đẩy giá cao rồi bỏ cọc, mới đây, nhiều huyện ven và quận cũng hoãn kế hoạch tổ chức một số phiên đấu giá như Hoài Đức, Thanh Oai, Hà Đông, Đan Phượng...
Theo thông báo từ đơn vị tổ chức - Công ty Đấu giá hợp danh số 5 - Quốc gia, phiên đấu giá các thửa đất tại huyện Quốc Oai ngày 25/10 sẽ tạm dừng để huyện rà soát, cập nhật và điều chỉnh phương án đấu giá. Người đã mua hồ sơ, nộp tiền đặt trước sẽ được trả lại.
Việc này được thực hiện theo yêu cầu của UBND huyện Quốc Oai và Trung tâm phát triển quỹ đất huyện. Thời điểm tổ chức lại phiên đấu giá này chưa được nhà chức trách xác định.