30 NĂM THÀNH LẬP DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP: Cùng doanh nghiệp vươn ra thế giới

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 03/11/2023 04:30

Song hành với tiến trình mở cửa, hội nhập quốc tế của đất nước, doanh nghiệp Việt Nam đã có những bước tiến tương xứng.

Trong bước tiến hội nhập của doanh nghiệp, có phần đóng góp không nhỏ của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói chung và Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp nói riêng.

p/Diễn đàn “Thúc đẩy thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ trong bối cảnh mới” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Vietnam Airlines tổ chức.

Diễn đàn “Thúc đẩy thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ trong bối cảnh mới” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Vietnam Airlines tổ chức.

>> Thúc đẩy giao thương Việt Nam - Hoa Kỳ: Còn nhiều dư địa hợp tác đầu tư

Những dấu mốc đáng nhớ

Từ con số 0 đúng nghĩa, sau năm 1995 doanh nghiệp Việt Nam mới tập tễnh tham gia sân chơi quốc tế. Doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu từ hoạt động hợp tác bị động với doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam cho đến tư duy chủ động xuất ngoại, đem chuông đi đánh xứ người.

Từ tình trạng thiếu hàng hóa cho tiêu dùng nội địa trong nước, ngày nay hàng nghìn doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu hàng hóa đến hàng trăm quốc gia, vùng lãnh thổ trên 5 châu lục. Không ít mặt hàng do doanh nghiệp Việt làm chủ nguồn cung, có vị thế thứ hạng cao trên thị trường quốc tế, như cà phê, gạo, hồ tiêu, cao su,…

Từ tâm thế buôn bán những thứ “có sẵn”, giá trị thặng dư thấp, doanh nghiệp Việt đã chủ động hợp tác, liên doanh, liên kết với đối tác nước ngoài để nghiên cứu, sản xuất, phục vụ khách hàng quốc tế với những sản phẩm giàu hàm lượng chất xám.
Đến nay đã có nhiều bước chuyển biến tích cực từ nông sản, lâm sản, khoáng sản, giày da, may mặc… sang linh kiện, máy móc, thiết bị điện tử, viễn thông, phần mềm; Từ thân phận “làm thuê” dần thay đổi vị thế trở thành “ông chủ” và tiếp tục trên hành trình khai phá, mở mang đem “giá trị Việt” vươn xa.

Từ một quốc gia nhận nhiều viện trợ, trông chờ đầu tư nước ngoài, bây giờ Việt Nam có không ít doanh nghiệp Việt Nam đem vốn, công nghệ, chất xám đi đầu tư ra nước ngoài. Lũy kế đến nửa đầu năm 2023, Việt Nam đã có 1.654 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư Việt Nam gần 22,1 tỷ USD.

Trong bối cảnh mới, Việt Nam sẽ là điểm đến hấp dẫn của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4. Doanh nghiệp Việt hứa hẹn sẽ nâng tầm trong chuỗi cung ứng - chuỗi giá trị mới, như là bệ phóng để cộng đồng kinh tế Việt Nam hội nhập sâu, rộng, hiệu quả hơn.

>> Hợp tác quốc tế khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Đóng góp thầm lặng

Để doanh nghiệp hội nhập thành công cần rất nhiều yếu tố như chính sách, thể chế, quan hệ ngoại giao,…nhưng có một “cánh tay nối dài” không thể thiếu đó là thông tin, truyền thông - vai trò của báo chí. Với nhiệm vụ này, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp đã xác định là “sứ mệnh tất yếu” trong 30 năm ra đời và phát triển.

Chúng ta đang ở giai đoạn hội nhập rất mạnh, vì thế cần thông tin cởi mở, đa chiều, đa ngôn ngữ, đa phương tiện để đối tác thương mại, đầu tư quốc tế hiểu rằng: Việt Nam là nền kinh tế mở 200%, sở hữu rất nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA); phong phú các kênh để bắt tay hợp tác.

Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp nói riêng và hệ thống báo chí nói chung đang từng ngày nỗ lực để nhà đầu tư “nghe, biết và tìm hiểu” về thị trường Việt Nam. Không ít thương vụ đã hái quả ngọt nhờ các hoạt động xúc tiến, đối thoại, gặp gỡ, tiếp xúc, dẫn dắt của VCCI và cơ quan ngôn luận Diễn đàn Doanh nghiệp.

Sự ra đời, lớn lên của doanh nghiệp trong thời đại ngày nay luôn gắn liền với thông tin từ báo chí, ứng với chân lý “làm tốt là một chuyện, có người đánh giá cái tốt ấy là chuyện khác”. Doanh nghiệp cần có báo chí, truyền thông để quảng bá thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ; đồng thời động viên, khích lệ những thành quả lao động sáng tạo của doanh nghiệp.

Một thương hiệu muốn lan tỏa rộng rãi phải có “phần trăm” của thông tin nhào nặn. Do đó, khi bước ra sân chơi toàn cầu, thương hiệu và nhận diện thương hiệu là yếu tố sống còn của doanh nghiệp. Phải nói rằng, không có thương hiệu nào vươn ra thế giới mà không có “lời” của báo chí, kể cả trong trường hợp “hữu xạ tự nhiên hương”.

Trong bối cảnh hiện nay, nhiều quốc gia đặt ra rất nhiều rào cản thương mại. Để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất trong nước phát triển, ở góc độ truyền thông, báo chí cần ủng hộ, đồng hành cùng doanh nhân, doanh nghiệp chân chính. Bởi, hỗ trợ xây dựng thương hiệu mạnh mới có thể cạnh tranh với đối thủ quốc tế.

Khi đặt chân đến thị trường nước ngoài, điều đầu tiên doanh nghiệp gặp phải cũng là “thông tin” về thị hiếu khách hàng, văn hóa tiêu dùng, phong tục tập quán. Báo chí vốn sinh ra để đảm nhiệm phần công việc tiền trạm này. Muốn vậy, báo chí cũng cần mở rộng không gian hiện diện ra bên ngoài lãnh thổ, với đa ngôn ngữ, đa phương tiện.

Có thể bạn quan tâm

  • Lộ diện “hình hài” mới trong hợp tác quốc tế

    Lộ diện “hình hài” mới trong hợp tác quốc tế

    04:00, 26/09/2023

  • Việt Nam tập trung hợp tác quốc tế về nông nghiệp, năng lượng và chuyển đổi số

    Việt Nam tập trung hợp tác quốc tế về nông nghiệp, năng lượng và chuyển đổi số

    10:18, 24/03/2022

  • Hợp tác quốc tế liên ngành: Giải pháp phát triển dài hạn cho doanh nghiệp địa phương thời đại mới

    Hợp tác quốc tế liên ngành: Giải pháp phát triển dài hạn cho doanh nghiệp địa phương thời đại mới

    09:50, 25/12/2020

  • Hợp tác quốc tế nâng tầm thương hiệu Việt

    Hợp tác quốc tế nâng tầm thương hiệu Việt

    08:00, 18/11/2019

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
30 NĂM THÀNH LẬP DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP: Cùng doanh nghiệp vươn ra thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO